Nguồn: ThaiDzuy
Chi Phí tầm 65 triệu = vé máy bay khoảng 25 triệu + Landtour khoảng 36 triệu cho 12 ngày và một số chi phí khác.
MOROCCO – DỄ QUÁ THÌ AI YÊU?
Tôi tự cho mình là kẻ lãng mạn và yêu cái đẹp. Nếu chỉ lãng mạn không thôi, có rất nhiều nơi để đến mà không cần phải đi xa. Nếu chỉ yêu cái đẹp không thôi, cũng quá nhiều cảnh đẹp mà cũng không cần phải đi xa… Vì thế nhất định trong đời ít nhất một lần tôi phải thoả mãn được cả hai điều đó, và điểm đến không thể hoàn hảo hơn, chính là Morocco, vào một dịp rất đặc biệt khi tôi bước sang tuổi mới. Không chỉ mỗi mùa thu Hanoi mới đẹp mà mùa thu, tháng Mười cũng là thời điểm lý tưởng để ghé thăm xứ sở này.
Vì những sự đặc biệt trên nên phải thu xếp hành trình sao cho xứng đáng. Casablanca nói riêng và Morocco nói chung được cả thế giới biết tới qua bộ phim cùng tên trong thế chiến thứ 2. Chính quyền Morocco rất khôn khéo khi lựa chọn khẩu hiệu cho ngành du lịch nước nhà là Much Mor, một kiểu chơi chữ, Mor có nghĩa là More và Morocco, tức là chúng tao không chỉ có Casablanca như chúng mày biết qua phim và ca khúc nổi tiếng kia mà còn rất rất nhiều thứ hay ho khác nữa.
Và chuyến đi 12 ngày 11 đêm theo bước chân những kẻ si tình, những màu sắc sặc sỡ, những câu chuyện cổ tích của xứ nghìn lẻ một đêm, những bước chân lạc đà trên sa mạc, những thước phim huyền thoại từ thuở Rick và Ilsa trong Casablanca từ 1942 cho tới Aladdin phiên bản người đóng 2019.
Hiển nhiên là không có đường bay thẳng từ Vietnam qua Morocco nên bắt buộc phải quá cảnh. Hai lựa chọn được nhắc đến là quá cảnh Dubai bởi Emirates hoặc quá cảnh Istanbul bởi Turkish Airlines. Lựa chọn thứ 2 rẻ hơn khoảng vài trăm USD nên đương nhiên nhóm chúng tôi bay cùng Turkish Airlines. Tuy 4 sao nhưng phục vụ không thua kém gì Emirates hay Singapore Airlines đâu nha, vài thứ nho nhỏ lại có phần nhỉnh hơn đó. Giờ bay khá ổn, xuất phát Hanoi (hay Saigon) đều tầm đêm nên không phải mất ngày phép nào cho ngày khởi hành. Hơn 10 tiếng bay để tới được Istanbul, sau đó chờ quá cảnh tiếp 7 tiếng nữa mới có chuyến bay đi Casablanca kéo dài hơn 4 tiếng nữa. Dự báo tổng thời gian để đến với em nó từ lúc bước chân ra khỏi nhà cũng khoảng 27-28 tiếng, một thách thức không hề nhỏ với những ai lười di chuyển. Nhưng, tôi tin Morocco sẽ không làm ai thất vọng và hành trình đó sẽ được đền đáp xứng đáng.
Hoàn toàn có thể đi Morocco mà không cần qua tour miễn là bạn phải thành công trong việc xin visa với yêu cầu cao chả kém gì visa Âu châu nhé, được cái giá khá mềm, tầm 25$ của dịch vụ xin visa Maasai Travel. Lý do yêu cầu về visa cao như vậy bởi vị trí địa lý của quốc gia này, chỉ cách Spain và Portugal của Âu châu mỗi cái eo biển Địa Trung Hải nên cho dù nằm trên lãnh thổ Phi châu (tây bắc), Morocco tự cho mình cái đẳng cấp Âu châu như những quốc gia kia. Còn nếu gom được đám bạn bè thân thân đi cùng nhau, thì phương án lựa chọn một land-tour uy tín là bạn có thể an tâm tận hưởng chuyến đi theo yêu cầu của mình, thay vì phải đau đầu tính toán đi đâu, đi bằng gì, ăn cái gì ở đâu…
Quá cảnh ở Istanbul Airport, sân bay lớn thứ 2 trên thế giới thật sự choáng ngợp về quy mô và tiện nghi. Nhưng bước xuống sân bay Casablanca thì có một chút hụt hẫng vì sự tương phản, sân bay nhỏ và cũ kỹ, hải quan và lấy hành lý đều khá mất thời gian.Tầm 3.30 chiều mới ra khỏi sân bay. Casablanca vẫn tràn ngập nắng thu, cực kỳ dễ chịu với nền nhiệt xung quanh 20 độ… Từ đây hành trình khám phá thực sự bắt đầu…
CASABLANCA – AS TIME GOES BY
Trước khi khởi hành đi Morocco, tôi đã xem lại hai lần bộ phim huyền thoại Casablanca và thêm một lần nữa trên chuyến bay để được đắm chìm vài lần nữa trong cuộc tình bi tráng và ly kỳ giữa Rick và IIsa. Bởi nếu không, người ta sẽ khó hình dung Casablanca là cái giống gì mà lại hấp dẫn đến vậy. Chỉ cần thấy người yêu hạnh phúc, còn riêng mình nhận lại sự cô đơn trên mảnh đất đang có chiến tranh đã khiến chuyện tình Rick và IIsa trở thành tượng đài và hàng triệu cô gái trên thế giới đều ước ao có được một người bạn trai như Rick. Hãy để cảm xúc đó miên man trên những đường phố Casablanca, bối cảnh của phim và dẫn lối tới quán cafe Rick nổi tiếng, nơi đã từng quay những cảnh chính trong phim, và đừng thất vọng vì tất cả chỉ còn lại một quán cafe đúng nghĩa thương mại, màu trắng trong khu phố cũ. Chẳng sao cả, dù thời gian dẫu trôi qua nhanh, as time goes by, thì những cảm xúc vẫn còn mãi, những rung động và thăng hoa vẫn còn mãi, để rồi câu hát “I fell in love with you watching Casablanca” vẫn mãi ngân trong sâu thẳm con người bạn!
Casablanca không chỉ có Rick’s Cafe...
Thánh đường Hồi giáo Hassan II được xây dựng để tưởng nhớ nhà Vua Hassan II của Morocco, công trình thực hiện trong 14 năm từ 1980 đến 1993, chi phí khoảng 800 triệu USD. Kiến trúc sư người Pháp Michael Pinseau đã thiết kế Hassan II với một phần nằm trên biển, nơi tiếng kinh cầu hòa chung với tiếng sóng biển dịu êm…Trải rộng trên diện tích khoảng 9 ha, Thánh đường Hassan II có thể phục vụ tổng cộng 105,000 người bên trong và bên ngoài khuôn viên. Ngày nay Hassan II là thánh đường hồi giáo lớn thứ 3 trên thế giới. Tòa tháp của Hassan II cao 210m, cũng nằm trong top 2 tòa tháp Hồi giáo cao nhất thế giới. Trên đỉnh ngọn tháp có gắn đèn laser hướng về thánh địa Mecca, giúp người dân có thể cầu nguyện theo hướng chính xác. Do một phần nằm trên biển nên vào mùa thu, thời điểm trước hoàng hôn, với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, hơi nước ngưng tụ lại trên mặt biển sẽ bị gió thổi làm mờ mịt toàn bộ toà tháp.
Casablanca là hải cảng chính của Morocco, tiếp giáp với Đại Tây Dương, nên nó luôn được coi là thủ đô kinh tế của quốc gia này, dù thủ đô hành chính lại là Rabat. Casablanca theo tiếng Bồ Đào Nha là Nhà Trắng (White House), trong khi tên đầu tiên của nó là Anfa, qua Casa Branca và cuối cùng là Casablanca như hiện tại. Thành phố này từng chịu sự đô hộ của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và đặc biệt là Pháp nên có lịch sử phát triển rất phong phú.
MỘT THOÁNG RABAT
Rabat là thủ đô hành chính của Morocco, nằm dọc theo bờ sông Bouregreg và Đại Tây Dương. Và nó cũng là điểm dừng chân trên cung đường từ Casablanca đi Chefchaouen.
Biển nơi đây nhiều sóng, phù hợp với môn thể thao lướt sóng. Để tạo các bãi tắm an toàn cho người dân, chính quyền đã kè các bờ đá cùng với cát vận chuyển từ nơi khác tới. Nếu so với các bãi biển châu Á hoặc Caribbean thì biển khu vực này chắc chắn không có cửa, nhưng it nhất nó cũng giúp dân tình thỏa mãn trong những tháng hè. Có những khu vực bãi đá ven Đại Tây Dương cảnh cũng khá đẹp nhưng nguy hiểm, không thể bơi được. Chỉ thấy người dân thanh thản câu cá nơi đây.
Hassan Tower là tòa tháp của một Thánh đường Hồi giáo chưa hoàn thành ở Rabat, Morocco. Nó bắt đầu được xây dựng từ năm 1195 bởi Abu Yusuf Yaqub al-Mansur với tham vọng trở thành toà tháp lớn nhất thế giới cũng như Thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên mọi việc thay đổi không như kế hoạch sau khi al-Mansur bất ngờ qua đời vào năm 1199, và kể từ đó toà tháp vĩnh viễn không được hoàn thành cho tới tận ngày nay. Những biến đổi về thời gian, những trận động đất đã làm sụp đổ thêm phần còn lại dang dở đó… Cùng những nỗ lực phục dựng từ phía Chính phủ Morocco, ngày nay những cột đá và một phần toà tháp vẫn còn hoành tráng như tham vọng xưa kia của tiền nhân. Đặc biệt bức tường thành vẫn vẹn nguyên sau hơn 800 năm thi gan cùng tuế nguyệt…
Ngày nay, cùng với phần còn lại của Thánh đường Hồi giáo và Lăng Mohammed V hiện đại (kiến trúc sư Việt Kiều Eric Vo Toan được vinh danh trong thiết kế lăng mộ này), tạo thành một khu phức hợp lịch sử và du lịch quan trọng ở Rabat.
CHEFCHAOUEN – TÌNH MÃI XANH
Chefchaouen còn được gọi là Chaouen, là một thành phố ở tây bắc Morocco. Nó được biết đến là thành phố xanh, nổi tiếng đến mức du khách nào cũng muốn ghé nơi này để cùng thả hồn trong những con phố đặc trưng màu xanh lam, xanh cobalt, những lối đi quanh co lên xuống được điểm xuyết bằng những chậu hoa, đồ thủ công hay đơn giản chỉ là những bậc thang cùng tông màu…
Được tìm thấy đầu tiên bởi một người Do Thái vào thế kỷ 15, Chefchaouen khi đó có công năng như là một pháo đài trú ẩn cho những người dân Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha. Người Do Thái đã cho sơn toàn bộ khu thánh địa của mình sang một màu xanh cobalt sặc sỡ. Sắc màu đặc trưng này được nhân rộng khắp những mảng tường nhà thờ, con hẻm và nhà dân, làm cho Chefchaouen nổi bật lên hẳn giữa sự cằn cỗi hoang hóa thường gặp ở Phi châu.
Trong niềm tin tôn giáo của người Do Thái, màu xanh phản chiếu màu trời, tượng trưng cho sức mạnh của Chúa và có nguồn gốc từ sợi nhuộm tekhelel (một loại nhuộm cổ xưa) dệt nên những khăn cầu nguyện. Những cư dân sinh sống ở Chaouen hiện giờ đa phần là người Hồi Giáo và Berber, nhưng truyền thống sơn xanh vẫn được tiếp nối như một nét đặc trưng làm nên vẻ quyến rũ của thành phố. Một chút lưu ý khi chụp hình ở đây vì hầu hết người dân địa phương không thích bị chụp hình nên thường phải né tránh gương mặt họ, trong khi những du khách khác thì bạn thoải mái vô tư chung khuôn hình với họ.
FES – MA TRẬN KỲ BÍ
Rất nhiều người đã đúc kết rằng, ở xứ Morocco huyền thoại này, nếu như Marrakech là thành phố phát triển du lịch nhất, Casablanca là trung tâm kinh tế, Rabat là thủ đô, còn Fes có lẽ là nơi thú vị nhất đối với nhũng ai muốn tìm hiểu về văn hóa thời trung cổ. Thành phố Fes được coi là “Mecca of the West – Mecca của phương Tây” hay “Athens of Africa – Athens của châu Phi” với ý chỉ sự phát triển mạnh mẽ trong quá khứ của thành phố về nhiều mặt.
Với khoảng gần 160, 000 người sống và làm việc trong Medina, có lẽ đây là vùng trung tâm đô thị không có xe lớn nhất trên thế giới, lưu giữ nếp sống từ nhiều thế kỷ đến nay dường như không thay đổi gì. Medina được chia ra thành nhiều khu chuyên về bán hàng ăn uống hay vải vóc. Ở đó, những vách tường trong ngõ nhỏ cũng có thể biến thành cửa hàng giầy với vài giá gỗ hay quầy trang sức sặc sỡ bắt mắt, đậm chất Morocco. Nhiều lối đi xuyên qua mái vòm trơ gạch cổ kính, trên đó là ô cửa sổ vốn chỉ lớn hơn quyển sách giáo khoa một chút.
Một Fes cổ không xe cơ giới, không đèn giao thông… chỉ có tiếng lộc cộc của lừa và ngựa thồ cùng với tiếng người lao xao xen lẫn tiếng kim loại chan chát từ khu thủ công… Một ngày lang thang ở Fes mới hiểu tại sao thành phố hơn 1,000 năm tuổi này không cần sơn xanh, cũng không cần phủ đỏ mà lại hút hồn du khách đến như vậy. Một khu phố cổ Medina nhộn nhịp, nhà cửa san sát, con đường nhỏ hơn cả con hẻm, cứ leo lên rồi leo xuống, không tên, không số… Và đảm bảo sẽ lạc nếu không có người địa phương dẫn đường. Được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới, những con phố nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo hơn mê cung của Fes vẫn là nơi mọi người đến tụ họp, mua sắm, hội hè và cầu nguyện.
Fes còn là thiên đường đồ da, với công nghệ thuộc da số 1 thế giới qua vài trăm năm. Nói chung ai không thửa đồ da về thì thật là có lỗi quá đi!Thành phố thời gian bỏ quên này là một thánh địa Hồi giáo đúng nghĩa với 365 nhà thờ của đạo Hồi. Với mái vòm màu xanh lá cây cùng tiếng gọi cầu nguyện ê a nghe hơi rờn rợn từ loa vài lần mỗi ngày, nhưng lại có trường đại học sáng lập bởi một phụ nữ, vốn không được có chỗ đứng bình đẳng với nam giới trong thế giới Hồi giáo. Ít ai biết trường đại học xưa nhất thế giới, Đại học Al Quaraouiyine được thành lập tại Fes năm 859 bởi một phụ nữ người Tunisia giàu có tên là Fatima Al-Fihri, trước cả những trường đại học lâu đời như Oxford ở Anh hoặc Bologna ở Ý đến hơn 150 năm.
Cung điện Hoàng gia tại Fes được xây dựng vào thế kỷ 13 dưới triều đại Mérinides ở trung tâm của khu vực Fes El Jadid, tiếp giáp với Fes Medina. Cung điện là một quần thể rộng lớn 80 hecta, trong đó có cả một nhà thờ hồi giáo và những khu vườn xanh mát. Du khách không được vào bên trong tham quan mà chỉ có thể đứng bên ngoài ngắm toàn bộ những cánh cổng được chạm khắc tinh xảo bằng đồng, do những nghệ nhân thực hiện trong những năm 1960.
Trên thực tế, chỉ có cung điện tại thủ đô (hiện nay là Rabat) được chính phủ chi trả, còn lại những cung điện được xây dựng tại các thành phố khác như Fes hay Marrakech vì mục đích chính trị (bình thiên hạ giữa các miền đất giao tranh từ những thế kỷ trước) thì Hoàng gia phải tự trang trải. Chả như ở xứ thiên đường nào đó, ngân sách nhà nước trích ra để lắp camera cho nhà quan chức! Ngoài Fes cổ còn có cả Fes New Town nhé, cách đó 15 phút lái xe, gi gỉ gì gi, cái gì cũng có. Những đại lộ rộng lớn, những quán café kiểu Pháp hai bên phố rất văn mình và mát mắt. Có hẳn Đại siêu thị Carefour to đùng, tha hồ mua sắm đồ linh tinh…
Tối đi ăn tại nhà hàng đông nghịt khách, phải đặt trước vì luôn kín chỗ, nhà hàng chưa kịp nhớ tên nhưng có nhạc dân tộc, múa bụng và ảo thuật. 250 đồng MAD/pax chưa tính đồ uống và tip. Đồ ăn hơi nhìu, tầm 2 người lớn/phần là hợp lý với người Việt!
SỐNG TRONG RIAD
Đến Morocco, nhất định phải trải nghiệm ở tại Riad.Trong tiếng Ả Rập, Riad có nghĩa là “Vườn Trong Nhà”. Theo thời gian, đến nay riad thì được biết đến và được hiểu là những ngôi nhà truyền thống của người Ma Rốc, xung quanh là một khoảng sân trống không có mái che với những chậu hoa, cây cảnh và đài phun nước.
Chúng tôi được thu xếp ở trong Riad Dar El Ghalia, một trong những riad tốt nhất trong khu phố cổ Medina của Fes. El Ghalia được xây dựng từ thế kỷ 19 cho đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng, tất nhiên có cải tạo hệ thống điều hoà và vệ sinh cho phù hợp nhu cầu lưu trú. Cách xây dựng truyền thống của Morocco là tất các các phòng phải nhìn đối diện khoảng sân trống ở giữa riad và không được làm cửa sổ nào quay ra đường, lối thiết kế kiến trúc tiêu biểu của người Hồi giáo Islam được thiết kế để có không gian riêng sau một ngày làm việc, đồng thời cũng tránh cái nắng nóng gay gắt nơi này.
Sau những con hẻm nhỏ xíu hai người đi còn chạm nhau, riad thực sự là một thế giới Ả Rập hoàn toàn khác biệt những ồn ào xô bồ ngoài kia, là những ốc đảo tuyệt vời cho những tín đồ sống ảo…
IFRANE – THỤY SỸ TRONG LÒNG MOROCCO
Rời Fes, chúng tôi xuôi về phương nam. Trên đường đi, một điểm đến không nên bỏ qua đó là Ifrane, một thị trấn nhỏ có khí hậu ôn đới tựa như Dalat giữa lòng Phi châu, vì vậy nơi này được mệnh danh là Thụy Sỹ của Morocco. Từ trên xe bước xuống sẽ cảm nhận cái lạnh khá mạnh bởi chênh lệch nhiệt độ so với Fes chừng hơn 10 độ nhưng cũng tương đối dễ chịu bởi không khí vô cùng trong lành.
Cảnh sắc tuy không hút hồn như Thụy Sỹ nhưng bù lại có mấy con phố rất Tây, những quán café sang trọng và đẹp. Rừng thông ven đường cũng có nhưng quả thật kém xa Dalat của xứ mình.
ERFOUD – VƯƠNG QUỐC CHÀ LÀ
Có thể nói Erfoud là vương quốc chà là tại Morocco. Nơi nào cũng thấy chà là, từ góc sân xó vườn, hai bên đường phố cho tới các trang trại chà là chín khô tự nhiên lúc lỉu trên cây.
Chợ địa phương bán bạt ngàn chà là, bày trên kệ hay ngay dưới các tấm thùng carton trên sàn chợ với đủ loại từ cao cấp tới thấp cấp, từ khô cho đến tươi… Cũng may hàm lượng đường trong chà là rất cao nên ít nguy cơ bị nhiễm khuẩn…
SAHARA – BỒNG BỀNH TRÊN LƯNG LẠC ĐÀ
Thực ra chúng tôi cân nhắc lắm vụ cưỡi lạc đà tiến vào sa mạc Sahara. Không phải vì những lời cảnh báo rằng ngồi lạc đà đau và mỏi, nắng cháy rát hay là cát bay ngập đầu mà là vì chút lấn cấn, liệu có hành hạ súc vật hay không? Sau khi được giải thích rằng, lạc đà sinh ra đã làm nhiệm vụ thồ hàng cả ngàn năm nay qua sa mạc hay qua những cung đường cực kỳ hiểm trở như con đường tơ lụa, chúng tôi mới an tâm và sẵn sàng cho trải nghiệm này.
Để tránh cái nắng gắt trên sa mạc Sahara, thường các tour bố trí cho du khách khởi hành trong thời gian xung quanh 3.30-4.00 chiều, kịp vào trong lều trại để đón hoàng hôn trên sa mạc. Ai từng đi học môn địa lý đều biết rõ Sahara là sa mạc nóng lớn nhất trên thế giới, nằm trọn trong lãnh thổ Phi châu, rộng 1,800km và dài 4,800km, và phần đi qua Morocco được xem là đẹp nhất của Sahara. Tuy nhiên, tour trải nghiệm chỉ khoảng vài km vùng rìa sa mạc, thời gian khoảng 1,5 tiếng cũng đủ thổn thức bao trái tim muốn tìm cảm giác mới lạ.
Đừng quá tin vào những lời cảnh báo của những người đi trước, thời tiết mùa thu khá dễ chịu, ngồi trên lưng lạc đà cũng có chút bồng bềnh, gió mơn man phấn khích chứ chẳng có cực hình nào cả. Cũng không cần phải áo mấy lớp, miễn là có xài kem chống nắng, mang kiếng mát, khẩu trang và đặc biệt là khăn quấn đầu truyền thống của Morocco. Chỉ như vậy thì trải nghiệm của bạn qua những đồi cát, quanh co lên xuống mới đảm bảo đẹp và an toàn cho sức khoẻ.
Thường mỗi người sẽ cưỡi một lạc đà. Và mỗi một người dắt lạc đà sẽ phụ trách 4-6 con, lũ lạc đà được huấn luyện nên rất ngoan và phục tùng. Khi thấy cảnh đẹp, bạn sẽ yêu cầu người dắt lạc đà dừng lại để chụp hình. Đừng quên quay video clip nhé, hiếm khi có lần thứ 2 trong đời!
Đến lều, thay đồ dân tộc (đồ nam, nữ cùng với khăn có thể mua ngoài chợ với giá khá rẻ 7-8 USD/bộ) rồi chạy lên đồi cát ngắm hoàng hôn và sống ảo. Hãy cứ thư thái thả lỏng cơ thể trên những triền cát mát rượi chứ không nóng bỏng như từng nghĩ, ngắm từng vì sao bắt đầu nhấp nháy trên nền trời xanh thẳm… đợi khi bụng đói thì xuống ăn tối ngay khu vực nhà hàng của quần thể lều trại.
Lều ngủ trên sa mạc cũng không đến nỗi thiếu thốn đâu, có đủ nước (giếng khoan từ lòng đất nên hơi mặn) nhưng cũng có nước nóng (năng lượng mặt trời) nên tắm rửa khá là tươm tất. Chỗ ngủ rộng rãi và ấm cúng. Nhưng đừng vội đi ngủ sớm bởi trải nghiệm đêm đầy sao và trăng giữa không gian chỉ có cát và cát không xuất hiện nhiều lần trong đời… Hãy cùng quây quần bên đống lửa bập bùng, chơi trống, uống trà và cùng nhau nghêu ngao những bài hát không đầu không cuối, và tất nhiên không ai cấm bạn nhảy… Không ai muốn ngủ sớm, khi tiệc bên bếp lửa tan, lại quay về trước lều của mình, nằm dài trên chiếc ghế, ngửa mặt lên trời đón những tia sáng xanh lạnh của vầng trăng khuyết và những chòm sao mà đã lâu không còn nhận biết Đại Hùng nằm ở nơi nào trong dải ngân hà. Giây phút hiếm hoi ấy trong đời, tôi tự hỏi, cuộc đời này đâu có dài, sao cứ phải bon chen…Đêm khuya, tiếng nhạc cũng lặng dần, chỉ còn những đợt gió cát quăng mình lên mái lều mà cứ ngỡ như có mưa trên sa mạc.
Đã đón hoàng hôn, nhất định không nên bỏ qua bình minh trên sa mạc. Sáng sớm khá lạnh, chừng 15-16 độ mùa này, trời còn tối, trăng vẫn còn chênh chếc trên đầu. Khoác thêm chiếc áo ấm, bước chân trần trên cát lạnh sẽ có cảm giác từ ngại ngần cho tới thích thú, y như đôi chân được tập yoga vậy. Những đồi cát qua một đêm được gió tạo nên hình thái mới, những con lạc đà nằm cạnh nhau phía lòng chảo để tránh gió lạnh sáng ra cũng đã trở mình chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Tất cả những cái đó, cộng thêm chút tia nắng đầu ngày sẽ tạo nên những khung hình chỉ có trong các tấm bưu thiếp mà thôi… đừng bỏ lỡ!
Ăn sáng xong, tuỳ sự thoả thuận với tour mà bạn có thể quay ra theo đường khác bằng việc cưỡi lạc đà hoặc ngồi xe Land Cruiser để tiết kiệm thời gian nhưng chi phí có cao hơn. Bỏ lại sau lưng những chú lạc đà dễ thương, những cồn cát mê hoặc… chúng tôi tiếp tục những hành trình khác về phía nam của Morocco.
AIT BEN-HADDOU
PHIM TRƯỜNG HOLLYWOOD
Rời sa mạc Sahara, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống thành phố Ouarzazate, một thành phố phía nam của dãy Atlas huyền thoại. Ouarzazate có hai địa danh thu hút khách du lịch là Ait Benhaddou phía tây bắc và hẻm núi Todra Gorge phía đông bắc.
Ait Benhaddou nổi tiếng không chỉ là danh thắng được UNESCO phong tặng di sản văn hóa thế giới mà còn vì trong suốt sáu thập niên, nơi đây từng là trường quay nổi tiếng của vài chục bộ phim Hollywood, đầu tiên là Lawrence D’Arabie vào năm 1960 cho tới những phim bom tấn như Xác Ướp Ai Cập (The Mummy), Võ Sĩ Giác Đấu (Gladiator)… và mới nhất là Trò Chơi Vương Quyền (Game of Thrones)
Ait Benhaddou thực chất là ngôi làng 600 năm tuổi do bộ lạc Ait Aissa xây dựng đã từng là nơi trú chân của nhiều đoàn thương gia từ Timbuktu đi Andalusia qua đường Marrakesh và cảng Tangier. Làng gồm hàng trăm ngôi nhà cổ màu đất được xây dựng bằng chất liệu đất sét truyền thống trộn với vật liệu giống như rơm của người Maroc, tường rất dày để giữ ấm trong mùa đông và giữ mát trong mùa hè. Hầu hết là những ngôi nhà nhấp nhô, cửa ra vào bé cùng những ô cửa sổ bé tí tẹo. Để bảo tồn khu di sản đặc biệt này, chính phủ đã cho di dời dân sang khu làng mới bên cạnh, đồng thời chỉ cung cấp nước chứ không có điện trong khu Ait Benhaddou cổ. Tuy nhiên vẫn còn lại một vài gia đình vẫn bám trụ lại nơi này, một phần muốn buôn bán các vật phẩm lưu niệm, ngoài ra còn có lý do khác là họ không đủ khả năng sang khu mới. Ban ngày các cửa hàng lưu niệm rực rỡ ngay từ lối vào làng cho tới những con đường chính quanh co trong làng. Họ chủ yếu bày bán khăn quàng, đồ gỗ, đồ gốm, vật trang trí đặc trưng của Morocco rất xinh xắn và hoà quyện với không gian màu sắc trầm mặc nơi này. Có hàng ngàn góc sống ảo nơi này, từng bờ tường, từng ô cửa sổ, những vạt nắng xiên qua những con dốc nhỏ cũng rất ấn tượng.
TODRA GORGE – ĐIỂM ĐẾN THẤT VỌNG
Thất vọng nhất là hẻm núi Todra. Nó được mô tả như là một trong 12 hẻm núi đẹp và kỳ vĩ nhất thế giới. Một trang du lịch có viết rằng:“Hẻm núi Todra là một rãnh đá vôi nằm ở phía đông của dãy núi High Atlas ở Morocco, gần thị trấn Tinghir, được bao quanh bởi sông Todra và sông Dades, bên nền sa mạc Sahara, có chiều rộng 10m với đá mịn hai bên sườn cao khoảng 160m, đoạn cuối dài 600m của hẻm núi này là khu vực đẹp nhất khi hẻm núi đang dần được thu hẹp lại. Đặt chân tới hẻm núi Todra cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đặt chân tới một trong những hẻm núi đẹp và hùng vĩ nhất thế giới. Thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp đầy huyền bí và quyến rũ, hẻm núi Todra hiện lên trước mắt du khách với nét kiến trúc vừa cổ kính, uy nghi, vừa hiện đại với tone màu chủ đạo là cam mang lại cảm giác hoài cổ cùng những hàng cây xanh xung quanh và dòng nước yên bình chảy…”
Đến nơi, du khách này chỉ thấy một sự lộn xộn với các loại xe to xe nhỏ ra vào nườm nượp cực kỳ bụi bặm. Con đường bê tông thô kệch và vô duyên chạy giữa hai vách núi dựng đứng không liên quan gì tới những thứ đẹp đẽ xung quanh. Con suối nhỏ lạnh lẽo, hàng cây xanh chẳng thấy đâu… không có một khuôn hình nào trọn vẹn. Sự cẩu thả trong quản lý đã đánh mất đi vẻ đẹp nơi đây… Với tôi, đây là điểm đến thất vọng nhất trong toàn bộ hành trình Morocco huyền thoại!
ATLAS MOUNTAINS
Atlas là một dãy núi chạy ngang dải phía bắc của Châu Phi kéo dài khoảng 2,500 km qua Morocco, Algerie, và Tunisia. Nó cũng chính là ranh giới ngăn cách giữa biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương với sa mạc Sahara.
Phần dãy núi chạy qua Morocco chiếm đến một phần ba diện tích quốc gia này, trải dài từ tây nam đến đông bắc và chia thành ba phần rõ ràng: High Atlas có những dãy núi cao vút, Middle Atlas với thành phố Fez cổ kính và Anti Atlas với nhiều cao nguyên núi lửa.
Tuy địa hình hiểm trở nhưng giao thương đường bộ cũng không bị cản trở nhiều do chính phủ cũng đầu tư để phát triển du lịch, nhờ vậy mà xe du lịch cỡ lớn vẫn chạy băng băng chứ không như Tây Bắc xứ mình. Hai bên đất đá khô cằn, chỉ thỉnh thoảng bắt gặp một nhánh sông suối nhỏ dưới thung lũng với màu xanh quen thuộc, nơi đó có những ngôi làng nhỏ yên bình dưới những tán cây chà là hoặc ô liu.
Thiên nhiên khắc nghiệt, người dân nơi đây quý trọng từng giọt nước, từng nhánh cây…
MARRAKECH
Tuy không lớn như Casablanca và Fes nhưng thành phố phía Tây Nam của Morocco là Marrakech lại rất nhộn nhịp và thu hút đủ mọi tầng lớp du lịch đến như vậy. Nó từng là kinh đô của Morocco một thời, giữ vị trí cực quan trọng trong tuyến đường buôn bán xuyên sa mạc Sahara nên rất nhiều người nhận xét rằng, chưa tới Marrakech thì coi như chưa ghé Morocco là vậy. Từ thế kỷ XIII, Marrakech đã không còn là kinh đô, tuy nhiên nó vẫn là một trong bốn hoàng thành của Ma Rốc, là trung tâm thương mại quan trọng, thành phố nghệ thuật của Morocco nói riêng và Phi châu nói chung.
THÁNH ĐƯỜNG KOUTOBIA
Nằm ở phía Tây Nam của khu phố cổ tại Marrakech, Koutobia là thánh đường hồi giáo lớn nhất thành phố này. Nó còn được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như Jami’ al-Kutubiyah, Kutubiya, Kutubiyyin, Thánh đường của những Kẻ bán sách. Koutoubia nằm ở ngay đầu Đại lộ Mohamed V, nó cũng nằm cách Quảng trường Jemaa EL Fna nổi tiếng chưa đầy 200 mét.
Koutobia được hoàn thành dưới thời của Berber Almohad Caliph Yaqub al-Mansur (1184-1199) và được trang trí với những cửa sổ cong vòm, các dải gốm sứ, tượng thú và cổng vòm trang trí. Thánh đường được xây dựng bằng đá đẽo – từ những ngọn đồi sa thạch gần thành phố Marrakech. Bao quanh Koutobia là một khu vườn với quảng trường rộng lớn. Tháp Mihrab của Koutobia cao 77m với đỉnh tháp và một quả cầu trang trí. Theo đo đạc, hướng của mihrab trên đỉnh tháp về phía Thánh địa Mecca của người Hồi giáo lệch 10 độ. Chính với lối kiến trúc như vậy, Koutobia đã trở thành nguồn cảm hứng cho công trình khác như Tháp Hassan ở Rabat.Quảng trường phía trước Koutobia rộng lớn, tuy đông du khách tham quan nhưng tất cả đều trật tự và yên lặng để giữ sự tôn nghiêm cho thánh đường. Có thể nói ngoài tiếng chuông và kinh cầu nguyện thì âm thanh còn lại chỉ đến từ tiếng vỗ cánh của từng đàn chim bồ câu bay lượn dù thánh đường nằm sát con phố sầm uất và quảng trường nhộn nhịp.
CUNG ĐIỆN BAHIA
Bahia, tiếng Ả Rập có nghĩa là sáng chói, đây là một trong những di tích lịch sử được bảo tồn tốt nhất, chắc chắn thú vị ở Marrakech. Được biết, Cung điện Bahia được xây dựng giữa 1866 và 1867 bởi Si Moussa Ba Ahmed, một vị vua ăn chơi khét tiếng. Bahia Palace được đặt trên hai mẫu đất ở giữa Medina với tham vọng trở thành cung điện lớn nhất thời bấy giờ.
Màu trắng là tông màu chủ đạo xen với xanh địa trung hải tạo cảm giác dễ chịu và thích thú ngay từ cái nhìn ban đầu. Hơn thế nữa, bên trong cung điện được trang trí nội thất rất sang trọng, thêm khoảng sân rộng được lát gạch và có cả một vườn hoa và cây cối khá rộng. Trong cung điện có những căn phòng khác nhau được phân chia theo thứ bậc của các bà vợ, đương nhiên phòng của vợ cả luôn to nhất, đẹp nhất, chạm khắc tinh sảo nhất.
Chính sự hoành tráng và vẻ đẹp nổi bật này, đã khiến cung điện Bahia mang đến cho du khách những cảm giác ấn tượng và nhiều thú vị.
SHOPPING Ở MOROCCO
Trước tiên xin được cảnh báo, đi chợ ở Morocco, đặc biệt ở Fes và Marrakech, xác định luôn là khi đi hết mình khi về hết xèng. Hồi đi Grand Bazaar ở Turkey đã choáng với kiểu đàn ông Thổ bán hàng siêu giỏi rồi, các anh các chú bán hàng ở chợ Morocco chả kém cạnh tẹo nào.
Đúng là Fes thiên đường đồ da, với công nghệ thuộc da số 1 thế giới. Những tannery (xưởng thuộc da) có tuổi đời hơn 700 năm, đến nay vẫn duy trì cách làm thủ công với những thùng hình bán cầu ngâm da động vật, hình ảnh này xuất hiện trên các postcard về Fes. Mùi thuộc da đặc trưng lắm, đến nỗi bước vào cửa là mỗi khách được phát cho một cành bạc hà (mint) tươi xanh to tướng dí vào mũi để giảm mùi và tránh buồn nôn cho khách tham quan. Hàng làm ra không đủ để xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, người bán nói thách siêu ghê gớm, thường gấp 3-4 lần. Áo da ở xưởng thuộc da lớn nhất nơi này, đòi 400$ mặc cả xuống 100$ lên 110$ sau mấy lần ngúng nguẩy của cả hai bên thì đồng ý. Tuy nhiên lúc tính tiền thì tráo trở ngay, 110euro. Vì hàng quá đẹp nên chấp nhận trả thêm 10$ cho cả hai bên vui. Vòng ra ngoài phố, nhiều đồ da đẹp và giá mềm vô cùng, nhất là các loại giày… Các cửa hàng trong chợ của Fes còn bán nhiều đồ đồng, trang trí, và còn có cả khu trái cây và đồ ăn…
Chợ ở Marrakech thì lượn mấy ngày không hết… đồ da cũng nhiều nhưng có lẽ không xịn xò được như ở Fes nhưng bù lại nhiều cửa hàng, nhiều lựa chọn hơn. Nguyên tắc là đừng tỏ ra thích thú trước mặt hàng nào cả, giả vờ trề môi, lắc đầu… rồi mặc cả từ 20-25%… nói chung đa phần dính ở mức 25-30%, càng kiên định càng thành công. Những người bán hàng sẵn sàng ôm bạn lại để không cho qua hàng khác… Cái màn đòi quà qua lại thật sự vui, không giống như ở Fes. Thường người bán hàng sẽ chủ động hỏi quà người mua (vì quan niệm tao đã bán rẻ cho mày rồi đó), quà là cái gì cũng được, miễn là mình phải lấy từ trong túi quần túi áo hay ba lô. Có thể là cây viết, mấy đồ dùng trong khách sạn (bàn chải, dao cạo râu, xà phòng…), thậm chí cả kính mát (rởm) đang đeo trên mặt. Nói chung hồ hởi lắm… hai bên cười như địa chủ được mùa… Cũng có mấy người bán hàng, họ không có shop bên trong mà dựng đại cái lều nhỏ hoặc đơn giản có cái quầy như quầy bán vé số bên mình, chế tác đồ da nhỏ xinh như vòng tay… thân thiện và tin người, bỏ cả quầy cho khách, rồi chạy đi mãi đâu lấy đúng màu da khách thích…
Dân Morocco theo đạo hồi nên không uống rượu beer, thay vì đó họ uống trái cây rất nhiều. Cam ngon và ngọt, chỉ có 4 đồng (10 ngàn VND) một ly to, lựu thì đắt hơn, tầm 10 đồng (25 ngàn VND). Các quầy nước ép rất bắt mắt…
Còn rất nhiều điều gợi nhớ về xứ sở huyền thoại Morocco mà không diễn tả hết. Chỉ có thể đến, hít thở bầu không khí đậm màu cổ tích, nghe những âm thanh của cả ngàn năm trước vẫn réo rắt bên tai, ngắm nhìn cuộc sống trôi đi chậm chạm giữa những con ngõ nhỏ xíu như mê cung, hay bồng bềnh trên lưng lạc đà tiến vào sa mạc lớn nhất thế giới…để hiểu tại sao mảnh đất này lại có thể đánh cắp trái tim của hàng chục triệu du khách mỗi năm.
Tháng Mười, 2019
Leave a reply