• Menu
  • Menu

SRI LANKA – GIỌT LỆ ĐÀI TRANG

Nguồn: ThaiDzuy
Vị Trí:
  • Sri Lanka
  • https://goo.gl/maps/TRDeR4pFssE2
Thông tin chung:
  • Người Việt ít đi Sri Lanka vì trong tâm thức đây là một nước nghèo, nghèo hơn Việt Nam thì đi làm gì. Hơn thế nữa Sri Lanka lại xảy ra nội chiến liên miên suốt mấy thập niên nên hoà bình thực sự mới hiện hữu trên đất nước 60% dân số theo đạo Phật này được chừng 5 năm. Nói đến Sri Lanka mọi người chỉ biết đến thứ nhất là trà mà thương hiệu Dilmah làm mưa làm gió mấy năm liền ở Việt Nam, thứ hai là những con hổ giải phóng Tamil.
  • Maldives thì nổi tiếng khỏi phải nói, từ sự sang chảnh đến đắt đỏ không tưởng và thường dành cho các sao đi nghỉ dưỡng. Gần đây người Việt đi nhiều hơn nhưng cũng chưa thực sự nhiều vì sự đắt đỏ ám ảnh các tín đồ xê dịch.
  • Hai quốc gia này gần nhau. Tụi Tây thì rất khoái đi Sri Lanka bởi nét đặc trưng không lẫn vào đâu của quốc gia hình giọt lệ long lanh giữa Ấn Độ Dương. Mình thì máu đi cả hai. Tham khảo thông tin trên mạng thì rất ít hãng lữ hành tổ chức liên tour này. Thôi, đành tự khám phá vậy!
  • Việc đầu tiên là tìm hiểu visa. Thật tuyệt là thủ tục cực kỳ đơn giản. Maldives thì khỏi cần thu mấy đồng bạc lẻ phí visa làm gì cho bận lòng du khách vởi thiên đường du lịch này chả cần làm gì, chỉ cần rải chiếu rước khách vào nhà là đếm tiền không xuể rồi! Vậy nên chỉ cần trình ra vé máy bay khứ hồi và xác nhận đặt phòng là nhận được nụ cười tươi rói của hải quan cửa khẩu. Sri Lanka vì đang còn nghèo nên phải tận thu, $35 cho visa du lịch cũng chát phết nhưng được cái xin ETA online (Electronic Travel Authorization) theo đường link https://www.eta.gov.lk/slvisa/ Trước khi điền form phải chuẩn bị đủ thông tin hộ chiếu, vé may bay, booking hotel, thẻ tín dụng để trả phí visa. Điền thông tin đầy đủ theo form, sau khi bấm nút submit chừng phút sau là nhận được email xác nhận chấp thuận. Rõ nhanh và tiện!
  • Tiếp theo là xác định thời điểm và độ dài của chuyến đi. Maldives thì đẹp quanh năm nên chẳng lo, Sri Lanka thì nên đi trước tháng Sáu vì tháng Sáu bắt đầu mùa mưa bên đó, kéo dài vài tháng tuỳ năm. Tháng 5 là thời điểm nóng nhất, nhiệt độ thường trên 32 ban ngày và 25 ban đêm. Nên dành khoảng 5-8 ngày trọn vẹn ở Sri Lanka và 3-4 ngày ở Maldives tuỳ điều kiện công việc và tài chính. Mình không nghỉ được nhiều và xèng cũng rất chi là hữu hạn nên chọn phương án 5 ngày trên đất Sri Lanka và 3 ngày ở Maldives.
  • Quan trọng nhất mang tính chất quyết định của chuyến đi là việc đặt vé máy bay. Từ Hanoi/Saigon không có đường bay thẳng nên quá cảnh là bắt buộc. Cứ xác định thời gian bay và quá cảnh phải ít nhất 10-12 tiếng kể từ khi rời nhà. Sang chảnh thì quá cảnh ở Singapore để bay 5 sao với Singapore Airlines, bình bình thì quá cảnh Bangkok còn rẻ nhứt luôn là điểm trung chuyển thần thánh Kuala Lumpur (KLIA). Có thể tuỳ chọn bay đến Male (Maldives) trước rồi quay về từ Colombo (Sri Lanka) hoặc ngược lại. Sau khi kiểm tra qua giờ bay, thấy thuận nhất vẫn là ghé Colombo trước, chơi ở Sri Lanka xong rồi bay sang Maldives sẽ rất đẹp giờ. Như đã khuyên, sau khi kiểm tra một loạt hành trình khai thác bởi Singapore Airlines, Tiger Air, Air Asia, Bangkok Airways và cả VNA (để bay sang KLIA) chợt phát hiện ra em Malindo Air (tiền thân là Lion Air), hãng hàng không 3 sao giá ổn giờ cũng ổn. Nói chung cứ phải so sánh giá từng chặng để thấy giá em nào mềm thì quất em đó. Mình lựa được hành trình như sau: HAN-KUL bởi Malindo Air 12.15-16.35; KUL-CMB bởi Air Asia 21.00 – 21.55; CMB – MLE bởi Srilankan Airlines 07.20 – 08.15; MLE-KUL-HAN bởi Air Asia 21.30 – 08.30 sáng hôm sau ở HAN, về kịp đi làm buổi chiều! Nếu book sớm thì giá Malindo Air từ Việt Nam đi Colombo là rẻ nhất đó. Một điểm bất tiện khi sử dụng 2 hãng bay khác nhau cho hành trình HAN-KUL-CMB thì tới KLIA phải qua immigration lấy hành lý rồi lại nhập cảnh lại, nếu đi tiếp bằng Air Asia thì phải qua Terminal 2. Hơi bị nhiêu khê do tốn khá nhiều thời gian nên phải tính toán thời gian cẩn thận để đảm bảo đủ thời gian xuất-nhập cảnh tại KLIA, ít nhất cũng phải 4 tiếng. Còn nếu bay cùng 1 hãng hàng không thì cách nhau 2 tiếng là ổn.
  • Việc cuối cùng là đặt phòng và xe cộ. Với Sri Lanka giá phòng trên các trang web như Agoda, Hotels hay Booking đều khá cao, trung bình khách sạn 5 sao thường có giá 200-220$/đêm. Giao thông ở Sri Lanka còn tệ nên khó mà xài phương tiện công cộng. Giải pháp cuối cùng được lựa chọn là thông qua hãng lữ hành nội địa bên đó, với 6 đêm khách sạn 5 sao lung linh, xe đưa đón sân bay và di chuyển trong suốt thời gian ở Sri Lanka, chưa tính tiền ăn và phí thắng cảnh, tip là $530/pax cho nhóm 4 khách (nếu chỉ có 2 khách thì chi phí là $610/pax). Khách sạn resort ở Maldives thì giá nào cũng có. Từ vài chục đô ở thủ đô Male cho tới $20,000/đêm ở water villa trên các đảo cũng có. Ra ngoài đảo thì có hai lựa chọn front beach villa (khoảng 400$/đêm) hoặc water villa (dao động $1,000-$1,500/đêm) bao gồm tất tần tật ăn 3 bữa đưa đón cano hoặc thuỷ phi cơ tuỳ giá phòng. Mình quay qua quay lại cuối cùng lựa chọn phương án đặt qua hãng lữ hành nội địa Maldives ở Paradise Resort and Spa giá mềm nhất, đặc biệt khi so sánh với báo giá của các công ty du lịch Việt Nam.
  • Vậy là xong. Lo chăm chỉ làm việc để còn được nghỉ phép đi chơi và đợi đến ngày bung lụa…
  • Xác định đi chơi xa là phải làm quen với việc chờ đợi ở sân bay cũng như việc delay không mong muốn, trừ khi mình đủ giàu có để sắm phi cơ riêng. Sân bay KLIA đêm nay có chút trục trặc khi một phi cơ gặp sự cố, kéo theo sự delay nghiêm trọng của tất cả các chuyến bay. Giờ cất cánh theo kế hoạch trên vé là 21.00 nhưng mãi 23.45 mới thực sự được nhấc ra khỏi mặt đất. Điều đó có nghĩa hạ cánh xuống Colombo vào thời điểm đã bước sang ngày mới trong khi Colombo sau Malaysia 2,5h đồng hồ.
  • Ngoại trừ việc delay ngoài kiểm soát thì chuyến bay đi Colombo của Air Asia khá ổn, hạ cánh xuống sân bay lúc 00.15. Cũng may thủ tục hải quan nhanh, nhân viên liếc qua cái ETA cho có lệ rồi dán cái tem vào hộ chiếu là xong. Trong dòng người thỉnh thoảng sẽ có một người ngẫu nhiên được lựa chọn vào gặp Chief Customs Officer nên cũng đừng ngạc nhiên, chỉ là thủ tục của Sri Lanka thôi, như là một phần trong công cụ giám sát của Sếp với nhân viên vậy. Vì là chuyến bay quá muộn trong ngày nên việc lấy hành lý cũng nhanh chóng. Tuy nhiên có một việc phải lưu ý kỹ nếu hành lý của bạn gửi thẳng từ điểm đầu tiên (HAN) thì khi ở KLIA nên lại quầy thông tin nhờ kiểm tra giúp hành lý có đi theo người trong chuyến bay kế tiếp từ KUL đi CMB không nhé, vì đã có trường hợp thất lạc hành lý trong các chuyến bay như vậy.
  • Chỉ khi chàng tài xế tên Buwaneka người địa phương trao vòng hoa lan nhỏ xinh vào cổ thì lúc đó mới thực sự cảm nhận mình đã đặt chân lên Sri Lanka, giọt lệ giữa Ấn Độ Dương.
  • Quá nửa đêm, đường vắng nên xe chạy nhanh qua những con phố với những ánh sáng vàng vọt từ đèn đường, từ những cửa hiệu đóng cửa muộn hai bên đường. Về tới hotel, làm thủ tục check-in gọn lẹ cũng vừa vặn 01.00 sáng… Thật sự là một ngày dài…
CẢM NHẬN ĐẦU TIÊN
  • Đêm qua, thực sự gọi đêm chứ cũng chỉ được có vài tiếng ngủ trong căn phòng sát biển Negombo của khu khách sạn Jetwing Blue Negombo. Vì khá là mệt sau chuyến bay dài lại ở khí hậu biển Ấn Độ Dương nên chìm vào giấc ngủ rất phê! Nếu không có tiếng chuông báo thức chắc có lẽ quất luôn một phát đến trưa. Sri Lanka muộn hơn Việt Nam 1,5 tiếng nên cũng may nhịp sinh học không bị đảo lộn nhiều.
  • Thức dậy trong thứ âm thanh rất đặc biệt, lẫn trong tiếng sóng biển oàm oạp là tiếng kêu của hải âu và quạ, mà quá trời là quạ đậu trên các tán lá dừa ngoài bờ biển khiến cho mình không khỏi tò mò vùng dậy khỏi giường trong khi cơn thèm ngủ như muốn níu kéo. Bên ngoài nắng chan hoà dù chỉ mới hơn 7h sáng hứa hẹn một ngày nắng nóng.

Bờ biển Negombo
  • Ăn sáng tại khách sạn tuy chưa hẳn đã ngon vì khác khẩu vị nhưng được nhất vẫn là đồ uống và trái cây, hoàn toàn từ trái cây tươi nên rất tốt cho những ngày nắng nóng. Curry thì không thể thiếu trong thực đơn của họ nhưng mùi nhẹ hơn đồ ăn Ấn và ít cay hơn chút.
  • Hồ bơi tràn bờ nhìn thẳng ra biển trong khi biển rất sạch và xanh nhưng không đủ thời gian để hưởng lạc vì 8.30 phải rời khách sạn cho những điểm tham quan ngày đầu. Khách sạn đêm qua được lựa chọn như là một điểm trung chuyển cho khách nghỉ ngơi sau chuyến bay dài…
  • Tài xế đã chuẩn bị sẵn xe Toyota 12 chỗ thẳng tiến tới cố đô Anuradhapura.
  • Đường xá bên Sri Lanka những năm gần đây được đầu tư tương đối ổn, tuy chỉ có hai làn xe nhưng khá phẳng và đẹp, có vạch sơn rõ ràng và quy củ chứ ko kiểu chắp vá chờ lún như VN mình. Dân số toàn quốc chỉ chưa tới 21 triệu người nên các tỉnh hoặc vùng ven Colombo tương đối thưa thớt, hai bên đường cực kỳ thanh bình với những nếp nhà nhỏ và thấp lẫn vào lùm cây. Nông thôn ở đây rất hiếm khi thấy nhà nào có nhà lầu. Ruộng vườn bỏ hoang khá nhiều, theo cậu tài xế thì do lợi nhuận từ nông sản quá thấp nên người dân không muốn trồng trọt nữa. Nông sản đặc trưng mang lại lợi nhuận cao cho Sri Lanka chính là trà, cao su và dừa. Ngoài ra hương liệu cũng là những thứ người Sri Lanka tự hào về văn hoá và truyền thống của mình. Tuy nhiên, niềm kiêu hãnh của người Sri Lanka chính là đá quý. Ai cũng có thể say sưa nói về đá quý. Cậu tài xế còn lấy ví dụ vương miện trên đầu Nữ hoàng Anh Elizabeth có đính đá quý của Sri Lanka, công nương quá cố Diana cũng xài blue sapphire của Sri Lanka… chỉ có mình đang ngồi trên xe cậu ấy lái là không dám tơ tưởng tới một tí tí gọi là…
  • Đường từ Negombo đi Anuradhapura không xa, chừng tầm 150km nhưng do đường hẹp và hạn chế tốc độ dưới 70km/h nên cũng phải hơn 3 tiếng mới tới nơi. Trên đường đi khá nhiều cảnh sát đứng bên đường, sắc phục không chói loà và gương mặt cũng kém ác so với nhà mình. Nói chung dân Sri Lanka cũng hiền nên tuân thủ giao thông ổn. Hai bên đường có rất nhiều điểm bán trái cây rau quả, nhiều nhất là chuối. Thấy chúng tôi chỉ chỏ về giống dừa vàng, cậu tài xế vui vẻ dừng xe xuống quán lá bên đường mời mỗi người một trái, nói chung hiếu khách thì uống nhiệt tình chứ quả thực phải gọi dừa Bến Tre, Bình Định nhà mình bằng cụ. Đêm dài lắm mộng, đường dài nhiều chuyện rồi thế quái nào lại vòng sang chuyện India – Sri Lanka. Cậu tài xế chắc nịch rằng Sri Lanka tách khỏi Ấn Độ cả 2,500 trước kia, chứ không phải 1948 như chúng tôi trêu chọc. Có cái gì đó giữa hai quốc gia như kiểu China và VN vậy… Nhưng nói gì thì nói, Sri Lanka sùng đạo Phật hơn Ấn nên dân sống ôn hoà hơn và ít bon chen hơn.
  • Rồi quá trưa cũng tới cố đô Anuradhapura. Tài xế đưa tới nhà hàng Mango Mango, nổi tiếng nhất khu vực này được Trips Advisor recommended nên khá yên tâm về chất lượng, không sợ đau bụng. Tuy vậy trong lòng có chút lo lắng về giá cả – chỉ sợ bị chém như ở bên nhà. Nói đến vụ đổi tiền mới nhớ, hôm qua khi hạ cánh tranh thủ ghé quầy đổi tiền trong sân bay, bán ra 1$ = 15,050 Rupee Sri Lanka, giá như nhau ở các quầy. Quy ra tiền VND thì 1R = 150 VND lận! Kinh nghiệm đi nhiều thành phố cho thấy chỉ nên đổi ít thôi, cỡ $100 chi tiêu tạm. Sau ra gặp cậu tài xế, cậu ấy khuyên hai ngày tới không có chỗ đổi tiền giá tốt nên đổi ở sân bay là ổn nhất, thế là vòng trở vào đổi thêm. Thủ tục nhanh chưa đầy 30 giây, chẳng cần phải hỏi hộ chiếu hay boarding pass gì. Quay trở lại chuyện ăn trưa, thấy giá cả nhà hàng cũng khá ổn, tầm 400R/món hoặc phần cơm kiểu Tàu hay Thái, tức chỉ tương đương 60K VND/phần cơm, cũng khá ổn. Thêm nước uống và trái cây cũng chỉ tầm 100K VND là có bữa trưa đầy đủ bên xứ lạ!
  • Sri Lanka theo cảm nhận cá nhân là không được khoa học lắm khi thời gian ăn trưa thường là 12.30-14.00, còn ăn tối thì từ 19.30-22.00 nên ra đường gặp bụng bự nhiều lắm. Đã thế đồ ăn thường làm mặn, có món rất chi là mặn so với người Việt (nhất là món xào hoặc hầm) từ quán bình dân tới nhà hàng 5 sao. Vì vậy khi gọi món nhớ lưu ý vụ mặn, và cay, và béo (nước cốt dừa) để nhắc nhà hàng. Như nhiều vùng nông thôn khác ở châu Á, bữa ăn người dân chủ yếu là cơm trắng, curry, rau xanh và trứng.
CỐ ĐÔ ANURADHAPURA
  • Rất nhiều trang du lịch đưa ra nhận định, đến Sri Lanka là phải tới cố đô Anuradhapura, bởi nó không chỉ là thành phố cổ nhất mà còn là trung tâm Phật Giáo với rất nhiều toà bảo tháp trên diện tích 40kms vuông. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 11, Anuradhapuralaf trung tâm quyền lực chính trị và phát triển kinh tế không chỉ ở Sri Lanka mà còn cả khu vực Nam Á rộng lớn. Rồi qua tháng năm với những cuộc xung đột lợi ích, chiến tranh và thiên tai, nơi đây chỉ còn lại phế tích. Chính phủ cùng với các tổ chức quốc tế đã cùng nhau phục dựng rất nhiều tàn tích trong thành cổ này để được những công trình kiến trúc tồn tại đến ngày hôm nay. Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới khá sớm, 1982.
  • Nói về lý do vì sao Phật Giáo được tôn sùng ở quốc gia này, người dân truyền lại rằng, các đời Vua ở Sri Lanka chỉ lo 3 việc quan trọng: 1- Bảo vệ Phật giáo; 2- Bảo vệ người dân; 3- Đào được nhiều hồ để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Truyền thống đó được lưu giữ cho đến tận ngày hôm nay thông qua những quy tắc trong sinh hoạt đời thường. Đó là những điều mà du khách buộc phải tuân thủ trong việc tôn kính Phật vì không chỉ người dân nhắc nhở mà luôn có cảnh sát du lịch tại các điểm thắng cảnh. Thứ nhất là trang phục phải phù hợp, quần hoặc váy phải dài quá gối, không hở vai hở ngực. Nếu trót mặc short thì kiếm cái khăn hay xà rông mà quấn vào thôi. Thứ 2 là phải bỏ giày dép ở rất xa khu vực chính, có khi tận ngoài cổng xa tít (khắt khe hơn cả Myanmar), vì vậy đi dép xỏ ngón là tiện lợi nhất! Thứ 3 là không được đội mũ bất kể trời mưa hay nắng. Thứ 4 là hạn chế chụp hình khi đến gần tượng Phật, nếu được chụp cũng không được quay lưng vào tượng Phật. Sau khi thấm nhuần những giáo lý đó thì bắt đầu khám phá cố đô nhé…
  • Đầu tiên là ghé Jetavaramaya Musium mua vé và tham quan bảo tàng luôn. Người dân địa phương được miễn phí còn dân ngoại quốc thì vui lòng xoè ra 25$ góp phần xây dựng nước người nhá. Mang tiếng là bảo tàng mà sao nó bé xíu à… vật trưng bày cũng không phong phú, chủ yếu là di tích của tượng Phật, đồ gốm, và một phòng trưng bày đá quý cổ. Nói chung không làm về khảo cổ thì không nên dành thời gian cho chỗ này. Đằng sau bên phía tay phải của bảo tàng sẽ thấy toà tháp màu gạch nâu đỏ – Tháp Phật Jetavaramaya, là tháp Phật lớn nhất thế giới được xây từ thế kỷ thứ 5, một tuyệt tác của nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc được hình thành từ hơn 93 triệu viên gạch với chiều cao 122m và diện tích toàn khu vực quanh tháp lên tới 5,6 hecta. Lúc đỉnh cao phát triển, khu vực này là nơi cư trú của 10,000 tu sỹ Phật Giáo. Tháp Phật Jetavaramaya chỉ được phép chụp hình từ xa, du khách có thể đi quanh chân tháp để ngắm những bức điêu khắc còn lưu lại.
Bài viết liên quan:  Myanmar - Tôi đi tìm tôi

Tháp Phật Jetavaramaya
  • Tiếp theo một nơi bắt buộc phải ghé bởi mang tính tâm linh rất cao là Sri Maha Bodhi – cây Bồ Đề có tuổi đời trên 2.100 năm, được chiết cành từ cây Bồ Đề gốc nơi Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền và thành đạo. Từng đoàn người lần lượt chân trần đi trên cát sỏi nóng như rang dưới cái nắng trên 36 độ cảm giác như đi trên than hồng mới biết sức hút của Sri Maha Bodhi lớn như thế nào. Để đảm bảo sự bền vững cho cây, người ta đã cho rào lại xung quanh và dựng lên những cột sắt chắc chắn để nâng đỡ các cành của nó. Mùa này là mùa thay lá của cây nên không còn sự sum xuê thường thấy mà thay vào đó là những chiếc lá vàng khẽ rụng xuống mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Người dân đón nhận từng chiếc lá rơi xuống như một sự ban phép của Đức Phật hiện hữu và giữ lại như một điều may mắn. Tuyệt đối không ai được phép vặt lá khi nó còn xanh. Hầu hết các cây bồ đề về sau được trồng trên khắp thế giới đều được chiết từ cây bồ đề tại đây. Hãy đem về nhà một lá bồ đề khô từ nơi này như một sự cầu may cho gia đình và người thân.

Sri Maha Bodhi – cây Bồ Đề có tuổi đời trên 2.100 năm
  • Tiếp theo nữa là đền Thurapama, có kiến trúc màu trắng đặc trưng. Đây là ngôi đền Phật giáo cổ nhất Sri Lanka với niên đại xây dựng tận thế kỷ 3 trước công nguyên. Tương truyền ngôi đền này lưu giữ xá lợi mảnh vụn xương vai phải (có người cho là mảnh vụn xương sườn). Hãy chịu khó chân trần đi một vòng trên đá nóng quanh đền sẽ hiểu được sự khổ hạnh của các nhà sư, tăng ni phật tử khi hàng ngày họ cầu nguyện bằng cách như vậy dưới cái nắng như thiêu như đốt.

Thurapama
  • Isurumuniya là một ngôi đền nhỏ hoàn toàn bằng đá, có niên đại cực lâu cỡ thế kỷ 3 trước công nguyên. Điều thu hút khách du lịch ngoài ngôi đền đá chính là những bức điêu khắc nên vách núi hình con ngựa và các bức tạc người khác. Nếu có thời gian và mê điêu khắc thì nên ghé nơi này lâu, còn không tạt qua đi một vòng lên xuống cũng ổn. Đền này không nằm trong gói giá 25$ kể trên mà phải trả thêm 200R. Điều ngộ nghĩnh ở đây là có dịch vụ trông giày dép, 20R/đôi, có vẻ như ngôi đền này là điểm thương mại hoá duy nhất ở cố đô.
  • Cảm nhận đôi bàn chân đã rát bỏng sau những điểm thăm chính tại cố đô, cơ thể đã thấm mệt và mất nước vì mồ hôi, cũng là lúc ánh hoàng hôn thong thả buông xuống những ngôi đền. Đã đến lúc di chuyển về khách sạn cách cố đô chừng hơn tiếng lái xe. Ăn tối tại một quán ăn nhỏ có tên rất Tây Hang Out ở Habarana cũng mở nhạc Tây như ai và chủ quan cực dễ thương. Lôi cả khách vào bếp để cùng nhau thống nhất cách nấu nướng sao cho hợp khẩu vị nhất sau một ngày ở Sri Lanka với một bồ kinh nghiệm về ẩm thực. Đồ ăn “tailored made” nên ngon và mắc hơn lúc trưa là đương nhiên, nhưng cũng không tới 200k VND/người
SIGIRIYA KỲ QUAN THỨ 8
  • Đêm qua được nghỉ tại quần thể khách sạn nghỉ dưỡng Cinnamon Lodge rộng mênh mông ở Habarana cảm giác như lạc giữa rừng nhiệt đới với vô vàn cây xanh và hồ nước. Dù đã khá muộn nhưng cũng ráng xuống hồ bơi làm vài vòng vì không cầm lòng được trước sự lung linh huyền ảo của em nó. Sự tĩnh lặng của đêm như được cộng hưởng bởi tiếng côn trùng. Giấc ngủ đến thật nhanh sau một ngày dài…
  • Sáng thức giấc, bước ra ngoài cửa phòng như được hồi sinh giữa không gian hương thơm nhè nhẹ của bạch liên, chút nồng đượm của sứ trắng. Từ trên những tán cây cao tít, đám ve sầu đã bắt đầu một mùa sinh sản với những tiếng kêu xa xa chứ không inh ỏi. Không gian tuyệt vời đến mức đã có ý nghĩ chỉ cần nghe và ngửi cũng đủ sống…
  • Đã được thông báo trước hôm nay sẽ là ngày leo trèo nên để tránh cái nắng gay gắt của buổi trưa, việc khởi hành sẽ sớm hơn. 8h bắt đầu lên xe thẳng tiến tới Sigiriya, điểm thăm quan nổi tiếng nhất và cũng là biểu tượng du lịch của Sri Lanka. Lòng chộn rộn khi biết thời gian di chuyển từ khách sạn tới Sigiriya chỉ khoảng 20 phút và đặc biệt đường đi quá đẹp tuy không được hai làn xe nhưng khá vắng và sạch sẽ, thơ mộng.
  • Chỉ một lát sau Sigiriya đã hiện ra sừng sững trước mắt. Như mọi điểm du lịch biểu trưng của mỗi quốc gia, nếu chưa đến Sigiriya thì coi như vẫn chưa tới Sri Lanka. Được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới nên Sigiriya nổi tiếng là điều đương nhiên. Bạn cứ tưởng tượng một cao nguyên hoàn toàn bằng đá, đứng riêng rẽ biệt lập ở độ cao 370m so với mặt nước biển và 200m so với những vùng đất xung quanh đã từng là một cung điện của triều đại vua với hơn 500 bà vợ và hàng vạn quân lính ở trên đỉnh cao nguyên suốt nhiều thập kỷ tronh điều kiện xây dựng không được máy móc trợ giúp như ngày nay thì ngạc nhiên đến nhường nào.

Sigiriya
  • Lịch sử của Sigiriya nhuốm màu đau thương cũng bởi lòng tham và đam mê quyền lực gây ra. Thông tin về nó các sách ghi chép có đôi chút khác nhau và vì tính phức tạp của nó, mình nghĩ chỉ cần biết bản chất vấn đề là đủ. Sigiriya tiền thân là một tu viện từ thế kỷ 3 trước công nguyên và gần như không ai biết tới. Cho đến thế kỷ 5 sau công nguyên, với sự kiện động trời giết chết cha đẻ (vua đang trị vì ở cố đô Anurahpura) và đoạt ngôi của anh trai (cùng cha khác mẹ), hoàng tử Kasyapa lên ngôi vua trong sự phản đối của dân chúng và sự trả thù của người anh nên Kasyapa đã tìm một vùng đất độc đáo, biệt lập và cho xây dựng suốt 18 năm trị vì từ 477 đến 495 (một số tài liệu ghi chú 459-477) với đầy đủ hệ thống nước, hào nước nuôi cá sấu, thành bảo vệ và cung điện cho riêng mình. Cung điện gồm các công trình trải dài trên đỉnh của cao nguyên. Điều đáng kinh ngạc là người xưa làm thế nào để di chuyển, vận chuyển hàng hoá đồ đạc phục vụ vua lại còn lo phòng vệ qua những vách núi gần như thẳng đứng đến như vậy. Sau khi vua Kasyapa chết, Sigiriya lại trở thành tu viện Phật giáo trong một thời gian và sau đó bị bỏ hoang và lãng quên suốt nhiều thế kỷ, cho đến đầu thế kỷ 20 (1907) mới được tái hoà nhập vào thế giới hiện đại bởi nhà thám hiểm người Anh. Ngày nay du khách được đi lên bằng những bậc thang chắc chắn được giữ bằng những thanh sắt hình trụ đóng sâu vào vách núi nhưng quả thật không dành cho những người yếu tim. Du khách hoàn toàn có thể thấy những chỗ hõm vào trên vách đá nơi người xưa đã đục đẽo để di chuyển.
  • Điều kinh ngạc nữa là giữa lưng chừng vách đá phía bờ tây vẫn còn vẹn nguyên 18 bức tranh hình phụ nữ để ngực trần (Apsara Paintings – không biết có liên quan gì tới điệu múa Apsara nổi tiếng ở Đông Nam Á không nữa) với màu sắc vẫn còn gần như nguyên vẹn sau gần 16-17 thế kỷ. Không ai biết rõ hình những người phụ nữ ngực trần đó là gì, có thể là hoàng hậu, có thể là bà tiên…nhưng đều hiện thân cho sự sinh sôi của đất trời. Muốn được chiêm ngưỡng những tác phẩm lưng chừng vách núi đá này, du khách phải leo trên những thang xoáy trôn ốc giữa trời cao tầm 10 mét – toàn bộ hai thang được giữ vững bằng các thanh sắt tròn gắn vào đá. Thật sự run vì không biết tính an toàn của nó ra sao, rủi ro khá cao. Ngay ở lưng chừng trời như vậy vẫn có 2 cảnh sát du lịch trực và bắt giữ những hành vi vi phạm như chụp hình các bức tranh, sờ vào hiện vật. Một anh chàng có vẻ người Hàn hoặc Tàu bị dính chưởng, mặt ngắn tũn ngồi trong chuồng cọp trước sự nghiêm khắc của 2 cảnh sát, nộp phạt hoặc bị giữ hộ chiếu…
  • Ngay phía dưới 18 bức tranh là bức tường gương. Xưa nó là nơi ghi lại các bài thơ, dòng cảm nhận từ thế kỷ 8 nhưng giờ đây không cho phép viết nữa. Thực ra giờ thấy nó chẳng có gì đặc biệt ngoài việc giữa lưng chừng trời có một bức tường dài.
Bài viết liên quan:  Khám phá Bhutan - Miền đất xanh hạnh phúc
  • Đi tiếp một chặng quanh co nữa mới tới lối vào chính để lên cung điện ở cửa Bắc. Tại đây vẫn còn phần chân của con sư tử khổng lồ, mà trước đây khu vực này là phần đầu của con sư tử đá, cũng từ đó mà có tên gọi Sigiriya – có nghĩa là sư tử đá nổi tiếng khắp thế giới. Từ đây đi vòng men theo sườn vách đá chừng vài trăm mét nữa sẽ lên đỉnh cao nguyên đá, chiêm ngường những tàn tích của cung điện xưa kia và ngắm toàn cảnh Sigiriya phía dưới. Nếu kỳ vọng không gian xung quanh như Bagan thì sẽ thất vọng, tuy nhiên Sigiriya chỉ cần có vậy là quá xứng đáng cho kỳ quan của thế giới. Và số tiền $30 bạn bỏ ra mua vé không hề hoang phí chút nào. Có người mách nước, cần gì phải leo lên đây chi cho vừa đắt vừa cực, leo lên ngọn đồi phía đối diện mất có $3 rồi chụp hình sang cao nguyên đá Sigiriya là được rồi. Mình không bao giờ làm vậy, nếu thế ở nhà lên google tìm cái hình thật đẹp rồi ghép vào là xong, cần gì phải đi!
  • Tổng cộng leo lên leo xuống khám phá cung điện xưa cũng hết tầm 3,5 tiếng, đó là đủ sức khoẻ để vừa leo vừa chịu đựng cái nắng nóng trên 36 độ. Cũng may là Sri Lanka không khuyến khích cáp treo, nếu như ở Việt Nam thì Sun Group đã phá tan hoang cái di tích này rồi.
  • Sau bữa trưa gần đó tại nhà hàng Sigiri Access Villa, có thể đi Safari vào buổi chiều với chi phí chừng 5,000R/người gồm tiền vé và xe Jeep. Tuy nhiên nếu chỉ để được ngắm voi, trâu rừng và mấy con thú vớ vỉn thì đừng nên đi, phí tiền. Hãy để cơ thể được chiều chuộng sau gần 4 tiếng leo trèo bằng một cữ massage truyền thống Sri Lanka kéo dài 80 phút là phù hợp nhất. Athreya là một địa điểm uy tín được du khách giới thiệu nhiều nhất, tuy không sang trọng như các khu spa hay massage thường thấy nhưng cực kỳ đặc trưng Sri Lanka, không màu mè hoá chất hương liệu, thuần tuý dầu và tinh dầu tự nhiên với giá 30$/người gói cơ bản, không gồm liệu pháp điều trị!
  • Về lại khách sạn, nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục nuông chiều bản thân với hồ bơi xanh mướt, lắng nghe tiếng chim hót và lũ khỉ tinh nghịch nhảy nhót chuyền cành xung quanh. Đời thật nhẹ và chậm…
PHẬT GIÁO HAY MỸ THUẬT?
  • Cam đoan ngay từ đầu là các bạn học Mỹ thuật mà không đến Sri Lanka xem các bức hoạ có niên đại hàng ngàn năm thì thật là phí. Dambulla Cave Temple hay còn có tên khác là Golden Temple of Dambulla, cái này để phân biệt với một cái Golden Temple khác mà trên đường từ Habarana xuống Kandy có thấy.

Temple of Dambulla
  • Dambulla Cave Temple là hệ thống chùa trong hang lớn nhất được bảo tồn cho đến ngày nay ở Sri Lanka. Nằm ở độ cao 160m so với khu vực dân cư xung quanh, Dambulla Cave Temple có 5 hang lớn nhỏ khác nhau với hàng trăm bức tượng, từ tượng Phật, tượng Vua, cho tới Chúa Trời và hàng ngàn bức tranh trên vách hang và vòm hang. Quần thể phức hợp chùa hang này có niên đại từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, không hiểu người xưa chia cắt thế nào mà nước mưa không bao giờ chảy vào trong nên lòng hang luôn khô ráo, đó là lý do mà các bức tượng và tranh được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Cũng không ai biết chắc bức tranh đầu tiên được vẽ vào thời nào, bức tượng đầu tiên được tạc từ năm nào, chỉ biết rằng để khắc và vẽ nên những bức tranh trên vách khó 1 thì tranh trên vòm khó gấp 10 lần, tất cả đều tinh xảo và thẩm mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Hang thứ 2 là hang lớn nhất và có nhiều tranh đẹp và kích thước lớn nhất. Thật may mắn là có thể chụp hình tượng Phật và các bức tranh trong chùa hang (nhưng cũng rất hên xui vì nếu có cảnh sát du lịch thì họ có quyền cấm). Vé vào cửa cho vụ này là 1,500R ($10), dịch vụ trông giày dép là 25R.
  • Nếu bạn muốn thưởng thức một bữa trưa trong không gian toàn cây xanh và chỉ có cây xanh thì nên ghé nhà hàng xinh xắn thuộc khu Luckgrove, tỉnh Matale. Chỉ chưa đầy 10 món ăn đặc trưng của Sri Lanka gồm cá ngừ, gà, curry, salad, soup, cơm trắng, cơm chiên, trà và chuối tráng miệng tạo nên bữa buffet khá ổn cho du khách. Điều bất ngờ là giá rẻ bất ngờ, chỉ có 500R cho một người ăn thoả thích, tương đương 75k VND – một giá vô cùng rẻ trong khu du lịch – không bao giờ có ở Việt Nam. Giá trị tăng thêm ở đây là bầu không khí trong lành, không tiếng còi xe, mọi người nói chuyện âm lượng vừa phải, rất dễ chịu. Ăn xong, đến màn chào hàng và giới thiệu các sản vật địa phương của khu Luckgrove, bao gồm các cây dược liệu và gia vị cùng các chế phẩm của nó. Thực ra cũng không có gì đặc biệt so với các quốc gia châu Á khi công dụng của quế, sả, gừng, riềng, hồ tiêu, nhục đậu khấu, cacao, lô hội… giống nhau, chỉ khác nhau cách chế biến thành gia vị hay các loại tinh dầu và dầu xoa y tế. Cũng nên trân trọng và thể hiện sự lịch sự với nhân viên khu này, cho dù chúng ta có mua hay không mua sản phẩm của họ.
  • Từ Matale chạy xe về Kandy chừng hơn 1 giờ, càng gần Kandy phố xá càng đông đúc. Sau mấy ngày ở Sri Lanka, hôm nay lần đầu tiên mới chứng kiến nạn kẹt xe ở Kandy. Phố xá nhỏ, phương tiện giao thông đông đúc và khá hỗn loạn. Lý do được đưa ra, Kandy là thành phố được UNESCO công nhận nên không được phép mở rộng, ngoài ra xung quanh Kandy lại là đồi núi nên không còn giải pháp nào khác.
  • Tranh thủ chút thời gian còn lại của buổi chiều, việc lựa chọn xem một show trình diễn âm nhạc và múa dân tộc của Sri Lanka là điều nên làm, như khách đến Việt Nam đi xem múa rối nước vậy. Có chút thất vọng khi nơi biểu diễn chả khác nào hội trường xã ở VN những năm 85-90 với mái tôn, quạt trần, hàng ghế nhựa xỉn màu xếp thành hàng trên một mặt phẳng. Khi được hỏi tại sao dẫn tụi này vào cái nơi xập xệ như vậy, cậu tài xế thật thà trả lời, đây là sân khấu của Chữ Thập Đỏ Sri Lanka, mang tính chất nhân đạo vả lại, nơi này trình diễn là hay nhất. Tạm thoải mái với lời giải thích đó và đợi chờ màn biểu diễn đặc sắc nhất Kandy với giá vé 1,000R (150k VND). Thật lòng mà nói màn trình diễn sơ sài, cảm giác như tiết mục văn nghệ quần chúng chứ không mang tầm nghệ thuật. Mấy màn múa lửa và đi trên than hồng thì còn thua các bạn nghệ thuật đường phố Saigon, nhưng mà thôi, hãy sống rộng lượng một chút, thoải mái một chút vì mục đích cao cả, trợ giúp nạn nhân thiên tai và nâng cao chất lượng y tế của Sri Lanka.
  • Cũng gần tới giờ ăn tối. Nhỏ nhẹ gợi ý cậu tài xế rằng sau mấy ngày ăn đồ địa phương, nay muốn đồ ăn quốc tế thì nên đi đâu. Cậu ấy cười ý nhị và đánh lái xe lên con dốc nhỏ cao vút. Chưa kịp định thần thì đã tới nhà hàng trên đồi, Slightly Chilled với view khá đẹp, nhìn xuống khu phố cổ Kandy phía dưới. Rất mừng là ở đây có đồ Tây và Tàu nên có nhiều lựa chọn, và tất nhiên giá có mắc hơn các nơi khác. Khung cảnh đẹp, đồ ăn ổn (vì luôn phải nhắc nhở ít muối ít cay) và phục vụ nhanh chóng. Ăn bao no và ngon, kèm đồ uống trái cây tươi mà vẫn không hết 200k VND/người
  • Kết thúc một ngày khá nhẹ nhàng, không mệt như hai ngày đầu. Đã thế các bạn lại quăng mình vào một cái hotel 5 sao đẹp như mơ, Earl’s Regency Kandy nằm trên ngọn đồi thơ mộng với hồ bơi như một dải lụa màu ngọc bích…
KANDY THÀNH PHỐ HOÀNG GIA
  • Kandy là thành phố lớn thứ 2 của Sri Lanka, chỉ sau Colombo. Do đặc điểm nằm trên cao nguyên được bao bọc bởi đồi núi nên khí hậu khá mát mẻ dễ chịu. Buổi sáng thức dậy trong không gian lãng đãng mây nhè nhẹ với nhiệt độ chỉ xung quanh 25 độ nên rất thích hợp với các hoạt động ngoài trời.
  • Kandy từng là kinh đô của nhiều triều đại trong lịch sử phát triển của xứ Tích Lan. Vì là kinh đô nên điều dễ hiểu tại sao ngôi chùa nổi tiếng Sri Dalada Maligawa – Chùa Răng Phật lại được nằm gọn trong cung điện hoàng gia bởi nhiệm vụ của vương triều, của quốc gia là phải bảo vệ xá lợi răng Phật. Truyền thuyết kể lại rằng vào khoảng thế kỷ thứ 4, xá lợi được một công chúa lén mang từ Ấn Độ về Sri Lanka. Hiện nay Xá lợi Răng Đức Phật được tôn thờ bên trong một bảo tháp bằng vàng tuyệt đẹp trong khung kính ở chính giữa chùa và được coi là báu vật quốc gia của Sri Lanka.
  • Chùa Răng Phật là điểm du lịch nổi tiếng nhất thành phố cổ kính Kandy, là nơi linh thiêng được phật tử khắp nơi trên toàn Sri Lanka và thậm chí cả trên thế giới tôn kính. Hôm nay lại trúng vào Lễ Phật Đản nên chùa đông đúc hơn ngày thường. Khách nước ngoài đến chùa này rất nhiều, phần nhiều do tò mò muốn khám phá thực sự có xá lợi hay không. Vé vào cổng có sự phân biệt rõ ràng, công dân khối SAARC (India, Bangladesh, Pakistan…) chỉ mất 750R, công dân Thailand và Myanmar (nơi đạo Phật là quốc giáo) thì mất 1,000R, phần còn lại của thế giới cứ vui lòng xoè ra 1,500R ($10). Tất nhiên dân Sri Lanka thì vào cửa tự do… Vì nó nằm gọn trong Hoàng Gia nên canh gác cũng nghiêm ngặt hơn các chùa khác, luôn có người nhắc nhở xếp hàng vì quá đông. Do đặc điểm tín ngưỡng nên rất nhiều bé sơ sinh được mang đến chùa để cầu may mắn và ban phước lành, nhóm này được ưu tiên ngồi riêng, vị trí đẹp và đi cửa riêng. Còn lại phải xếp hàng từ rất xa, đi rất chậm từ dưới lầu lên gác, mãi mới tận mắt chiêm ngưỡng được bảo tháp bằng vàng và tất nhiên bằng mắt thường thì làm sao có thể nhìn thấy trong đó có xá lợi hay không. Thực ra điều đó không quan trọng bởi có nhiều những thứ vô hình còn tạo ra lòng tin được cơ mà. Hãy cứ thành tâm khấn nguyện những gì tốt đẹp nhất về sức khoẻ, bình an cho gia đình, người thân và những người mình yêu quý.
Bài viết liên quan:  Kenya - Tôi đi tìm tôi
  • Sau khi thoả mãn phần tâm linh tín ngưỡng, hồ Kandy ngay cạnh cung điện hoàng gia sẽ là điểm hóng gió tuyệt vời, tuy không đẹp bằng Hoàn Kiếm Lake nhà mình nhưng cũng đủ giúp điều hoà không khí cho thành phố cổ này. Đây là hồ nhân tạo trong lòng thành phố vì như đã nói, các triều đại của xứ Tích Lan rất coi trọng thuỷ lợi, việc tạo nên các hồ nước là một trong ba nhiệm vụ lớn lao.
  • Mua sắm ở Kandy không có gì nổi trội mặc dù đây là vùng cao nguyên có trồng trà và các loại gia vị. Tài xế có khuyên muốn mua trà thì trên đường đi Colombo sẽ ghé mua, nơi có nông trại trà lớn. Ở Kandy có tiệm đá quý nhưng một phần không có nhu cầu, phần nữa do trưng bày và giới thiệu không hấp dẫn lắm nên không hứng thú lưu lại tiệm đó. Ăn buffet trưa tại nhà hàng Aloy Restaurant giá cũng khá mềm, 1,200R/người với tương đối đầy đủ các món.
  • Thời gian còn lại trong ngày dành cho Royal Botanical, Vườn Bách Thảo Hoàng Gia, tuy đã qua mùa Xuân nhưng vẫn còn nhiều hoa đẹp, những ai mê lan có thể ghé Orchids House để thưởng lãm. Đặc biệt trong vườn có cây Kaurl Pine, tên khoa học là Agathis Robusta cực to, được chuyển về vườn năm 1865 với thân hình đồ sộ chắc chắn như khối đá! Vườn Bách Thảo là nơi học sinh và sinh viên tới vui chơi ngoại khoá và học tập khá nhiều. Vé vào cửa cho người nước ngoài là 10$.
  • Để ngắm toàn cảnh thành phố Kandy từ trên cao, hãy yêu cầu tài xế chở tới Bird Eye’s View. Quay về khách sạn vẫy vùng trong hồ bơi xanh mát, kết thúc một ngày tương đối nhẹ nhàng ở thành cổ Kandy.
COLOMBO NHẠT NHOÀ
  • Cũng may chọn Colombo là điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi, nếu không thì ấn tượng về Sri Lanka ít nhiều bị rơi rụng bởi những gì Colombo thể hiện ra cho du khách thấy không thực sự xứng tầm thủ đô của một quốc gia. Đây có thể là nhận xét cá nhân nhưng quả thực khi đặt Colombo cạnh những thành phố khác như Anurahdapura hay Sigiriya thì du khách sẽ nhớ những cái kia nhiều hơn…
  • Sáng khởi hành từ Kandy về Colombo khá trễ do tâm lý ngày cuối nên cũng muốn thoải mái một chút, hơn 9h mới rời khách sạn vì còn mải mê xem nghi lễ của đám cưới truyền thống được tổ chức tại đây. Hiện tại chính phủ Sri Lanka đang xây dựng tuyến cao tốc Colombo-Kandy nhưng tận 2020 mới xong cho nên hiện tại chỉ có một con đường chính nối hai thành phố, tuy đã được mở rộng so với trước đây nhưng vẫn còn khá hẹp lại đông đúc nên mặc dù chỉ có 130kms nhưng thời gian chạy xe cũng mất cả 4 tiếng. Hai bên đường nhà cửa cũng cũ kỹ, nhiều cửa hiệu bám mặt tiền kinh doanh y chang Việt Nam. Đặc biệt có khá nhiều quán bán trái cây, sầu riêng quả tròn giá chỉ 300R/kg (45kVND), măng cụt thì đắt hơn 450R/kg (70kVND), chuối thì vừa nhiều vừa rẻ 100R/kg ăn thoải mái…
  • Tích Lan nổi tiếng với sản xuất và xuất khẩu trà nên trong hành trình không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức trà tại xứ này. Nếu tiện đường, hãy ghé Kadugannawa để thăm Geragama Tea Factory. Gọi là nhà máy cho oai chứ thực ra là nơi sản xuất thủ công, có sự trợ giúp của máy móc cách đây vài thập kỷ. Qua đây cũng biết các loại trà khác nhau được chế biến khác nhau như thế nào, giá cả khác nhau ra sao từ Golden Tea, Silver Tea, Flowery Tea, Black Tea, BOP, BOPF… và cuối cùng cũng nên mua ít trà về làm quà, giá cũng hợp lý cho những gói trà sạch trên quê hương của nó.
  • Ăn trưa tại một nhà hàng nhỏ trên đường, giống như bao nhà hàng ở tỉnh lẻ, thức ăn không được phong phú cho lắm nhưng cũng tạm chấp nhận được cho những chuyến đi chơi. Lại buffet giá 1,150R/người tức là chưa tới 180k VND. Xe mỗi lúc đi một chậm, báo hiệu sắp vào thành phố Colombo. Đường xá đông đúc, chờ qua ngã tư dễ tới 5-7 phút mặc dù còn cả hơn 10km nữa mới tới trung tâm. Hơn 3h mới vào trong khu vực nhộn nhịp của thành phố. Như mọi du khách đến Colombo, những điểm cần ghé thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Galle Face Green được nhắc đến đầu tiên, hứa hẹn là điểm hấp dẫn nhưng cậu tài xế nói sau 5h khi hoàng hôn xuống mới đẹp nên phải để dành.
  • Đầu tiên xe chạy qua Memorial Hall (Toà tưởng niệm) do Tung Của tặng chính quyền Sri Lanka và nó nằm đối diện Đại sứ quán TQ. Đó là toà nhà khá đồ sộ nhưng cứ nghe tới Tung Của là chán chẳng muốn vào trong làm gì, mất thời gian. Sau đó quay ra Independence Square, Quảng trường Độc lập cũng có lác đác khách tham quan, khu vực này còn có một dãy shop thời trang cao cấp nhưng vắng hoe không có tí gì là nhộn nhịp.
  • Gangaramaya Temple được giới thiệu như là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở Colombo. Vé vào cửa 300R nên cũng đủ hình dung sự “hoành tráng” của nó như thế nào trong khi các điểm chùa nổi tiếng khác đều khoảng 1,500R. Chùa là phức hợp trỗn lẫn của phong cách Sri Lanka, India, China and Thailand nên chẳng ra một thể thống gì, nhìn rất ức chế. Đã thế chùa ở trong trung tâm thành phố nên hạn chế về mặt bằng, xây dựng rất nhếch nhác. Có thể Colombo là nơi dân tứ xứ về nên cái chùa đa phong cách như thế này là giải pháp hài hoà cho các tín ngưỡng Phật giáo khác nhau. Và chính vì thế mà các quy định cũng không còn ngặt nghèo, mặc quần short cũng được, còn giày dép thì phải để bên ngoài. Hôm nay là ngày đẹp hay sao á mà hay gặp đám cưới, có một đám cưới đến chùa làm lễ với hai cặp phụ dâu rể rất hoành tráng.
  • Xong xuôi lượn mấy shops lớn có đồ lưu niệm rất đẹp nhưng giá khá chát nên đành quay ra Galle Face Green. Nó được giới thiệu là bãi cỏ chạy dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương, nằm trong trung tâm thành phố Colombo, đã từng là nơi tổ chức đua ngựa, chơi cricket, polo, rugby… Tưởng là sẽ đông vui nhộn nhịp phong cảnh hữu tình nhưng thất vọng dâng tràn, nước biển thì đục, bãi cỏ thì không thấy xanh hoặc có thể chết khô, sóng lớn vỗ vào bờ kè như ở Đồ Sơn vậy. Một dãy kiosque màu xanh thẫm chạy dọc theo bờ biển bán bim bim, nước uống. Một vài xe hàng rong bán đồ ăn nhanh như kiểu bánh tôm Hồ Tây… và chỉ có 1-2 lều hải sản, nhìn đã không thấy hấp dẫn rồi. Thất vọng quá, trong đầu cứ dâng lên câu hỏi, sao Colombo từng là nơi cai trị của hết Bồ Đào Nha, Hà Lan tới Anh Quốc mà sao Galle Face Green nó xấu tệ xấu hại vậy, và cớ sao lại được khuyến nghị là điểm số 1 cần đến ở Colombo. Đem thắc mắc hỏi tài xế, cậu ấy nói khu này phong cảnh sẽ rất đẹp vì Sri Lanka đang triển khai lấn biển và sẽ ra đời Dubai thu nhỏ ở Galle Face Green. Phía bên đường là một khách sạn 7 sao đang xây dựng… May là có vài đám trẻ con lớp 3 lớp 4 cuối giờ được cô giáo cho ra biển, chúng nó nô đùa vui vẻ, bụi tung mù trời. Vui hơn tí là tụi nhóc rất thích chụp hình chung, chụp xong lại còn biết nói cảm ơn nữa, rất dễ thương. Cũng mong sau này có ai đi nhằm vào ngày hoàng hôn đẹp trời để còn thấy nó thơ mộng chứ ấn tượng của mình về Galle Face Green rất mờ nhạt.
  • Mang tâm trạng thất vọng và chán nản tới điểm cuối cùng của hành trình, Old Dutch Hospital mang một dáng vẻ và phong cách hoàn toàn khác. Thực chất đây là bệnh viện được người Hà Lan xây dựng vào thế kỷ 17, và là một trong những toà nhà lâu đời nhất tại cảng Galle. Sau khi người Anh xâm chiếm, vào năm 1850 toà nhà bệnh viện hai tầng này được chuyển đổi công năng thành khu hành chính. Sau khi dành độc lập, chính quyền Sri Lanka sử dụng nơi đây làm Toà Thị chính, nhưng về sau do nhu cầu làm việc nhiều hơn, cần nhiều không gian hơn nên toà nhà này không còn phù hợp. Đến 2006 toà nhà được sửa chữa khôi phục lại hiện trạng ngày xưa và mới gần đây 2014, toà nhà trở thành một trung tâm mua sắm và ăn uống rất đặc biệt, một thế giới khác trong lòng Colombo nhạt nhoà.

Old Dutch Hospital
  • Nói chung cảm giác phấn chấn khó tả khi đi dạo trong Old Dutch Hospital. Còn phấn khích hơn nữa khi nhìn thấy Ministry of Crab nằm ngay chính giữa bên tay trái. Đây là nhà hàng được đánh giá cao nhất bởi du khách. Khỏi phải nói mức độ chuyên nghiệp và đẳng cấp của nhà hàng này, dù bạn chi tiêu tiết kiệm đến mức nào thì cũng nên một lần thử ăn tại đây, với mặt hàng chủ lực là cua nhưng cũng có thêm tôm cho mọi người lựa chọn. Hai người ăn nên chọn 1 em Jumbo Crab, ăn kèm với bánh mỳ là quá đủ cho một bữa tối lung linh dưới ánh nến. Người Việt nên chọn cách nấu Garlic Chilli Crab, giá trước thuế và phí phục vụ là 9,600R/con (1,1kg). Mình tự nhận là đứa khó tính nhưng không tìm thấy điểm nào để chê ở đây, ngoại trừ phần mai cua hơi mặn do đặc thù của em cua nó vốn thế. À mà nhà hàng cực đông khách sau 7h tối nên muốn có chỗ, cần phải đặt trước nhé. Ăn xong ghé qua shop bán đồ lưu niệm Luve-SL-Odel (quầy số 6) giá cũng ổn! Thành thật cảm ơn Old Dutch Hospital, cảm ơn Ministry of Crab đã mang lại điểm cộng to tướng cho Colombo.
  • Ăn xong về Cinnamon Lakeside Colombo Hotel bơi vài vòng rồi đi ngủ sớm, bởi chuyến bay 7.20 sáng sớm mai đi Male nhưng tài xế yêu cầu phải rời khách sạn từ 3.30 sáng để tránh mọi rủi ro chậm trễ. Cứ tưởng là mọi việc chậm chạm như rùa nhưng không hề, lại nhanh hơn cả mong đợi. Chỉ mất 45 phút ra sân bay và thêm 40 phút nữa là hoàn thành các thủ tục. Lưu ý nếu đặt vé Sri Lankan Airlines trực tuyến thì ra sân bay các bạn ấy sẽ yêu cầu kiểm tra thẻ tín dụng đã sử dụng để mua vé. Và thế là ngồi đợi từ 5h sáng ở sân bay Bandaranaike International Airport cho chuyến bay đi Maldives lúc 7.20. Và thế là kết thúc những ngày nhiều cảm xúc trên đất Sri Lanka…

(May 2017)

Admin KCT Travel

Tôi 1 chàng trai Thanh Hóa với niềm đam mê du lịch, bằng những trải nghiệm thực thế của bản thân và những người bạn. Nên tôi đã viết và chia sẽ kinh nghiệm cho mọi người cùng biết để chuẩn bị cho mình 1 hành trang tốt cho chuyến đi Du Lịch sắp tới nhé.

View stories

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *