• Menu
  • Menu

Khám phá Bhutan – Miền đất xanh hạnh phúc

BHUTAN MỘT BƯỚC TỚI THIÊN ĐƯỜNG

Nguồn: ThaiDzuy
Thông tin về Bhutan nhiều vô kể trên internet, tựu trung lại những thứ hầu như ai cũng biết đó là Quốc gia Hạnh phúc, du lịch tới Bhutan cực kỳ đắt đỏ… Ngoài ra, phải ghi nhớ thêm quốc gia nhỏ bé này có dân số siêu khiêm tốn, vẻn vẹn chưa tới 1 triệu người trong khi tập tục châu Á thường đẻ nhiều. Bên cạnh đó, 98% dân số theo đạo Phật nên đời sống văn hoá xã hội cực kỳ quy củ, người dân sống không quá lệ thuộc vào luật pháp mà chỉ cần những giáo lý nhà Phật cũng dư sức làm trật tự xã hội được thiết lập, duy trì và bền vững. Còn nhiều cái để yêu Bhutan lắm lắm khi được sống trong một không gian xanh mát, hơn 75% rừng được bao phủ và chính phủ Bhutan còn muốn nâng con số này lên 90%. Liệu có ai tin Bhutan là quốc gia không khói thuốc không? Và gi gỉ gì gi, những nhu cầu cơ bản về học hành, khám chữa bệnh… đều được miễn phí!
Đó là những thứ đong đếm được, báo cáo được nhưng có nhiều thứ chỉ có thể cảm nhận được khi bạn thật sự đặt chân tới mảnh đất này, miền đất của hạnh phúc!
Sân bay Paro chỉ có một đường băng
Sân bay Paro chỉ có một đường băng
Tôi đến Bhutan qua cửa Katmandu với thời gian bay rất ngắn. Chỉ 75 phút bay, nối hai quốc gia nhưng là hai thế giới thực sự khác biệt… Một Kathmandu lộn xộn, bụi bặm được thay thế bằng một Paro-Thimphu trong lành, thanh bình và tươi đẹp đến ngỡ ngàng… Sân bay Paro nhỏ bé, nằm gọn trong lòng thung lũng nên chỉ có những phi công tay nghề cao và bản lĩnh mới được lãnh trách nhiệm cao cả đáp xuống phi trường này. Đây cũng là lý do tại sao vé máy bay đến và đi từ Bhutan luôn đắt đỏ vào hàng top trên thế giới. Ra khỏi phi trường Paro, chỉ cần nhìn qua cửa kính xe hơi, tôi đã biết mình đã chạm một chân tới thiên đường!
Kiến trúc Phật giáo ngay từ cổng đến
  Kiến trúc Phật giáo ngay từ cổng đến
Việc đầu tiên nên làm và thực sự có duyên lắm mới gặp được His Eminence Sakteng Trulku Rinpoche – Bậc Thầy Giác Ngộ Hoá Thân Tôn Quý (trên youtube có rất nhiều clips về Thầy) để được Thầy gia trì. Đây là một vinh hạnh lớn cho những ai có dịp qua Bhutan vì thường các Thầy cực kỳ bận rộn. Được uống trà sữa, ăn cơm trộn với nho là những món đặc trưng tại Thất (nơi ở) của Thầy cũng là những kỷ niệm khó quên. Hơn bao giờ hết, nguyện từ nay về sau sẽ luôn sống tử tế nhất có thể… Đừng lầm tưởng rằng sau khi nhận gia trì thì đã trở thành con người khác. Bản thân Đức Phật cũng không phải là siêu nhân. Năng lực gia trì đến từ việc cầu nguyện của chính chúng ta, và thông qua những việc thiện hạnh tử tế hàng ngày chúng ta hành xử.
His Eminence Sakteng Trulku Rinpoche
His Eminence Sakteng Trulku Rinpoche
Tạm biệt His Eminence Sakteng Trulku Rinpoche để về Thimphu, thủ đô bé xinh của một đất nước đặc biệt. Hai bên đường thật đã mắt với kiến trúc những ngôi nhà đồng nhất nhưng không đơn điệu, mỗi ngôi nhà như một resort giữa không gian thanh bình. Hai bên đường, dễ dàng bắt gặp những Tsa Tsa nhiều vô kể bên các vách đá, đó là cách người Bhutan cầu nguyện. Tsa Tsa đơn giản được hiểu là Bảo Tháp thu nhỏ và trên Tsa Tsa có rất nhiều hình ảnh các vị Phật. Bảo Tháp có năng lực hóa giải vô cùng hiệu quả và khi chúng ta chắp tay trước một Bảo Tháp và cầu nguyện thì tâm nguyện này sẽ sớm được viên mãn. Tsa Tsa có năng lực gia hộ cho những người làm và những người nhìn thấy Tsa Tsa…
Những ngôi nhà Bhutan như những resort
 Những ngôi nhà Bhutan như những resort
Ngay cả những vùng sỏi đá, nhà vẫn cực đẹp đầy sức sống!
Ngay cả những vùng sỏi đá, nhà vẫn cực đẹp đầy sức sống!
Tsa Tsa - Người Bhutan gửi lời cầu nguyện
Tsa Tsa – Người Bhutan gửi lời cầu nguyện
Một cung đường nhỏ
 Một cung đường nhỏ
THIMPHU – THỦ ĐÔ YÊN BÌNH
Thimphu trước đây vốn là một ngôi làng nhỏ vì xưa kia, kinh đô của Bhutan là Punakha nằm ở phía Ðông Bắc Thimphu. Năm 1952, nhà vua thứ ba của Bhutan quyết định dời đô từ Punakha về Thimphu. Ngày nay, tuy là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất nhưng Thimphu không có phi trường quốc tế, có lẽ vì thung lũng Thimphu không đủ rộng để các chuyến bay đến đây nên sau khi hạ cánh xuống Paro, phải đi tiếp 2 tiếng xe hơi mới tới được thủ đô.
Một góc Thimphu
Một góc Thimphu
Thimphu còn gòi là Thành phố của những đám mây
Thimphu còn gòi là Thành phố của những đám mây
Thimphu rất đặc biệt, không nhà cao tầng, không ô nhiễm, không kẹt xe, không ồn ào náo nhiệt, không đèn giao thông… cảm giác như tách biệt với cả thế giới bên ngoài. Người dân Bhutan nói chung và Thimphu nói riêng đều sở hữu nét mặt thư thái, mọi thứ diễn ra chầm chậm, chạy xe hơi cũng chỉ 20-25km/h. Không xả rác, không nói lớn, không hút thuốc tại tất cả các nơi công cộng và đặc biệt Anh ngữ rất tốt do đây là ngôn ngữ thứ hai bắt buộc phải học trong trường.
Một ngôi trường - Đẹp như quần thể khách sạn vậy!
Một ngôi trường – Đẹp như quần thể khách sạn vậy!
Ngủ dậy thật thoải mái và khoẻ khoắn trong một không gian thanh bình và trong lành. Sáng sớm, khoác lên người bộ trang phục truyền thống Gho dành cho nam giới Bhutan, tôi đã sẵn sàng cho thời gian khám phá những điểm đến quan trọng tại Thimphu cũng như những vùng lân cận. Thật tuyệt là hôm nay nắng rất đẹp!
Đầu tiên phải kể tới tượng Phật bằng đồng Shakyamuni Buddha Dordenma màu vàng nâu ngồi lặng lẽ trên đồi cao uy nghi trong thành phố. Đây là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi được đúc bằng đồng lẫn với vàng lớn nhất thế giới với chiều cao 52m. Nhãn Phật hướng về phía thung lũng Thimphu.
Quỳ dưới tượng Phật trong trang phục GHO truyền thống!
Quỳ dưới tượng Phật trong trang phục GHO truyền thống!
Tượng Phật ngồi bằng đồng lớn nhất thế giới
Tượng Phật ngồi bằng đồng lớn nhất thế giới
Tượng được thiết kế theo phong thái tiểu thừa nên hai vai tượng to và ngang, phần eo của tượng nhỏ và thon hẳn lại. Tượng được xây dựng để thực hiện một lời tiên tri cổ xưa rằng một khi tượng Thích Ca Mâu Ni được đặt tại đây thì hào quang của hoà bình và hạnh phúc sẽ truyền phát đến toàn thế giới. Bên dưới bức tượng là một gian chùa lớn, rất đẹp với trung tâm là bộ tượng Ngũ Trí Như Lai. Phía trước Tượng Phật là khu vực quảng trường rất rộng để tổ chức các pháp hội lớn tầm cỡ quốc gia. Nghe nói để xây dựng tượng Buddha Dordenma, Trung Quốc đã đóng góp hơn 50 triệu USD.
Cung điện Tashichoe Dzong hay còn gọi là Thimphu Dzong nằm bên bờ sông Wang Chuu được xây dựng vào năm 1629. Trước tiên phải tìm hiểu về Dzong. Dzong là một kiến trúc đặc biệt của Bhutan, vừa là thành lũy, vừa là nơi hành chính, vừa là nơi cử hành nghi lễ tôn giáo. Đó là lý do vì sao Thimphu Dzong là nơi làm việc của Quốc Hội (Bhutan’s Parliament), Hoàng Gia (Royal Palace), Giáo hội Phật giáo (Bhutan Buddism Association).
Thimphu Dzong nhìn từ cổng vào
Thimphu Dzong nhìn từ cổng vào
Thimphu Dzong gồm các dãy nhà 2 và 3 tầng với kiến trúc đặc trưng Bhutan tường trắng, mái gỗ nâu đen và mái màu vàng. Ngoài những phòng làm việc, quần thể còn bao gồm 30 đền, miếu thờ. Du khách chỉ được vào thăm sau giờ làm việc của quan chức chính phủ, thường là sau 4.30 chiều các ngày, cuối tuần thì có thể sớm hơn. Nếu may mắn thì có cơ hội nhìn thấy Đức Vua khi Ngài hết giờ làm việc. Du khách cũng chỉ được phép thăm thú khuôn viên bên ngoài và một phần của khu làm việc. Việc ra vào kiểm tra an ninh ngặt nghèo như đi máy bay.
Một màu xanh mướt
Một màu xanh mướt
Bên trong Thimphu Dzong
Bên trong Thimphu Dzong
Đức Vua sống ngay bên cung điện đối diện toà nhà làm việc. Tuy nhiên du khách tuyệt đối không được phép chụp hình toàn bộ phía bên cung điện, thật tiếc vì nó quá đẹp!
BẢO THÁP TƯỞNG NIỆM QUỐC GIA
National Memorial Chhorten hay còn được biết qua tên Thimphu Chhorten. Ðây là một bảo tháp do Queen Phuntsho Choden Wangchuck cho xây năm 1974 để làm nơi tưởng nhớ người con của bà là Gyalpo Jigme Dorji Wangchuck (1928-1972) và cũng là vị vua thứ ba của triều đại Wangchuck.
Bảo Tháp nhìn từ bên ngoài
Bảo Tháp nhìn từ bên ngoài
Bảo Tháp nhìn trực diện - Một trong biểu tượng tôn giáo của Bhutan
Bảo Tháp nhìn trực diện – Một trong biểu tượng tôn giáo của Bhutan
Ông là vị vua đã quyết định dời đô từ Punakha về Thimphu, có tư tưởng quân chủ lập hiến thay thế cho chế độ quân chủ. Ông mất sớm, lúc vừa mới hơn 44 tuổi, nên rất nhiều người dân Bhutan tiếc thương ông. Người con nối ngôi ông tuy trẻ, lên ngôi khi mới 16 tuổi nhưng cũng là một nhân tài, vượt qua cả ông. Kiến trúc bảo tháp Thimphu Chhorten dành cho vị vua thứ ba được xem là một biểu tượng tôn giáo tại Bhutan.
PUNAKHA – THỦ PHỦ TÂM LINH
Cho tới trước năm 1952, Punakha là cố đô của Vương quốc Bhutan. Đức Vua Gyalpo Jigme Dorji Wangchuck (1928-1972) và cũng là vị vua thứ ba của triều đại Wangchuck đã quyết định dời đô từ Punakha về Thimphu. Tuy không còn là trung tâm hành chính nhưng Punakha vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh Phật giáo của người Bhutan nói riêng và các Phật tử trên thế giới nói chung. Đến Bhutan mà không ghé thăm cố đô Punakha thì vẫn coi như chưa tới đất nước này.
Punakha Dzong là linh hồn, là tâm điểm của cố đô Punakha, cung điện đầu tiên tại Bhutan. Đây cũng là pháo đài có kiến trúc đẹp nhất Bhutan được xây dựng vào năm 1637 bởi Zhabdrung Ngawang Namgyal Rinpoche người Tây Tạng với mục đích là trung tâm tôn giáo và hành chính. Ngài cũng chính là người xây dựng đất nước Bhutan, hoằng truyền Phật pháp và lập ra trường phái Phật giáo Bhutan. Tượng của ngài được dựng cùng với Đức Phật và một người gốc Nepal có đóng góp lớn cho Bhutan trong Phòng Khánh Tiết (Assembly Hall) trước đây khi thủ đô còn ở Punakha. Giờ nơi này trở thành gian chùa chính, nơi lễ của các Lama và chư tăng. Năm 2011, nơi này chứng kiến lễ cưới của Đức Vua Bhutan đời thứ 5 và hoàng hậu xinh đẹp khả ái.
Hàng phượng tím nở vào tháng Năm
Hàng phượng tím nở vào tháng Năm
Kiến trúc Ponakha Dzong mang phong cách Tây Tạng nhưng được sơn màu trắng cực kỳ nổi bật trong sắc tím của hàng cây Jacaranda xung quanh, in bóng trên mặt sông.
Cây cầu cũng là đường vào Punakha Dzong
Cây cầu cũng là đường vào Punakha Dzong
Một lưu ý nữa là Zhabdrung Ngawang Namgyal Rinpoche chính là một hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát và xá lợi toàn thân của Ngài đang được lưu giữ trong một ngôi đền bên cạnh gian chùa chính, được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt, du khách không được phép vào thăm.
Gian chùa lưu giữ xá lợi Ngài Zhabdrung Ngawang Namgyal Rinpoche
Gian chùa lưu giữ xá lợi Ngài Zhabdrung Ngawang Namgyal Rinpoche
Có rất nhiều điều thú vị về Punakha Dzong, tuy nhiên thời gian không có nhiều vì du khách chỉ có thể được vào thăm sau 3h chiều nên phải lựa chọn những điểm tham quan chính để đi. Khi vào cổng chính, nhớ ngước nhìn lên phía trên ở giữa cổng và bên phải, có những tổ ong khổng lồ. Điều này giải thích thêm cho những ai còn chưa chịu tin, nơi nào ong đến làm tổ là nơi đó bình an, vượng khí và may mắn!
Pháo đài nhìn từ Ponakha Dzong View
Pháo đài nhìn từ Ponakha Dzong View
Rời khỏi Ponakha một chút, sẽ tới điểm Ponakha Dzong View, sẽ thấy Pháo đài nằm trên doi đất nơi có hai dòng sông, sông Cha Pochu nước trắng và sông Mẹ Mochu nước hồng. Hai dòng sông này giống như hai kinh mạch tâm linh trắng và đỏ trong cơ thể chúng ta.
ĐỈNH ĐÈO DOCHULA
Nằm giữa cung đường từ Paro về Thimphu có một địa danh nổi tiếng, đỉnh đèo Dochula nơi có Tu viện Druk Wangyal Lhakhang và quần thể 108 Bảo tháp Druk Wangyal Chorten ngay dưới chân tu viện.
108 Bảo tháp Druk Wangyal Chorten nhìn từ Tu Viện
108 Bảo tháp Druk Wangyal Chorten nhìn từ Tu Viện
Những Bảo tháp này được xây dựng từ năm 2003 nhằm tưởng niệm những binh sỹ Bhutan thiệt mạng trong cuộc chiến giữa India và Bhutan trước đó. Hoàng Hậu Bhutan là người đứng ra vận động việc xây dựng này.
Mùa này hoa đỗ quyên nở nhiều
Mùa này hoa đỗ quyên nở nhiều
Hoa bồ công anh vàng rực quanh Bảo Tháp
Hoa bồ công anh vàng rực quanh Bảo Tháp
Nhiều mây sẽ không nhìn thấy núi tuyết đằng xa
Nhiều mây sẽ không nhìn thấy núi tuyết đằng xa
Những ngày nắng đẹp trời trong, đặc biệt vào mùa thu, từ đỉnh đèo này có thể nhìn thấy đỉnh núi tuyết Everest hùng vĩ phía đằng xa. Còn nếu không gặp ngày thời tiết tốt, cũng đừng nên buồn vì quần thể tu viện và bảo tháp tại đây cũng thừa sức giúp bạn những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn trên đường với những khuôn hình cực đẹp!
TU VIỆN TAKTSHANG – BIỂU TƯỢNG BHUTAN
Tất cả mọi hình ảnh về Bhutan đều được bắt đầu bằng Tu viện Taktshang hay còn gọi là Tiger’s Nest đồng thời là biểu tượng du lịch của quốc gia hạnh phúc này. Nó đặc biệt vì được mệnh danh là ngôi chùa đặc sắc nhất thế giới, nằm cheo leo trên vách đá dựng đứng ở độ cao trên 3,000 mét so với mực nước biển.
Tiger's Nest - Điểm mong ước của tín đồ Phật Giáo
Tiger’s Nest – Điểm mong ước của tín đồ Phật Giáo
Sở dĩ nó được mang cái tên Tiger’s Nest bởi theo truyền thuyết, Đức Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sinh – người mang Phật giáo vào Bhutan vào thế kỷ thứ 8 ) cưỡi một con hổ có cánh bay đến ngôi chùa này và Ngài đã thiền định trong ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ.
Ngôi đền đầu tiên được xây dựng vào năm 1692, xung quanh hang động Taktsang Senge Samdup, nơi Đức Liên Hoa Sinh ngồi thiền và tồn tại cho tới ngày hôm nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đây không chỉ là nơi hành hương quan trọng của tất cả các đệ tử phái Mật Tông (Kim Cương Thừa) mà còn là điểm du lịch yêu thích của tất cả du khách khi đến Bhutan.
Tuy nhiên, việc di chuyển lên Tiger’s Nest không dễ dàng chút nào bởi ngoài cưỡi ngựa ra thì chỉ còn cách đi bộ trên những cung đường rất dốc và không an toàn vì chẳng có lan can che chắn. Chỉ có một đoạn ngắn gần tới tu viện là có bậc thang và lan can bảo vệ mà thôi. Quãng đường từ chân núi lên tu viện dài chừng vài cây số nhưng trong thời tiết thuận lợi cũng phải đi bộ cả 2-3 tiếng mới tới. Vì vậy, mọi người thường xuất phát vào buổi sáng để kịp tham quan trước khi tu viện ngưng nhận khách tham quan sau 4h chiều.
Đêm hôm trước Paro có mưa nhỏ và rất lạnh. Điều này mang lại tâm lý bất ổn cho chuyến leo núi lên Taktshang vào sáng hôm sau vì mưa đồng nghĩa với đường trơn trượt rất nguy hiểm và tốn thời gian. Như một thói quen, lại bắt đầu cầu nguyện và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cho ngày mai tạnh ráo. Cầu được ước thấy, ngủ dậy đã thấy vạn vật xung quanh khô reng, không còn dấu tích của cơn mưa đêm qua.
Bãi Ngựa dưới chân núi
Bãi Ngựa dưới chân núi
Vùng núi nên sáng ra chưa có ánh mặt trời, nhưng lòng đã hứa, không mưa là tốt rồi. Còn nếu Trời Phật rủ lòng thương thì sẽ ban thêm cho những tia nắng. Gần 9h sáng, xe đưa tới chân núi. Như đã tìm hiểu trước, có hai lựa chọn, đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Nếu đi bộ thì xác định chắc chắn sẽ mệt nên mang hành lý nhẹ nhàng, đừng quên mặc áo vài lớp để nóng thì cởi bớt và nhớ mang theo nước uống. Hầu hết mọi người đi bộ, chỉ một số đi ngựa, thật lòng, nhìn họ rất đáng thương. Không phải lý do những chú ngựa hôi hám mà những gương mặt căng thẳng đang ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa như kia, làm sao có thể tận hưởng không gian xanh mướt như tiên cảnh trên đường tới tu viện được! Mặt khác, nhìn những bàn chân ngựa run run bám đường, căng mình ra chở khách ở một quốc gia rất yêu quý động vật thì hình ảnh phản cảm này mang lại cảm xúc rất tiêu cực. Chân thành khuyên, nếu bạn không bị vấn đề về xương khớp hay chấn thương gì, hoặc shock độ cao, đừng nên hành hạ những loài vật đáng yêu vậy. Hãy thử sức mình bằng những giờ đi bộ, một phần tự rèn sức khoẻ, nhưng quan trọng hơn, đó là cách bạn trân trọng những Lama, những chư tăng họ lên xuống liên tục cả ngàn năm nay bằng đôi chân.
Dừng chân ngắm tiên cảnh
Dừng chân ngắm tiên cảnh
Rất xứng đáng cho việc đi bộ, được thoả mãn tầm nhìn cực đẹp ở mỗi cung đường với những cánh rừng xanh mát mắt, điểm xuyết những bông đỗ quyên đỏ rực rỡ. Càng đi mây càng tan nhanh và nắng lên xua tan giá lạnh. Các lớp áo được cởi dần ra cho phù hợp với thời tiết. Cũng không có gì phải vội, đi một đoạn, mệt thì dừng lại thở sâu, nhưng đừng dừng lâu quá, cơ thể sẽ ì ngay. Đường khá xấu, phân ngựa cũng nhiều nên cũng không hoàn toàn dễ chịu. Nhưng tất cả những điểm trừ đó qua rất nhanh, nhường chỗ cho sự háo hức mỗi khi Tiger’s Nest hiện ra ở những cung đường thoáng đãng có view đẹp. Ở VN mình, chắc chắn những đầu óc ngu xuẩn ăn xổi sẽ đưa ra ngay dự án cáp treo! Đi được quá nửa chặng đường, sẽ có quán cafe dừng chân, từ nơi này có view nhìn tu viện rất đẹp, để nghỉ ngơi uống trà và chụp hình.
Đã đến rất gần Tiger's Nest
Đã đến rất gần Tiger’s Nest
Qua trạm dừng chân, Tiger’s Nest hiện ra ngày càng rõ hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn với nhiều khúc quanh phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Đẹp đến nỗi góc nào cũng muốn chụp hình như thể nếu không tranh thủ chụp thì Tiger’s Nest sẽ biến mất sau khúc quanh tới. Sau chừng hơn 2 tiếng, cũng đặt chân được tới cổng Tiger’s Nest. Từ chỗ này, camera và điện thoại phải gửi vào phòng giữ đồ. Ngoài ra áo cộc tay, áo thun cũng không được phép vào trong mà bắt buộc phải mang áo dài tay. Có tất cả 7 chùa được phép ghé thăm, thờ Đức Liên Hoa Sinh và Đức Phật là chủ yếu, cầu may mắn, sức khoẻ cho tới những gian dành riêng cho cầu tài lộc và trường thọ. Tổng cộng thời gian viếng thăm các gian chùa chừng hơn 1 tiếng, riêng các Phật tử thì lâu hơn vì có những nghi lễ cầu kỳ.
Điểm dừng chân có view đẹp và gần Tiger's Nest nhất
 Điểm dừng chân có view đẹp và gần Tiger’s Nest nhất
Đi xuống bao giờ cũng dễ nên nhanh hơn lúc đi nhiều. Lúc này đỡ mệt nên tha hồ mà ngắm cảnh chiều buông trên những cánh rừng. Dưới chân núi, nơi bắt đầu hành trình có rất nhiều sạp hàng lưu niệm, giá rẻ hơn nhiều trong các shop ở khu vực trung tâm thành phố. Đừng quên nguyên tắc mặc cả, cứ trả khoảng 50-60% giá họ đưa ra là trúng…
KYICHU LHAKHANG CỔ KÍNH
Rất gần với chân núi Tiger’s Nest là ngôi chùa cổ Kyichu Lhakhang, là ngôi chùa cổ nhất Bhutan được xây dựng từ thế kỷ thứ 7. Tương truyền ngôi chùa được xây dựng trong một đêm bởi thần thông của Đức vua Tây Tạng Songten Gampo (Tùng Tán Cán Bố, ngài cũng chính là một trong những hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát)
Bên trong Tu viện cổ
Bên trong Tu viện cổ
Một góc vườn trong Kyichu Lhakhang
Một góc vườn trong Kyichu Lhakhang
Kyichu Lhakhang ban đầu chỉ là một ngôi đền với diện tích nhỏ. Qua nhiều năm, ngày càng nhiều các vị thánh đồ nổi tiếng của Phật giáo như ngài Guru Rinpoche thế kỷ thứ 8, ngài Lam Kha Na và ngài Phajo Dugom Zigpo đã đến thăm và cầu nguyện tại đây. Rất nhiều người trong số họ đã có công đóng góp trong việc mở rộng diện tích của ngôi đền như ngày nay.
DZONGDRAKHA – THÁNH ĐỊA TRÊN VÁCH NÚI
Paro còn có một thánh địa linh thiêng mà không nhiều du khách biết tới, đó chính là DzongDrakha, lưu giữ những dấu tích đặc biệt mà những tu viện khác không có được.
DzongDrakha đi xuyên qua nhà dân
DzongDrakha đi xuyên qua nhà dân
DzongDrakha cũng được xây dựng trên vách núi cheo leo, tuy nhiên có đường cho ô tô lên nên chỉ cần đi qua một số nhà dân là có thể tới. Quy mô tu viện không lớn, gồm vài gian chùa và độc đáo nhất là có bảo tháp huyền bí nơi Đức Phật quá khứ (kiếp trước của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã từng đến đây tu hành. Khi xưa, khi một Rinpoche đến cầu nguyện, một viên xá lợi đã từng rơi xuống từ ngôi bảo tháp nhỏ này. Bên cạnh bảo tháp trong gian chùa độc đáo này còn lưu giữ phiến đá in thanh kiếm của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Gian chùa này luôn đóng cửa, không cho du khách tham quan. Chỉ một số trường hợp, khách quen của vị Lama trụ trì thì ngài mới mở cửa cho xem bên trong, để được chạm tay vào bảo tháp, rồi đặt lên đầu mình để nhận sự gia trì viên mãn về sức khoẻ, an nhiên và tài lộc.
Lama trụ trì bên cạnh gian chùa đặc biệt chứa Bảo Tháp
Lama trụ trì bên cạnh gian chùa đặc biệt chứa Bảo Tháp
Tảng đá có dấu chân Guru Rinpoche
Tảng đá có dấu chân Guru Rinpoche
Đừng quên một chi tiết nữa là trên lối vào tu viện, có dấu chân Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sinh) in trên đá. Phật tử muôn phương thành kính trạm chán vào dấu chân Ngài để mong được gia trì.
CHIMI LHAKHANG – SỰ DỊ BIỆT ĐỘC ĐÁO
Chimi Lhakhang nằm trên một ngọn đồi. Muốn đến chùa, phải đi qua một ngôi làng với những căn nhà rất thú vị được trang trí bằng những tranh vẽ dương vật ở mặt tiền và dương vật đẽo bằng gỗ treo dưới mái nhà, giống như ở nhiều ngôi làng khác ở Bhutan. Người dân Bhutan tin rằng vẽ hoặc treo những dương vật đó trước cửa nhà sẽ giúp xua đuổi tà ma, mang lại điều lành.
Đừng sốc vì những hình ảnh này
Đừng sốc vì những hình ảnh này
Rất nhiều cửa hàng trưng bày dương vật gỗ
Rất nhiều cửa hàng trưng bày dương vật gỗ
Chùa Chimi Lhakhang được xây năm 1499 bởi người cháu của Ngài Drukpa Kunley, (1455 – 1529) một vị Thánh Điên gốc Tây Tạng, nổi tiếng xứ Bhutan để ghi nhớ công đức đã trừ được yêu quái trên đèo Dochula gần đó, mang lại cuộc sống bình yên cho dân lành. Ngài cũng là người đã truyền bá một thứ đạo Phật không chấp nệ và một cách nhìn nhận phi chính thống về cuộc đời tại Bhutan, được người dân hết mực tôn sùng và coi là một thánh tăng, Ngài đã đi ngang dọc khắp đất nước Bhutan, dùng thi ca, những câu chuyện hài hước và không ngại xúc phạm để giúp những con người bình thường ngộ ra những giáo huấn đích thực của Đức Phật mà Ngài cho rằng giới tăng lữ và các quy ước xã hội đã che lấp. Ngài đã dùng một thứ minh triết dưới cái vỏ khùng điên bên ngoài để đi độ hóa chúng sanh. Theo những câu chuyện kể, Drukpa Kunley còn có biệt danh là “vị thánh của 5.000 phụ nữ” vì những chiến tích chinh phục phụ nữ của ông. Phụ nữ tìm cách dâng hiến cho ông để được phúc lành.
Chùa Chimi Lhakhang
Chùa Chimi Lhakhang
Có rất nhiều truyền thuyết, những câu chuyện về Ngài. Theo đó, Drukpa Kunley còn có biệt danh là “vị thánh của 5.000 phụ nữ” (có tài liệu ghi 50,000!!!) vì những chiến tích chinh phục phụ nữ của ông. Phụ nữ tìm cách dâng hiến cho ông để được phúc lành. Rồi Ngài còn có câu nói nổi tiếng truyền lại cho hậu thế “Rượu ngon nằm ở cuối hũ, hạnh phúc nằm ở dưới rốn!”. Hay câu chuyện Ngài về lại đất Tây Tạng trong bộ dạng rách rưới để vào yết kiến Dala Lama, trong khi các Lama khác thì tươm tất uy nghi trên tay nải luôn có quà tặng, lính canh không cho Ngài vào và hỏi liệu Ngài có quà gì dâng lên Dala Lama? Thánh Điên hồn nhiên tụt quần ra và chỉ vào bộ phận dưới rốn, đấy là quà! Còn nữa, một vùng đất khô cằn hạn hán, người dân thỉnh Ngài về cầu cho có nước để còn canh tác ruộng nương. Sau khi chén một con dê, Ngài tụt quần ra, thọc công cụ siêu phàm của Ngài vào một tảng đá, sau khi rút ra, nước từ trong lỗ đá tuôn ra như suối!
Chùa Chimi Lhakhang
 Chùa Chimi Lhakhang
Trong chánh điện của chùa Chimi Lhakhang có thờ tượng của ngài Drukpa Kunley. Sau khi cúng bài và cúng dường, sẽ được một nhà sư chúc phúc, ban may mắn bằng cách cầm hai cái dương vật, một bằng gỗ, một bằng xương, dài khoảng gần nửa thước kèm theo bộ cung tên, đặt lên đầu. Phụ nữ hiếm muộn thường tới chùa này để cầu tự. Chùa vừa là nơi thờ Phật, vừa là biểu tượng của sự phồn thực, sự sinh sản. Trong chùa có lưu giữ cuốn album hình của những gia đình hiếm muộn đã thành công cầu tự nơi đây, rất nhiều người đến từ Tây phương. Vua và Hoàng Hậu đương nhiệm của Bhutan cũng cầu tự tại đây và sinh được một hoàng tử cực kỳ dễ thương.
Dưới bóng Bồ Đề
Dưới bóng Bồ Đề
Lama trụ trì ban tặng khăn trắng
Lama trụ trì ban tặng khăn trắng
Tôi may mắn được Lama trụ trì ban tặng một chiếc khăn trắng, đặc trưng của Tây Tạng. Khoác lên vai, tâm an hơn nhiều. Ngoài sân, cây bồ đề toả bóng. Từ nay, trần gian lại có thêm một kẻ chăm nguyện cầu những điều tốt lành!
May 2018
Admin KCT Travel

Tôi 1 chàng trai Thanh Hóa với niềm đam mê du lịch, bằng những trải nghiệm thực thế của bản thân và những người bạn. Nên tôi đã viết và chia sẽ kinh nghiệm cho mọi người cùng biết để chuẩn bị cho mình 1 hành trang tốt cho chuyến đi Du Lịch sắp tới nhé.

View stories

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *