• Menu
  • Menu

KOLKATA – MỘT THOÁNG ĐÔNG ẤN

Nguồn: NGUYEN THAI DUY

Thành phố Kolkata còn được biết đến với một tên gọi khác là Calcutta, là thủ phủ của Bang Tây Bengal, phía Đông Ấn Độ, nằm dọc theo bờ sông Hooghly theo hướng Bắc – Nam với diện tích 185km2.

Lịch sử thành phố bắt đầu được ghi nhận từ sau khi công ty Đông Ấn đến làm ăn tại Bengal vào năm 1690. Từng là thủ đô và thành phố hàng đầu của Ấn Độ, Kolkata trải qua thời kỳ kinh tế trì trệ ngay sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947 bởi tình hình chính trị bất ổn với dòng người di cư hỗn loạn, cuộc chiến Bangladesh, phong trào giải phóng Naxal, các cuộc nổi dậy xung đột liên miên. Khoảng thời gian từ 1960 đến 1990 là thời kỳ đình trệ của nền kinh tế Ấn Độ, hàng loạt các nhà máy lớn phải đóng cửa hoặc giảm biên chế và các doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu. Việc thiếu hụt vốn và các nguồn lực lại càng trầm trọng, khi nhu cầu về sản phẩm của một số ngành công nghiệp truyền thống của Ấn Độ suy giảm và trong thời kỳ này Kolkata đã từng có biệt danh là “thành phố chết”. Mãi tới những năm 1990 nền kinh tế Ấn Độ nói chung và Kolkata nói riêng mới được phục hồi nhờ những cải cách kinh tế đáng kể, đặc biệt là chính sách “Hướng về phương Đông” mà Kolkata là điểm nhấn. Chính vì vậy, Kolkata là nơi đặt trụ sở nhiều nhà máy công nghiệp của các tập đoàn nổi tiếng Ấn Độ, với nhiều sản phẩm đa dạng như: cơ khí, điện tử, thép, thuộc da, dệt may, trang sức, ôtô, sản phẩm đường sắt, dược, hóa chất, thuốc lá, thực phẩm, sợi đay…Kolkata nổi tiếng trên thế giới bởi di sản văn hóa và nghệ thuật phong phú. Là cố đô của Ấn Độ, Kolkata là nơi sản sinh ra nhiều tư tưởng văn hóa nghệ thuật. Thành phố có loại kịch truyền thống biểu diễn ở nhà hát dân gian, cũng như ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng, được mệnh danh là Bollywood.

Ngày nay với dân số hơn 14 triệu người, Kolkata trở thành thành phố lớn thứ 4 của Ấn Độ với sự đa dạng về văn hoá và tôn giáo (Hindu (74%) và đạo Hồi (23%), còn lại là theo đạo Sikh, Công giáo, đạo Phật, đạo Jain và Pais). Việc mở đường bay trực tiếp giữa Hanoi/Saigon và Kolkata chỉ khoảng 3 tiếng bay bởi hãng hàng không giá rẻ INDIGO, cộng với visa điện tử có thời hạn 30 ngày với chi phí chỉ 25$ cũng đủ để biến Kolkata thành điểm đến thú vị cho một hành trình ngắn ngày đến với đất nước của nền văn minh sông Hằng.

Link đặt vé của hàng hàng không giá rẻ Indigohttps://www.goindigo.in/aff.html?cid=Display|Affiliate|Icubes|23430_I-wodgn-9074062c-4466031088639670224

Cách xin visa online

Link chi tiết hơn, kèm hình ảnh cụ thể (lưu ý là phí visa cập nhật từ 09/2019 là 25$ thôi nhé)https://nganbalo.com/2017/03/cach-xin-visa-an-do-online-truc-tuyen/Sân bay quốc tế Kolkata khá lớn, dễ dàng nối chuyến tới các thành phố khác của Ấn Độ sẽ là lựa chọn khá ổn cho những tín đồ du lịch muốn khám phá quốc gia này.

DAKSHINESWAR KALI TEMPLE

Cách trung tâm Kolkata chừng 20km về phía bắc, Dakshineswar Kali là một ngôi đền Ấn Độ giáo (Hindu) nằm ở Dakshineswar. Đây là một trong những ngôi đền thiêng nhất ở Kolkata và là nơi hành hương linh thiêng cho hàng triệu tín đồ Hindu trên toàn thế giới. Để tới đây có thể đi xe bus công cộng, rẻ nhưng bụi và bẩn vô cùng lại không an toàn nên đa phần khách du lịch sẽ đặt uber đi, từ trung tâm Kolkata đi xe 7 chỗ cũng chỉ hết khoảng 9$, tất nhiên xe tương đối cũ và mùa đông thì tài xế không bật điều hoà!Được xây dựng theo phong cách kiến trúc Navaratna, Dakshineswar Kali gồm ba tầng có chín ngọn tháp phân bố ở hai tầng trên. Những ngọn tháp sắc nét với tông màu hồng nhạt viền nâu đỏ, nhìn từ xa giống y như một tấm phông lớn chứ không mang lại hiệu ứng 3D như kiểu nhà thờ củ hành của Nga. Nói một cách công tâm, đứng vào chụp hình giống hệt như chụp với tấm phông dựng sẵn!

Theo lịch sử và truyền thuyết, ngôi đền được xây dựng trong thời gian 1847-1855 xuất phát từ một giấc mơ đậm chất tôn giáo của Rani Rashmoni, một nữ tín đồ Hindu đẳng cấp và cũng là nhà hoạt động thiện nguyện nổi tiếng Ấn Độ thời kỳ đó. Và tất nhiên, bà đã bỏ toàn bộ tài sản và của cải của mình để xây dựng nên ngôi đền này. Hiện nay, tượng của bà được đặt trong ngôi đền nho nhỏ bên ngoài khu đền chính như một sự tưởng nhớ công ơn bà.

Đền Dakshineswar Kali miễn phí vào cửa cho du khách. Tuy nhiên, theo yêu cầu chặt chẽ của Hindu giáo, tất cả phải gửi lại giày dép, túi xách, điện thoại, camera tại khu vực gửi đồ bên ngoài thì mới được vào bên trong đền. Điều này hạn chế đa phần du khách không theo Hindu, chỉ tham quan chụp hình mà không cầu nguyện.

MOTHER TERESA – NGƯỜI MẸ VĨ ĐẠI

Câu chuyện cuộc đời, những đóng góp của Mẹ Teresa, người vinh dự nhận được giải Nobel Hoà bình thế giới năm 1979 và biết bao tôn vinh khác của thế giới, chắc nhiều người đã từng nghe. Và điều thôi thúc lớn nhất của tôi khi tới thành phố Kolkata này chính là một lần được đến thăm ngôi nhà xưa của Mẹ, cũng chính là nơi an nghỉ của Mẹ – căn nhà số 54A A.J.C Bose Road, Kolkata.

Mẹ Teresa xuất thân từ Albani xa xôi nhưng đã chọn Ấn Độ là quê hương, chọn những người nghèo Ấn Độ để phụng sự suốt đời. Được đến căn nhà Mẹ sống, tận mắt nhìn thấy sự giản dị đến khắc khổ của Mẹ mới thấy khâm phục Mẹ vô cùng! Căn phòng nhỏ khoảng chừng hơn 5m vuông nơi Mẹ từng sống và làm việc từ những năm 1950 đến lúc Mẹ qua đời năm 1997 đơn sơ đến kinh ngạc, không có đồ đạc gì ngoài chiếc giường gỗ nhỏ nhắn, bộ bàn ghế gỗ cũng nhỏ nhắn được kê sát nhau. Tôi hình dung ra được cảm xúc của tất cả mọi người khi nhìn chiếc băng ghế gỗ đơn sơ, như băng ghế học trò, không có chỗ dựa lưng mà Mẹ ngồi cần mẫn làm việc trong bao nhiêu năm, chiếc ca uống nước, chiếc túi vải đã sờn, áo len mỏng khoác ngoài cũ kỹ, đôi sandal bằng da mòn vẹt qua ngàn dặm đường… Mẹ đã từ chối khoản tiền thưởng giải Nobel Hoà bình Thế giới và yêu cầu chuyển chúng đến cho người nghèo Ấn Độ, Mẹ cũng luôn khước từ những tiện nghi, dù căn bản nhất. Mẹ từ chối hết, vì Mẹ còn chịu đựng được…

Chắc tâm nguyện Mẹ khi qua đời đã nói rõ nên ngôi mộ Mẹ cũng đơn sơ được bao bọc bằng khối đá trắng. Chỉ có Thánh giá, nến và hoa cùng những lời nguyện cầu quanh mộ Mẹ. Một không gian thanh tịnh, an lành đối lập hoàn toàn với phố xá ồn ào ngoài kia…Trên mộ Mẹ, người ta đặt một hộp nhựa để đựng những lời nguyện cầu. Tôi không ghi lời nguyện ước, chỉ viết đơn giản một câu “Thank you Mother Teresa! Your life has inspired me so much – Cảm ơn Mẹ Teresa. Cuộc đời Mẹ đã truyền cảm hứng cho con rất nhiều!” bởi được đến nơi đây cũng đã là một sự may mắn trong đời!

TAGORE’s HOUSE

Đến Kolkata, nếu bạn tìm đường đến nhà Tagore House trên google map sẽ không ra bởi nó được biết đến với tên phổ biến là Jorasanko Thakurbari – ngôi nhà tổ tiên của Rabindranath Tagore được xây dựng vào năm 1785 trải rộng trên 35,000 mét vuông. Đây là nơi Rabindranath Tagore được sinh ra 6/5/1861 cũng là nơi ông dành phần lớn thời thơ ấu và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/8/1941.

Ông được cả thế giới tôn vinh là một trong số ít nhân tài toàn diện của thế giới. Ông là nhà viết kịch, nhà thơ, nhạc sỹ, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục, triết gia và nhà nhân văn học. Ông sáng tác vở kịch opera đầu tiên – Valmiki Pratibha – khi mới 20 tuổi. Ông sáng tác hơn 2.000 bài hát và sáng tạo nên Rabindra – sangeet – một thể loại âm nhạc Bengal quan trọng mang tên ông. Truyện ngắn và tiểu thuyết của ông giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Bengal. Và có lẽ ông là nhà thơ duy nhất trên thế giới đã sáng tác quốc ca cho cả hai nước: bài Amar Shonar Bangla cho Bangladesh và Jana Gana Mana cho Ấn Độ. Có một điều thú vị là Ấn Độ giáo chiếm đa số tại quốc gia đông dân thứ nhì này nhưng ca khúc “Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh” do ông sáng tác năm 1911 đã trở thành quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.

Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, ông còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học vào năm 1913, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú. Những tập thơ tiêu biểu của ông được phổ biến ở Việt Nam là Thơ Dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh…Trong khuôn viên ngôi nhà rộng lớn có khu bảo tàng trưng bày các tác phẩm và hình ảnh của ông. Vé vào bảo tàng là 300 Rupee, còn nếu muốn chụp hình ngoại cảnh khu nhà thì phải mất phí 50 Rupee cho một camera.

CỤM DI TÍCH NHÀ THỜ – ĐÀI TƯỞNG NIỆM

Nhà thờ Saint John, là một trong những tòa nhà công cộng đầu tiên được xây dựng bởi Công ty Đông Ấn sau khi Kolkata (Calcutta) trở thành thủ đô của Ấn Độ thuộc Anh. Nó có chức năng như như Nhà thờ Anh giáo ở Calcutta cho cộng đồng người Anh còn khiêm tốn ở thành phố này cho đến năm 1847.

Nhà thờ Saint John được bắt đầu xây dựng vào năm 1784, theo mô phỏng của Nhà thờ Saint Martin-in-the-Field of London. Đây là nhà thờ lâu đời thứ ba ở thành phố, bên cạnh nhà thờ Armenia và Nhà thờ truyền giáo cũ.Cách Nhà thờ Thánh John vài con phố chính là Toà nhà của Công ty Đông Ấn, công ty có sức ảnh hưởng rất nhiều tới sự hình thành và phát triển của thành phố Kolkata xưa kia, hiện nay đây Tòa nhà Ban thư ký của Chính phủ bang Tây Bengal và cũng là văn phòng của Bộ trưởng Bộ Tây Bengal. Dưới thời Anh còn cai trị Ấn Độ, Công ty Đông Ấn giao dịch chủ yếu là bông, lụa, tiêu, trà, thuốc nhuộm và thuốc phiện. Công ty cũng đã cai trị một khu vực rộng lớn của Ấn Độ, thực hiện sức mạnh quân sự và giả thiết các chức năng hành chính, dần dần, theo đuổi thương mại của mình; nó có hiệu quả chức năng như một Tập đoàn lớn. Công ty giải thể vào ngày 1 tháng 1 năm 1874.

Thêm một chốn thanh bình hiếm hoi giữa Kolkata xô bồ nữa là Nhà thờ Thánh Paul, toạ lạc tại 1A, Cathedral Road, Kolkata, ngay bên cạnh Đài tưởng niệm Victoria. Khi các tín đồ Thiên Chúa người Anh tại thành phố Kolkata tăng lên đáng kể, nhà thờ cũ Saint John không còn đáp ứng được nữa, chính quyền Anh cai trị đã tính tới phương án xây dựng một nhà thờ lớn hơn. Và đó là lý do Saint Paul Cathedral được bắt đầu xây dựng năm 1839 và hoàn thành vào năm 1847. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic Phục hưng nổi bật với các trụ thẳng đứng và vòm nhọn, và cũng là nhà thờ Tân giáo đầu tiên ở Á châu. Nhà thờ Saint Paul hiện nay là nhà thờ lớn nhất Kolkata và cũng là trụ sở Giáo phận Kolkata. Giờ mở cửa hàng ngày từ 10h sáng đến 6h chiều.

Danh thắng nổi tiếng nhất ở Kolkata là Victoria Memorial – Đài tưởng niệm Victoria được làm từ đá cẩm thạch Markrana trắng. Tòa nhà này có kích thước chân đế 103m x 69m và cao tới 56m. Toà nhàđược xây dựng từ năm 1906 đến 1921 với mục đíchđể tưởng nhớ Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901) và hiện là một bảo tàng và địa điểm tham quan du lịch dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Ấn Độ. Vào tháng 1 năm 1901, sau cái chết của Nữ hoàng Victoria, Nam tước thứ nhất của Kedleston là Curzon, sau đó trở thành Tổng trấn của Ấn Độ, đề nghị thành lập một đài tưởng niệm cho bà. Ông đề xuất đài tưởng niệm này sẽ là một tòa lâu đài trang nghiêm, với một bảo tàng nơi du khách có được cái nhìn khái quát về những điều kỳ diệu trong quá khứ

Đài tưởng niệm hoành tráng này nằm bên bờ sông Hooghly êm đềm, là sự pha trộn hoàn hảo của phong cách kiến ​​trúc Mughal và châu Âu.Trên đỉnh vòm trung tâm của Đài tưởng niệm Victoria là bức tượng Thiên thần Chiến thắng cao 4,9m. Bao quanh mái vòm là những tác phẩm điêu khắc mang tính ngụ ngôn đại diện cho Nghệ thuật, Kiến trúc, Công lý và Từ thiện, trong khi phía trên hiên phía Bắc là cho Tình mẫu tử, Sự thận trọng và Học tập.Về mặt thiết kế, Đài tưởng niệm Victoria đã lấy cảm hứng từ ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng cũng của Ấn Độ, với một mái vòm trung tâm chính, bốn mái vòm nhỏ, chân đế hình bát giác, cổng cao, sân thượng và tháp góc.William Emerson (1843-1924), chủ tịch của Viện kiến ​​trúc sư hoàng gia Anhlà kiến trúc sư chính của công trình hoành tráng này, bên cạnh các cộng sự khác của ông chịu trách nhiệm thiết kế các cảnh quan xung quanh. Như đã nói, đây là danh thắng nổi tiếnh nhất thành phố này nên mua được vé vào cổng (chỉ 20 Rupee/người) nhưng phải xếp hàng vô cùng lâu. Thời điểm thăm đẹp nhất vào đầu giờ chiều khi ánh sáng thuận chiều sẽ có được những tấm hình đẹp hơn so với buổi sáng.

CHỢ HOA MULLICK GHAT

Nằm ngay dưới chân cây cầu Howrahnổi tiếng là khu chợ hoa Mullick Ghat nhộn nhịp, xô bồ, và đầy rác. Đây đượccoi là một trong những chợ hoa bán sỉ lớn nhất châu Á, có từ một thế kỷ nay. Từ tinh mơ, các loại xe tải, xe kéo, xe máy, xe đạp mang theo dủ các loại hoa đến chợ, nơi có khoảng 2,000 người bán lẻ đến giao dịch. Ở Kolkata nói riêng và Ấn Độ nói chung, hoa được dùng rất phổ biến trong tín ngưỡng và lễ hội. Hoa cúng chủ yếu là các loại cúc vạn thọ, hoa nhài, hoa sen và vô vàn các loại hoa được bán theo chuỗi hoặc theo cân… Thực lòng, nếu rác được kiểm soát tốt hơn, văn minh hơn thì chợ hoa này sẽ lưu lại nhiều ấn tượng đẹp hơn nữa cho du khách.

ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI

Xác định bay với Indigo là chấp nhận khả năng trễ chuyến là bình thường nhưng nếu trễ từ 17.55 tới 20.20 thì nó sẽ kéo theo bao nhiêu hệ luỵ sau đó. Kolkata sau Hanoi 90 phút nên hạ cánh tại sân bay Kolkata cũng gần 22.00 giờ địa phương. Giờ này cũng không nhiều chuyến bay nên hàng nhập cảnh cũng chẳng dài, tuy nhiên đặc trưng của người Ấn là lề mề, cái lề mề này còn ám ảnh mãi tôi về sau này trong suốt hành trình, nên mất kha khá thời gian nhập cảnh. Lấy hành lý xong cũng tầm 22.30, tranh thủ đi đổi chút tiền ở sân bay (mất 18% chi phí các loại) để trả taxi (vì nghe nói ở Hà Trung rất khó đổi tiền Ấn). Đổi xong đi tìm nơi bán sim điện thoại thì được nhân viên sân bay trả lời không có, bảo ra các shop bên ngoài mới có. Thực sự hơi ngạc nhiên vì hầu hết sân bay quốc tế có dịch vụ này, chả nhẽ giờ khuya quá họ đóng cửa hết sao? Không có 3G thì không đặt xe qua ứng dụng được. Mà muốn kết nối free wifi ở sân bay phải có số điện thoại Ấn hoặc roaming để nhận password nên bó tay luôn. Taxi ngoài sân bay thì nhốn nháo và không biết đằng nào mà lần nên đành lếch thếch qua quầy Prepaid Taxi được quản lý bởi Công an Thành phố.

Chả hiểu sao có mỗi việc bán vé taxi dựa vào điểm đến thôi mà lâu quá trời lâu, đoàn người xếp hàng dài. Những việc như vậy thì tụi Thái và Việt cộng nhà mình xử lý chưa tới 30 giây một lượt mà đằng này cứ lần mò mãi không xong. Rồi cũng có vé, hí hửng tưởng là cầu kỳ thế này cũng vớ được em taxi tầm Huyndai I10 gì đó cho mức giá 350 Rupee (chừng 120k VND) vào thành phố, ai ngờ chưng hửng khi nhìn thấy em taxi vàng choé cũ mèm, dễ có khi sản xuất trước 1970 á.

Cốp xe được khoá bằng khoá dây, loại chuyên dùng khoá xe đạp nhà mình ngày xưa. Ghế xe cũ và bẩn, đầy những dấu vết thời gian. Đường bụi mù, không điều hoà, cửa kính mở hé nên đồng loạt mang khẩu trang. Tài xế không thạo đường, điện thoại đời ơ kìa nên không có google map. Cứ thằng này hỏi thằng kia mà không tài xế nào chỉ được, trong khi điểm đến là toà nhà khá lớn. Tiếng Anh của tài cũng tệ, nói không hiểu gì mà cứ gật gù… Gọi điện chủ nhà, hai bên nói tiếng Hindu nên mới hiểu được nhau. Cuối cùng cũng tới căn hộ airbnb sạch sẽ ấm cúng giữa cái thành phố ồn ào và bụi mù. Tầm hơn 11h đêm rồi mà ngoài đường xe cộ vẫn chạy ầm ầm, còi xe inh ỏi chẳng khác gì giờ cao điểm.Sáng hôm sau ngủ dậy, việc đầu tiên nghĩ tới là phải đi mua sim điện thoại 3G. Tận dụng wifi ở căn hộ vào Uber đặt xe, xe 4 chỗ thì nhanh nhưng xe 7 chỗ thì phải đợi trung bình 30 phút mới có xe. Lên xe đi tới điểm đầu tiên là một ngôi đền nổi tiếng cách trung tâm 20 kms, dặn tài xế ghé tiệm để mua sim 3G. Nó gật gật, nói no problem vậy mà cứ chở thẳng tới đền trong khi suốt chặng đường đã nhắc nó nhiều lần. Biết là không có sim 3G thì sẽ không đặt xe đi tiếp, dặn tài xế đợi sau khi thăm đền xong đi tiếp với nó. Đầu thì nó gật, mà tay vẫn quay vô lăng đi mất hút. Chán gì đâu!

Thăm đền xong, đi ra phía ngoài hỏi thăm người địa phương thì họ chỉ cho tiệm điện thoại có treo biển AirTel – nhà mạng nổi tiếng của Ấn. Rất tiếc là tiệm không được phép bán sim điện thoại 3G, bắt buộc phải tới AirTel Stores mới mua được. Hý hửng bắt cái taxi vàng đặc trưng tới AirTel Store gần nhất mà anh chủ tiệm điện thoại kia đưa địa chỉ, vào trình bày chán chê các gói cước, nói tụi tao chỉ cần sim nội địa, dung lượng và gọi nội địa chứ không cần gọi quốc tế. Ok, khoảng hơn 300 rupee (110k) cho gói 4 ngày. AirTel yêu cầu hộ chiếu gốc chứ không phải bản copy hoặc hình lưu trên điện thoại trong khi tất cả hộ chiếu gốc cất hết ở nhà cho an toàn. Thế là lại thất vọng ra về! Về lại căn hộ, tìm trên google map điểm AirTel Store gần nhất để chiều quyết tâm mua cho xong cái sim 3G. Mừng vì có cái gần nhà chừng 800m, lần này an tâm mang theo hộ chiếu. Vào store, gọi là store cho oai chứ cái tiệm nhỏ nhỏ quê quê này chỉ xứng đại lý cấp 4-5 chi đó. Ráng đợi 5 phút cho thằng chủ store trả tiền cho khách trước, mới nhẹ nhàng trình bày với nó tao muốn mua sim 3G dung lượng và gọi nội địa. Nó bảo đợi nó tra gói cước trên mạng, rồi đập ngay vào mặt, gói thấp nhất là 1,440 Rupee cho 30 ngày! Mới nói lại nó, tao chỉ cần 4 ngày bên này thôi, tao không cần 30 ngày. Nó bảo chúng mày là người ngoại quốc nên phải dùng gói 30 ngày. Mới cự lại, sáng nay tao được cái Store to đùng kia chào giá có hơn 300 Rupee thôi đó, mày xem lại đi. Nó lần sờ mò một hồi trên máy tính, rồi bảo là hơn 600 Rupee. Nhất định không chịu, nói mày không xem lại tao đi hàng khác. Cuối cùng giằng đi xé lại hai bên chốt ở mức 450 Rupee cho cả gói 4 ngày! Rồi nó lề mề qua các bước scan hộ chiếu nhập dữ liệu, bắt đứng vào tường chụp chân dung (yêu cầu chớp mắt vài lần như kiểu hình động í). Tiên sư bố nó, hành nhau không khác gì thủ tục xin xuất khẩu lao động. Sau gần tiếng căng thẳng mới ra khỏi cái AirTel store đó, đi tong cả kế hoạch buổi chiều vì các điểm tham quan đóng cửa rất sớm!

Số tiền đổi ở sân bay cũng gần hết, nên việc quan trọng khác là đổi tiền. Cứ nghĩ dí tờ 100$ vào bất cứ bank nào là đổi được. Ôi chao là nhiêu khê, bank đầy đường mà không có chức năng đổi ngoại tệ. Lại google search điểm đổi tiền, đặt uber đến điểm gần nhất, đợi xe thêm hơn 30 phút nữa mới có xe, chạy ù ì giữa phố xá đông đúc với đủ các loại phương tiện từ xe kéo bộ, xe đạp, ba gác, xe ba bánh, xe hơi, xe bus…tầm 30 phút cho quãng đường hơn 2km.

Đến nơi, tìm quanh không thấy cái biển hiệu cửa tiệm Money Exchange nào hết dù nổ đúng địa chỉ. Lại lòng vòng hỏi người địa phương, hoá ra có văn phòng đổi tiền nằm trên lầu 1 của toà chung cư cũ ngay cạnh, với lối đi bên hông, phải vòng vào con hẻm nhỏ.

Thật không thể tin nổi trong một khu chung cư cũ kỹ, dây điện dây mạng rối nùi như mạng nhện lại có cả một khu các văn phòng hoạt động, hành lang thì tối om, cũng may có cái biển hiệu được thắp đèn neon sáng nên mới biết trụ sở của nơi đổi tiền là căn phòng nào. Không khác gì buôn bạc giả. Được cái an ủi là phí đổi tiền nơi đây rẻ bằng 1/2 ở sân bay. Mãi đến chiều, khi ngang qua khu chợ mới mới thấy rất nhiều điểm đổi tiền trên phố, lúc đó chỉ tiếc không hề có mấy thông tin hữu ích như thế này trên mạng.

Nói chung Kolkata còn nghèo nàn và lạc hậu, ô nhiễm từ nước tới không khí nên để có một chuyến đi sang chảnh thì chắc chắn Kolkata không phải là điểm đến. Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết cuộc sống đã ban cho ta những điều may mắn và thoải mái hơn người khác như thế nào, hãy đến những vùng đất như Kolkata để thấy cần phải trân trọng những gì chúng ta đang có.

December, 2019

Du lịch Ấn Độ

KCT Travel

Một chàng trai người Sài Gòn ra Hà Nội lập nghiệp được hơn mười năm. Phượt là một trong những đam mê lúc nhàn rỗi và đã gặp nhiều khó khăn, thời gian lúc tìm thông tin. Với những trải nghiệm của bản thân và những người bạn, Hắn muốn gửi gắm chút kinh nghiệm cho những người cùng chí hướng qua website này.

View stories

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *