• Menu
  • Menu

NEPAL – MỘT LẦN LÀ CHƯA ĐỦ

Nguồn: NGUYEN THAI DUY

Một quốc gia nghèo nàn, chẳng sở hữu một phết phẩy đại dương nào bởi lãnh thổ nằm trọn trong lục địa Nam Á lại có thể mê hoặc một đứa mê biển như tôi thì chắc chắn Nepal phải có cái gì đó hấp dẫn và khác biệt. Còn đòi hỏi gì nữa, Nepal nổi tiếng hùng vĩ, sở hữu tám trên mười đỉnh núi cao nhất thế giới của dãy Himalaya huyền thoại, hàng năm thu hút hàng triệu tín đồ muốn chinh phục độ cao cũng như trải nghiệm những cung đường trekking độc đáo nhất thế giới. Thêm vào đó, tuy ngày nay Nepal có tới 90% dân số theo đạo Hindu, chỉ có gần 10% theo Phật Giáo nhưng chính Nepal là cái nôi của Phật giáo và Lumbini được cho là nơi Đức Phật Thích Ca được sinh ra. Chính vì vậy, Nepal cũng đón tiếp hàng triệu Phật tử từ khắp nơi trên thế giới hành hương mỗi năm… Điều thú vị trên quốc kỳ Nepal có hai hình tam giác tượng trưng cho hai đạo giáo lớn nhất của quốc gia này.

Liệu như vậy đã đủ cho một hành trình, một trải nghiệm mới?

Từ Vietnam chưa có đường bay thẳng đi Kathmandu (KTM) mà phải transit qua các cửa ngõ Bangkok với Thaiairways, Singapore với Silk Air, Quảng Châu với China Southern Airlines, Nam Ninh với China Estern Airlines, tuy nhiên giá mềm nhất luôn là Air Asia hoặc Malindo qua cửa Kuala Lumpur (KL). Malindo có giờ bay cực đẹp, rời Hanoi từ sáng và nối chuyến đi KTM ngay trong buổi chiều và hạ cánh KTM tầm 8.30 tối nhưng giá cả rất là hên xui vì Malindo hay có những đợt khuyến mãi bất chợt. Còn nếu chọn Air Asia thì phải mất một đêm ở KL để sáng hôm sau bay tiếp đi KTM, hạ cánh tầm 1.30 chiều ngày hôm sau.Để tranh thủ thời gian, và đỡ tốn tiền di chuyển taxi giữa thành phố và sân bay, tôi quyết định đặt luôn vé đi Lumbini ngay sau khi hạ cánh KTM. Lumbini chỉ cách KTM gần 300km, tương đương Hanoi – Vinh nhà mình nhưng nếu đi đường bộ thì quá sức thê thảm vì đường xấu, mất khoảng 10h nên cũng phải nghiến răng bỏ ra 214$ (giá cho người nước ngoài) cho hành trình khứ hồi nội địa với 45 phút bay giữa KTM và Lumbini bằng hãng hàng không nội địa Yeti Airlines. Ngoài ra còn có hãng Buddha Air cũng bay đi Lumbini nhưng giá mắc hơn chừng 15$.Tất cả sẵn sàng cho một chuyến đi, sẽ vất vả, sẽ thiếu thốn nhưng hứa hẹn nhiều trải nghiệm…

ĐƯỜNG VỀ LUMBINI XA XÔI…

Kế hoạch là như vậy và thực tế diễn ra đúng lịch trình. Chuyến bay của Air Asia mang tiếng là giá rẻ nhưng cực kỳ chuẩn giờ, gần như không sai lệch chút nào. Rời Hanoi lúc 15.30 và hạ cánh xuống KLIA lúc 19.45 giờ Malaysia. Hành lý từ Hanoi chuyển thẳng tới Kathmandu. Ngủ đêm tại sân bay KLIA không dễ chút nào nhưng cũng nên trải nghiệm cho biết đời lãng du có khác gì so với dân tị nạn. Đảm bảo bạn không cơ đơn khi xung quanh la liệt những kiểu ngủ từ nằm đến ngồi… Cũng may KLIA cũng có nhiều hàng ăn nên không đến nỗi đói bụng, trung bình một phần vào khoảng 20RM tương đương 120k VND. Sáng ngủ dậy, uể oải lượn lờ chờ đến 11.20 để boarding đi Kathmandu.

Một góc Sân bay Quốc tế Tribhuvan

Sân bay quốc tế Tribhuvan International Airport (TIA) lớn nhất Nepal thì quá cũ kỹ và đơn điệu. Nhìn đã không muốn yêu rồi. Thôi kệ, họ còn nghèo mà. Thời tiết tại Kathmandu lúc này khá mát mẻ, 23 độ C, nắng nhẹ. Ra khỏi máy bay là nhanh chóng xếp hàng vào nơi nộp phí Visa (25$ cho thời gian dưới 15 ngày) vì visa online đã xin từ trước qua trang web. https://online.nepalimmigration.gov.np/tourist-visa Nếu chưa làm online thì đến sân bay khai cũng được nhưng mất thời gian hơn. Sau khi nộp tiền, nhận biên lai xong thì đi về các quầy hải quan, vào đúng những quầy có biển hiệu “Visa 15/30 days” và kiên nhẫn xếp hàng đợi tới lượt. Thao tác của các viên chức vốn đã chậm lại phải dán visa vào hộ chiếu nên khá là lâu. Cho phép multiple entries hẳn hoi nha, chứ không hẹp hòi nhõn single entry đâu. Mà vụ visa này họ chẳng yêu cầu nộp ảnh 4*6 như một số bạn khuyến cáo. Để ra được khu vực lấy hành lý cũng phải xếp hàng và qua cửa an ninh, rõ là phức tạp và mất thời gian… sau đó tiếp tục đợi trong vòng 30-45 phút nữa thì hành lý mới tòi ra băng chuyền, cho dù hạ cánh cả tiếng trước đó.

Tranh thủ đổi chút tiền ở sân bay, thủ tục đơn giản, chẳng cần hộ chiếu gì cả. Cứ 1$ đổi được 103.7 đồng Rupee Nepal quy ra VND tiện nhất là 1R = 200VND. Phí đổi tiền 100R cho 100$.

Vì nối chuyến đi Lumbini nên tôi phải hỏi đường sang sân bay quốc nội. Cũng may nhân viên sân bay và tài xế taxi đều rất nhiệt tình và biết tiếng Anh nên họ hồ hởi chỉ bảo. Ra khỏi sân bay quốc tế, rẽ phải đi bộ chừng 10 phút nữa sẽ tới. Trong đầu đinh ninh cái toà nhà bên cạnh là em nó rồi mà vẫn không phải, cứ vòng vèo tiếp. Hoang mang quá, sao không thấy cái toà nhà nào có vẻ giống sân bay vậy ta? Rồi cũng tới một khu đất có cái nhà quá bình thường, còn kém hơn cả cái bến xe khách tỉnh lẻ nhà mình, nếu không có hai chữ Arrivals và Departure thì không thể nào tin nổi đó là sân bay.

Sân bay Quốc nội Thủ đô Kathmandu

Cũng kiểm tra an ninh nhưng mà rất sơ sài, làm cho có… Phòng chờ thì như ga Hanoi những năm 70-80 với ghế sắt xếp thành hàng và quạt trần quay vù vù… Chuyến bay đi Bhairahawa (Lumbini) bị delay từ 16.10 xuống 16.50 và tiếp tục delay tới 15.15… chẳng biết làm gì ngoài kiên nhẫn đợi và quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh rất chậm rãi. Internet thì khỏi nói, sim 4G quốc tế mà nó chỉ hiện E như trêu ngươi. Cũng có wifi miễn phí cho 30 phút nhưng phải điền thông tin cá nhân và số hiệu chuyến bay

Rồi cũng đến giờ gọi boarding, lại leo lên cái xe bus cũ kỹ nơi mà khỉ vô tư đánh đu ngoài cửa sổ và trên nóc xe để ra máy bay. Ngồi mãi vẫn chẳng thấy tài xế đâu, cũng chẳng có ai có thẩm quyền để hỏi tại sao, thế nào và bao giờ. Khoảng 5.30 tài xế mới lên và chạy vù tới điểm máy bay đậu, loại ATR72 cánh quạt như VN mình. Nhỏ xíu và chật chội, nhưng không sao, chặng ngắn như vậy cũng được, chỉ cầu mong chuyến bay an toàn và lòng bắt đầu Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát!

Khoảng 5.40 máy bay chính thức cất cánh. Tính ra thời gian bay chỉ khoảng 35 phút. Từ máy bay nhìn xuống, một khu vực cằn cỗi thiếu sức sống hiện ra phía dưới, báo hiệu một vùng quê nghèo nàn kém trù phú. Máy bay hạ cánh lúc 6.20 khi trời chuẩn bị chuyển sang chạng vạng. Sân bay tỉnh lẻ của một nước nghèo quá đỗi đơn điệu, ngay cái tên sân bay Gautam Buddha Airport cũng khác tên trên hệ thống chắc chưa kịp làm lại biển khiến thằng bé tưởng đi nhầm chuyến bay. Ở đây, băng chuyền là thứ xa xỉ, hành lý được kéo bằng xe giống xe cải tiến ngày xưa của nhà mình, rồi tất cả nhốn nháo vào quầy nhận hành lý sau khi đối chiếu thẻ hành lý với nhân viên quầy.

Hạ cánh sân bay Lumbini
Băng chuyền…
Sân bay tỉnh lẻ

Ra khỏi sân bay, đặc sản đầu tiên là gió và cát, cát thản nhiên táp vào mặt như thể hiện sự hiếu khách của mảnh đất này. Lèo tèo vài chiếc taxi nhỏ xíu, cũ kỹ và không có điều hoà. Tại đây không có pre-paid taxi như ở Kathmandu nên phải mặc cả với tài xế. Từ đây về khách sạn trong Lumbini chừng 20km mà ông nào cũng đòi 1,500 Rupee, tương đương 300k VND, nói là giá cố định rồi, xe nào cũng vậy! Mặc cả 1,000 Rupee không chú nào hào hứng. Các xe dần dần rời sân bay, chả nhẽ đứng đây hứng hết cát và gió. Chốt câu cuối, 1,200 Rupee. Một chú kì kèo, 1,300 – nhất định 1,200 và đồng ý lên xe. Hai bên đường điêu tàn và thiếu sức sống. Nhưng tôi không buồn vì điều đó bởi một lẽ, Phật không sinh ra từ nơi sang chảnh và đủ đầy. Khách sạn tại vùng quê này không có nhiều lựa chọn. Đọc review trên Agoda thì cũng hoảng, lựa đại Ananda Inn được điểm cao nhất, giá khoảng 800k VND/đêm (bao gồm 24.3% thuế!) đắt hơn cả trung tâm Kathmandu. Đã thế phòng lại chẳng có tủ lạnh và TV, may còn có nước nóng và điều hoà cũng như internet. Hành hương như vậy cũng đã quá tươm tất rồi…Như vậy sau 30 giờ từ lúc rời Hanoi, tôi đã đặt chân tới Lumbini, nơi Đức Phật Thích Ca được sinh ra. Sẽ là một đêm ngon giấc, bình yên trong sự chở che của Đức Phật!

LUMBINI – LAND OF BUDDHA

Đêm qua, giấc ngủ say bỗng bị đánh thức bởi tiếng gió rít ngoài cửa sổ, sấm chớp đùng đùng rồi tiếp theo là mưa xối xả. Giật mình tỉnh dậy nhìn qua cửa kính cây cối trong vườn ngả nghiêng trong cơn mưa nặng hạt đầu mùa. Vớ ngay điện thoại xem dự báo thời tiết Lumbini cho những ngày tới thì ôi thôi, không thấy biểu tượng mặt trời dễ thương, hay chí ít cũng lấp ló sau đám mây. Lumbini mà mưa thế này không ngập lụt thì cũng lầy lội… Lúc này đã 12h khuya dường như mưa không dứt… Lẽ nào mình xui xẻo thế! Cứu cánh được sử dụng, bắt đầu lầm rầm Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu mong chỉ cần ngày mai tạnh ráo thôi, không nắng cũng được cho con thanh thản bình yên dạo bước trên đất Phật. Chuyện này hoàn toàn không đùa giỡn, và tôi luôn thành tâm.

Cổng vào Quần thể Lumbini

Hơn cả sự mong đợi, bình minh tới đi kèm những tia nắng ban mai. Ôi, như vậy có nghĩa là tạnh mưa, có nghĩa là trời nắng… Tôi càng tin vào sự nhiệm màu của những lời cầu nguyện!

Niềm vui đầu ngày phơi phới như vậy cũng đủ khiến cho bữa sáng đơn giản tại khách sạn nhỏ trở nên thi vị. Có điều dân Nepal ăn rất mặn, bánh mì cũng mặn nên phải lưu ý mỗi khi ra ngoài gọi món. Thêm một điều thú vị nữa là khách sạn toạ lạc gần cổng vào của Lumbini Buddha Land, quần thể di tích mà bất cứ ai tới thăm mảnh đất này cũng phải ghé qua.

Có nhiều lựa chọn để đi thăm các di tích trong quần thể này, đi bộ, thuê xe máy, xe đạp hoặc kêu xe ba bánh… Thấy khu vực này cũng không lớn lắm, nơi xa nhất chừng 5kms nên hoàn toàn trong khả năng đi bộ, chỉ cần lưu ý mang giày đế mềm, áo cotton thoáng mát, đủ nước và kem chống nắng, mũ hoặc khăn che nắng cùng kính mát là vô tư lượn… À mà đừng quên mang khẩu trang vì bụi là đặc sản của xứ này! Trang phục không cấm kỵ điều gì, mặc short cũng được nhưng để tỏ lòng tôn kính với Đức Phật, nên mặc đồ dài.

Nếu quan tâm tới Phật giáo, hẳn bạn phải biết tới bốn thánh tích bao gồm Lumbini, Bodh Gaya, Samath và Kushinagar. Nghiễm nhiên Lumbini đứng đầu danh sách này cho các tín đồ hành hương. Lumbini chỉ cách biên giới Ấn Độ có 25kms nên thường các Phật tử hành hương sẽ kết hợp qua cả hai nước. Cũng vì lẽ đó mà vào những dịp lễ hội, Lumbini luôn xuất hiện nhiều lính gác có mang súng.

Điểm tới đầu tiên, bắt buộc phải đến tại Lumbini là Maya Devi Temple, gọi là chùa hay đền đều được. Maya Devi tương truyền là Hoàng Hậu sinh ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thật trùng hợp, hôm nay lại là ngày Buddha Jayanti – là một ngày lễ của Nepal, cũng là ngày rất đặc biệt cho cả tín đồ Hindu và Phật giáo. Vào ngày này, người dân kỷ niệm Đức Phật, từ lúc Ngài hiện sinh, khai sáng cho tới khi nhập cõi niết bàn. Theo truyền thuyết Nepal, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra vào năm 543 trước công nguyên (một số tài liệu ghi 623BC) và người ta lấy ngày trăng tròn của tháng Baishakh làm ngày sinh của Ngài, năm nay đúng vào 30/4 dương lịch. Chính vì vậy, hôm nay có rất nhiều sư, tiểu và Phật tử nhiều nơi về với Buddhaland, việc vào đền mất nhiều thời gian hơn vì xếp hàng dài. Lưu ý là giày dép phải bỏ lại bên ngoài khu vực này từ bên ngoài cổng vào. Miễn phí vào cửa!

Rất đông tín đồ Phật giáo đổ về đây
Maya Devi Temple

Ngôi đền ngày nay là một toà nhà màu trắng, bên cạnh hồ nước linh thiêng Puskarni nhằm bảo tồn những phế tích còn sót lại từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Bên trong đền còn lưu giữ tảng đá nơi Đức Phật được sinh ra cũng là nơi linh thiêng nhất mà tín đồ Phật giáo hành hương mong muốn được nhìn thấy nhất. Bức tường bên trên tảng đá được cúng dường bằng đủ thứ, từ bánh trái, tiền bạc cho tới những miếng vàng dát mỏng… Tại đây, du khách không được phép quay phim chụp hình nên chỉ có thể ngắm nhìn, cảm nhận, thiền và cầu nguyện.

Cầu nguyện quanh cây bồ đề

Bên ngoài là khu vườn lớn với rất nhiều tàn tích của các công trình xưa kia, cũng xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Tiếc là Phật giáo suy vong ở Ấn Độ và Nepal quá lâu và quá dài nên những công trình này gần như bị huỷ hoại hoàn toàn. Cũng may còn hai cây bồ đề rất lớn làm nơi các sư cầu nguyện và nhận cúng dường. Mọi người cũng được khuyên đi vòng quanh gốc bồ đề, vừa đi theo chiều kim đồng hồ vừa cầu nguyện…

QUẦN THỂ CHÙA CHIỀN –
PHẦN CÒN LẠI CỦA LUMBINI

Nếu như MayaDevi Temple là linh hồn Phật giáo của Lumbini thì cụm chùa chiền mới xây dựng gần đây như là những công trình phụ trợ cho việc tu tập và hành hương cho hàng triệu Phật tử và tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới.

Bước ra khỏi cổng Maya Devi Temple đã có thể nhìn thấy chóp của The World Peace Pagoda – Chùa Hoà bình Thế giới. Chùa này nằm ngoài khuôn viên chính của khu phức hợp, nhìn vậy nhưng cũng cách Maya Devi chừng gần 5kms, đi bộ dưới trời nắng cũng là thách thức với những người ít vận động. Tuy nhiên, muốn nhanh và đỡ mỏi chân, có thể lựa chọn Jal Yatayat một loại dịch vụ thuyền đưa du khách giữa hai điểm đến chạy trên con sông nhân tạo (hao hao giống hồ phản chiếu reflection lake tại Washington DC) với chi phí 40R, khoảng 8k VND/chiều. Vào ngày lễ cũng xếp hàng phê lắm. Tôi thích đi bộ, vừa để thong dong ngắm cảnh hai bên, vừa tranh thủ tập thể dục trong một không gian thư thái.

Sau khi đi hết con sông nhân tạo, phải vòng vèo qua một khu đông đúc quán xá và bến xe, hỏi thăm tiếp mới thấy đường tới Chùa Hoà bình Thế giới dù lúc nào cũng nhìn thấy nó lấp ló sau những tán lá nhưng tuyệt nhiên không có biển chỉ dẫn như thường thấy ở các khu du lịch. Chùa là một khối tháp (stupa) trắng 3 tầng, lát đá cẩm thạch được xây dựng bởi người Nhật trị giá khoảng 1 triệu USD. Đây cũng là stupa cao nhất thế giới. Du khách chỉ có thể tham quan bên ngoài bằng cách đi vòng theo chiều kim đồng hồ từng tầng một. Ngoài ra không có gì đặc biệt vì không biết bên trong nó trưng bày gì nữa. Phía bên ngoài có một hồ hoa súng, màu hoa rất buồn cười, nhìn không khác gì hoa giả màu hường cam.

Thời gian còn lại cũng chỉ để lượn lờ và ghé thăm các ngôi chùa khu vực phía Tây và phía Đông. Hầu hết các nước có dân cư theo đạo Phật đều có chùa hoặc tu viện tại đây, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Sri Lanka tới Thailand, Myanmar, Cambodia, Singapore cho tới Vietnam đóng góp 2 em lận. Pháp và Áo cũng có tu viện… nhiều nhất vẫn là quốc gia chủ nhà. Đẹp nhất phải kể đến The Great Drigung Kagyud Lotus Stupa theo phong cách Tibet trên một khuôn viên rộng, đẹp, xanh và sạch được đầu tư và chăm sóc kỹ lưỡng… còn lại những ngôi chùa khác thường kém sắc hơn hoặc đang trong quá trình hoàn thiện hoặc trùng tu. Nhưng có lẽ sốc nhất vẫn là Việt Nam Quốc Tự. Những tưởng con Lạc cháu Hồng ghé đây sẽ được đối đãi như đứa bé được về trong vòng tay Mẹ, nào ngờ không có một người Việt nào trong chùa. Gian thờ chính được trông coi bởi một người đàn ông Nepal nhỏ thó, im lặng, điện không bật, quạt không bật. Khi biết tôi từ Việt Nam qua, anh ta niềm nở hơn tí, lon ton đi mở thanh chắn gỗ để tôi được bước vào phía trong điện thờ, còn các du khách khác không phải Việt Nam thì vui lòng đứng ngoài… Có lẽ do thiếu kinh phí nên Việt Nam Quốc Tự xuống cấp thảm hại, khuôn viên hoang tàn, cỏ mọc um tùm che lấp những núi non giả bằng bê tông hay những con trâu con công thô kệch cùng chất liệu. So với chùa người ta mà nản lòng vô cùng, đường vào thì nham nhở chẳng giống ai, cầu không ra cầu, đường chẳng ra đường… Thề là không có được một góc nào để có thể chụp một tấm hình tử tế tại đây, điêu chết liền! Ngay bên cạnh là khu ăn ở của sư sãi Việt Nam qua, định ghé vào kiếm bữa cơm chay nhưng mọi cánh cửa đều đóng, lại còn trưng cái biển to đùng, đang sửa chữa, xin lỗi không mở cửa.

Đường tắt qua Việt Nam Quốc Tự
Một ngôi chùa do Trung Quốc xây

Nói thêm về hàng quán Nepal trong quần thể Land of Buddha này, chủ yếu là quán nhỏ, lụp xụp nhìn đã thấy mất vệ sinh nên dù bụng đói cũng chẳng dám ăn. Mặt hàng giải khát chủ lực là nước mía ép ven đường và các loại nước siro đầy sắc màu. Cũng bấm bụng liều thử một ly nước mía, 25R/ly tức là 5k VND siêu rẻ nên không thèm mặc cả. Ngọt lịm và mát lạnh cũng giúp vơi đi cơn đói và khát giữa thời tiết nóng và bụi. Trái cây thì ngoài dưa hấu bày tơ hơ ven đường còn có các loại dưa leo to như dưa gang, khoảng 20R tức 4k VND/trái, bổ tư rắc chút muối ăn cũng đã. Nói chung vừa ăn uống vừa lo đau bụng, ơn giời, đến chiều vẫn thấy bụng tốt!

Mệt rã rời sau gần 8 tiếng đi bộ dưới trời nắng, bụng thì đói mà không dám ăn hàng quán linh tinh nên quyết định quay về gần khách sạn tìm nhà hàng lúc gần 3h chiều. Ghé đại một quán có vẻ international nhất để gọi món, tuy nhiên quá bữa trưa nên họ chỉ còn Nepali Set, cơm bình dân Nepal với lựa chọn là gà hoặc dê với cơm trắng và rau. Giá khoảng gần 60k VND, bê ra nhìn chán chả muốn nuốt nhưng cũng gắng gượng nạp chút protein vào người.

Chiều muộn mới đi lượn mấy con phố chính của Lumbini, vẫn là đặc trưng bụi bặm và nhà cửa chỉ có gần đường lớn mới tươm tất, đi sâu xuống chút nữa thì rất nhiều nhà lụp xụp kiểu nhà tranh vách đất thấp lè tè. Một trong những lý do khiến dân Lumbini vẫn nghèo dù sở hữa du lịch tâm linh thuộc dạng hiếm có trên thế giới vì một lẽ dân Lumbini ít theo Đạo Phật, các điểm thắng cảnh không thu phí nên không có nguồn thu, khách hành hương chủ yếu ăn ngủ trong chùa và tu viện. Lý do nữa là dân cũng lười lao động, thích túm tụm lại để tám chuyện hơn là làm việc. Được cái giá cả sinh hoạt nơi đây thuộc hàng siêu rẻ, nước uống đóng chai tầm 4k VND/lít, chuối thì 12k VND/cưn khá ngon… ăn tối cũng chưa tới 100k VND/người mỗi tội dở và chẳng hợp khẩu vị.

Cách đây mấy năm điện đóm ở Lumbini rất tệ, ngày chỉ có vài tiếng buổi tối là có điện nhưng bây giờ cũng cải thiện nhiều, mất điện lưới thì khách sạn có điện máy nổ nên cũng đỡ. Chỉ có điều muỗi nhiều vô kể, dù đóng kín cửa mà không hiểu sao chúng chui đằng nào, đêm nào cũng bị thức giấc vì tiếng vo ve và bị chích sưng cả tay chân dù đã xịt Softfell Kế hoạch ban đầu ở Lumbini đến chiều hôm sau nhưng thấy một ngày là vừa đủ nên quyết định đổi vé máy bay về Kathmandu ngay chuyến sớm nhất trong ngày, chuyến 8.35 sáng! Tạm biệt Lumbini, miền đất của Phật Giáo, bình yên, hoang sơ, cằn cỗi, nghèo nàn, bụi bặm và nhiều muỗi…

KATHMANDU – KHÔNG CHỈ CÓ BỤI VÀ BẨN

Hạ cánh xuống sân bay quốc nội Kathmandu khoảng tầm hơn 9.30 do chuyến bay từ Lumbini bị delay 30 phút. Nắng ngập tràn nhưng rất mát, nhiệt độ chỉ xung quanh 22 độ, dễ chịu hơn hẳn so với Lumbini. Ra ngoài cổng, ghé quầy Pre-paid Taxi để đặt xe thì chẳng thấy một ai, dù mấy giây trước đó có nhân viên làm việc! Đã thế lấy cuốn sổ trên bàn xem luôn, thấy giá taxi từ sân bay về khu Thamel (giống khu phố cổ của Hanoi hoặc phố Tây Bùi Viện trong Saigon) dao động từ 650R tới 800R. Quay ra hỏi tài xế taxi dù, chàng ta nói 700R giá chung, vậy mà vẫn mặc cả xuống được 600R. Taxi bên này thường không xài điều hoà mà mở hé cửa kính thì bụi cha bụi con thi nhau xộc vào mũi, khó chịu lắm lắm!

Vui chuyện, nói với nó chiều nay tao tính đi những điểm này trong thành phố… nó nói 40$. Tất nhiên ai mà chịu giá đó, lại mặc cả phân tích, cuối cùng nó có vẻ chịu giá 2,500R (500k VND) cho 4 tiếng đưa đón và đợi, nếu đi thì sẽ gọi nó. Khách sạn Alpine Hotel nằm trong con hẻm khá yên tĩnh của Thamel, được TripsAdvisor cho 9.1 điểm, giá chưa tới 30$/đêm bao gồm 24.3% thuế và dịch vụ. Lễ tân siêu hiếu khách và được việc… hỏi nó luôn vụ xe chiều nay. Nó báo giá 3,000R. Thông báo luôn, cậu kia đang đợi đi, xe đẹp mà chỉ có 2,500R. Lễ tân vội vàng, để tao phone tài xế xem họ có chấp nhận giá đó không. Cuối cùng, giá đó, xe điều hoà, đi 3 nơi, ngắm hoàng hôn xong rồi về…

Khu Thamel đúng là hình thành chỉ để phục vụ dân du lịch. Nhà hàng, shops lưu niệm, quầy đổi tiền…cứ gọi là nhiều vô kể. Do tranh thủ thời gian nên chỉ kịp ăn trưa chứ chưa ngó nghiêng gì, giá cả thủ đô tất nhiên là đắt hơn ở tỉnh, nhưng vẫn rất mềm…

Bảo tháp Boudhanath nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Kathmandu, về phía Đông. Đường tới đây xấu và bụi bặm kinh khủng, xe cộ hỗn loạn thể hiện chính xác giao thông đô thị của thành phố này. Vé vào cửa 400R cho khách nước ngoài, dân Nepal được miễn phí, còn dân India và Bangladesh chỉ mất 100R.

Bảo tháp Boudhanath

Cao 36 mét và tồn tại từ thế kỷ thứ 5, bảo tháp có đường kính trên 100 mét, nằm trên khu vực rộng ngang với một sân bóng đá. Bảo tháp Boudhanath được cho là được xây dựng trên tuyến đường thương mại cổ đại từ Nepal đến Tây Tạng, tại địa điểm mà các thương nhân hay dừng chân để nghỉ ngơi và cầu nguyện.

Boudhanath là một trong những bảo tháp lớn nhất thế giới. Bảo tháp được cấu trúc theo mô hình các hình vuông và hình tròn đan xen nhau. Mỗi phần của ngôi tháp đều có ý nghĩa biểu trưng nhất định. Ở phần trên của thân tháp có hình đôi mắt của Đức Phật rất lớn, và được vẻ trên cả bốn phía của ngọn tháp, tượng trưng cho Phật Nhãn có thể nhìn thấy tứ phương. Phần giữa của đôi mắt, mũi được thay bằng dấu hỏi, theo tiếng Nepal có nghĩa số 1, biểu tượng cho sự hợp nhất. Một số tài liệu nói phía trên của đôi mắt là hình tượng con mắt thứ ba (third eye), biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ, trí tuệ nhờ tu tập nội quán mà có được nhưng có lẽ bị tấm rèm che mất nên không nhìn thấy rõ.

Bên trên phần thân tháp hình vuông là đỉnh tháp với hình kim tự tháp có mười ba bậc, biểu trưng cho lộ trình tu tập dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát. Và trên đỉnh tháp là một mái vòm mạ vàng, bên trên đó là hình chóp nón mạ vàng. Cái lọng ở trên đỉnh tháp là biểu tượng của hoàng gia. Tiếc là du khách cũng không có điều kiện đi vào bên trong lòng bảo tháp mà chỉ tham quan bên ngoài,

Phố xá quanh Bảo tháp

Sau năm 1959, nhiều người dân Tây Tạng đã đến định cư ở khu vực xung quanh bảo tháp Boudhanath. Và ngày nay, cộng đồng người Tây Tạng phát triển khá lớn mạnh ở khu vực lân cận bảo tháp Boudhanath tại Kathmandu, với rất nhiều ngôi nhà mang kiến trúc Tây Tạng và những ngôi chùa và tu viện Tây Tạng xung quanh! Năm 19179 bảo tháp được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.Phía chân tháp có khu vực tập trung chim bồ câu cực nhiều, cảm giác như toàn bộ bồ câu của Kathmandu tụ hết về nơi này. Chụp hình với chúng cũng khá thú vị!

PASHUPATINATH TEMPLE –
BÍ MẬT BÊN BỜ SÔNG BAGMATI

Nếu như Boudhanath Stupa là linh hồn Phật giáo của người Kathmandu thì Pashupatinath Temple được xem như là một thánh địa của tôn giáo Hindu Nepal tọa lạc bên bờ sông Bagmati.Hai di sản này ở gần nhau nên cũng rất thuận tiện cho di chuyển. Có điều vé vào cửa Pashupatinath hơi chát, những 1,000R cho người nước ngoài (tương đương 200k VND). Lúc mua vé, nhân viên an ninh hỏi tôi có phải người Malaysia hay không? Cứ tưởng được giảm giá (vì chính sách giá cho một số quốc gia như India, Bangladesh, Bhutan… chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10), nên nhận bừa, thế là họ nói, vậy mày được vào tham dự một nghi lễ sắp diễn ra. Lúc đó nào biết sự khác biệt, cũng không biết nghi thức linh thiêng gì nữa.

Một góc Pashupatinath Temple

Theo truyền thuyết, khi thần Shiva hiện hữu đến Kathmandu, thần thay dạng đổi tên và tín đồ Hindu bên Nepal gọi ngài là “thần Pashupatinath”. Ðó là lý do tại sao người ta xây đền thờ và đặt tên là Pashupatinath Temple cho đến ngày hôm nay. Đền được UNESCO công nhận di sản văn hoá năm 1979.

Pashupatinath Temple được xây dựng từ thế kỷ 15 sau đó cùng với thời gian, vô vàn các ngôi đền khác được mọc lên xung quanh ngôi đền hai tầng ban đầu. Trên diện tích 264 héc ta có đến 518 đền và lăng mộ khiến cho một kẻ không thèm thuê tour guide không biết phải bắt đầu từ đâu. Lớ rớ làm sao hồn nhiên cởi giầy bước vào khu nghi ngút khói nhang, đang đi tiếp vào trong bỗng nhân viên an ninh cầm súng hỏi, mày là người nước nào, lúc này mới phản xạ liền hai tiếng Việt Nam. Cả khu vực nhốn nháo, mày ra ngay, nơi này chỉ dành cho người Hindu thôi. Ơ, dư lày là dư lào? Giờ mới lờ mờ hiểu, lúc nãy họ tưởng dân Malaysian thì được vào khu vực Hindu, không phải thì quay ra. Cứ lang thang một hồi qua những ngôi đền với những điêu khắc gỗ đẹp không tưởng, chụp bao nhiêu hình vẫn không thấy đủ vì góc nào cũng khác lạ và rất đẹp. Rồi cũng chạm bờ sông Bagmati, chợt lạnh người khi thấy mấy giàn hoả thiêu trong đó có một cái lửa cháy ngùn ngụt. Giờ thì đã hiểu vì sao mình bị đuổi ra khỏi khu vực trót sa chân vào ban đầu, nghi lễ hoả táng cho người chết. Có rất nhiều người đứng chứng kiến hoả thiêu từ phía bên kia sông. Có lẽ đây là điều khiến du khách hiếu kỳ nhất khi đến ngôi đền này.

Một người Hindu sau khi được chứng nhận thân xác không còn hoạt động được nữa, thân xác này chỉ được nằm trong đền thờ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Sau đó được đem ra đặt nằm trên một tảng đá nghiêng, đầu thân xác nằm trên cao và chân thân xác chạm nhúng vào dòng sông Bagmati. Tiếp theo mới được thiêu trên đống củi, nhà giàu thì mua nhiều củi để đốt thành tro nhanh hơn, nghèo thì có khi củi cháy hết mà xương vẫn chưa thành tro thì người nhà sẽ đập nát số xương còn lại và tất cả đều được quét xuống dòng sông Bagmati đục ngàu. Nghe nói, trong khi trên bờ xác đang thiêu thì dưới sông vẫn có trẻ con tắm táp nô đùa. Dường như sự sống và cái chết cũng không cách xa nhau mấy, họ coi cái chết cũng rất bình thường!

Năm ngoái đi trong lúc du ngoạn Tibet tôi được nghe nhiều về điểu táng của người Tạng, nay lại chứng kiến hoả táng của người Hindu, càng hiểu thêm giá trị của sự sống và cái chết, mỗi dân tộc đều có một quan niệm rất riêng, nhưng luôn có một mẫu số chung, sống thế nào mới quan trọng chứ khi đã về với cát bụi cũng giống nhau cả mà thôi!

KATHMANDU – GƯỢNG DẬY SAU ĐỘNG ĐẤT

Nếu bạn chưa hình dung ra hai trận động đất liên tiếp xảy ra vào tháng 4 và tháng 5/2015 khủng khiếp như thế nào thì hãy một lần ghé qua những di sản vô giá của Kathmandu nói riêng và Nepal nói chung để thấy ngoài những tổn thất hơn 8,000 mạng người sẽ còn có những tiếc nuối mà đời sau vĩnh viễn không còn có cơ hội chiêm ngưỡng nữa, dù cộng đồng quốc tế đang hết sức nỗ lực phục dựng.

Đường phố Kathmandu dẫn tới Kathmandu Saquare

Tôi ghé Kathmandu Durbur Square vào sáng sớm khi khu phố Thamel dường như còn chưa bừng tỉnh vì phố xa vắng hoe, cửa hiệu chưa mở.

Một góc Kathmandu Square

Quần thể này nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô Kathmandu với tên gọi khác là Hanuman Dhoka Durbar Square, bởi ngay cổng vào hoàng cung có tượng Thần Khỉ Hanuman. Chỉ mất 20 phút đi bộ từ khu Thamel, qua vài con phố và vài khu chợ địa phương nhộn nhịp và bụi bặm là tới. Tại đây có trên 40 đền đài được xây dựng từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 18 nhưng sau trận động đất kinh hoàng nói trên, đa phần các đền đài bị ảnh hưởng, trong đó nhiều đền bị sập hoàn toàn. Khi tôi đến, trời lất phất mưa càng làm cho mọi thứ xung quanh trầm buồn đến nao lòng. Theo thói quen, tôi lại cầu nguyện và kiên nhẫn đợi trời nắng mới đi tiếp chứ thật tình, xem những đống đổ nát dưới trời u ám thì về khách sạn ngủ còn thích hơn. Như hiểu được lòng tôi, Trời thương tình vén mây ban xuống những tia nắng yếu ớt rồi dần dần không gian như được hồi sinh, đủ để tôi phấn chấn với đàn bồ câu cả ngàn con quanh đền đài, đủ được an yên trong không gian đẹp và thiền vô cùng của Kumari Ghar, nơi ở của các trinh nữ Nepal thời xưa.

Rất nhiều xe kéo đợi khách

Kumari có nghĩa là “cô gái chưa kết hôn” hoặc “trinh nữ” trong tiếng Nepal. Họ được coi là nữ thần sống, nhận sự thờ phụng và kính trọng của mọi người dân theo đạo Hindu và đạo Phật.

Cổng vào Kumari Ghar

Lịch sử tuyển chọn Kumari đã tồn tại hàng trăm năm và có quy định khắt khe. Người được chọn phải là bé gái có độ tuổi từ 2 đến 4. Ngày sinh tháng đẻ của cô bé theo chiêm tinh học, sẽ phải hỗ trợ cho nhà vua Nepal. Nữ thần không được phép chạm chân xuống đất, kể cả ở trong nhà. Nữ thần sẽ ngồi trên kiệu, được bố mẹ bế hoặc cõng suốt thời gian làm Kumari. Quãng thời gian được thờ phụng của mỗi Kumari không dài. Vai trò của họ kết thúc khi cô gái đến tuổi dậy thì, và một Kumari mới thay thế.

Bên cạnh đó là những khu vực được rào lại để phục dựng bằng kinh phí viện trợ từ Trung Quốc và Nhật Bản nên cũng không có nhiều thứ để xem. Cả khu vực quảng trường phía bên hông Kumari là vô vàn các shop lưu niệm, nhìn bắt mắt cực kỳ.

Nhưng có lẽ buồn cười nhất là ghé thăm bảo tàng trong khuôn viên Durbur Square này. Tiếng gọi là bảo tàng nhưng chủ yếu trưng bày các bức hình về hậu quả trận động đất, đã vậy các đèn rọi thì không bật nên không thu hút được khách. Bảo tàng chỉ vọn vẹn vài gian hàng mà nhân viên dễ tới 30-40 người, áp đảo cả khách.

Giá vé vào cửa 1,000R tương đương 200k VND thật không xứng đáng với những gì bạn chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng Kathmandu nói riêng và Nepal nói chung biết cách sử dụng tiền vé của bạn hiệu quả cho việc trùng tu phục dựng thì đó là sự đóng góp có ý nghĩa.

Swayambhunath Temple hay còn gọi là Monkey Temple, đền khỉ. Sở dĩ có tên gọi đền khỉ vì nơi này có rất nhiều khỉ sinh sống tuy nhiên tôi thấy nó còn ít khỉ hơn cả đền Pashupastinah nữa kia. Đền Khỉ nằm trên một ngọn đồi cách trung tâm Kathmandu chừng 3km về phía tây bắc. Đây được coi là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất ở Kathmandu. Từ chân đồi, đi 365 bậc thang là tới đỉnh với trung tâm là bảo tháp theo mô hình bảo tháp Boudhanath thu nhỏ, với Phật Nhãn nhìn tứ phương. Bên cạnh đó còn nhiều đền đang được trùng tu sau động đất nên rất khó có một bức hình ưng ý trên này. Cũng có nhiều shops bán đồ lưu niệm hay thậm chí cả quán ăn trên đỉnh đồi luôn. Giá vé vào cửa 200R, tương đương 40k VND. Phía bên đồi đối diện là tu viện nhỏ. Nói chung Đền Khỉ không xuất sắc lắm, có chăng là nơi khá lý tưởng để ngắm hoàng hôn tại Kathmandu.

Monkey Temple
Thành phố Kathmandu khi hoàng hôn xuống

LẠC LỐI Ở BHAKTAPUR

Chỉ cách thủ đô Kathmandu chừng 13km về phía đông thôi nhưng phải mất gần một tiếng mới tới được Bhaktapur, do đường xấu cộng thêm kẹt xe khủng khiếp ở nội đô. Đây là thành phố lớn thứ ba của Nepal và nổi tiếng là thành phố của văn hóa, đền đài và thủ công mỹ nghệ.

Bhaktapur được chia thành bốn khu vực chính gồm quảng trường cung điện Bhaktapur, quảng trường gốm, quảng trường Taumadhi và Dattatreya. Cầm bản đồ trên tay nhưng thực sự không hề dễ dàng để tìm đúng đến điểm mình cần đến vì bảng chỉ dẫn bé tí, bị che khuất bởi vô vàn biển hiệu. Thêm vào đó, do nội thành hoàng cung đan xen với nhà cửa dân chúng, các gian hàng, phố chợ nên rất dễ lạc lối.

Giữa quảng trường Bhaktapur

Bhaktapur trong tiếng Nepal có nghĩa là “thành phố của người mộ đạo” nhưng cũng còn có nghĩa là “đô thị cổ của người Newari”. Bhaktapur sớm có mặt trên bản đồ thế giới trên con đường buôn bán nối Tây Tạng với Ấn Độ. Dưới thời trị vì của vua Ananda Malla từ thế kỷ 12, đô thị cổ này đã phát triển rực rỡ và trở nên danh tiếng mà bằng chứng ngày nay là những di sản văn hóa, công trình kiến trúc kỳ vĩ, đền đài, miếu mạo lộng lẫy và tráng lệ chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ giáo còn tồn tại với tuổi đời hàng trăm năm.

Nhà dân xen kẽ trong khu bảo tồn

Kiến trúc dạng Pagoda (chùa) là những công trình có mái chồng nhiều tầng. Kiến trúc Stupa có cấu trúc dạng tháp luôn gặp trong Phật giáo Tây Tạng. Còn Shikhara được cho là bắt nguồn từ kiến trúc đền Hindu với sự cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện không chỉ trong kiến trúc tổng thể mà còn hiện diện trong các bức tượng người và vật bằng đá xung quanh.

Ngoài những vẻ đẹp đặc thù đó của Bhaktapur, có thêm hai thứ bạn phải ngạc nhiên ở đây. Một là phí tham quan 1,500R, tương đương 300k VND, cũng là nơi có phí vào tham quan đắt nhất trong các di sản văn hóa ở Kathmandu. Hai là rất nhiều công trình di sản đang được kinh doanh, ví dụ như quán cafe Nayatapola giữa quảng trường Taumadhi.

Làng gốm bên cạnh quảng trường

Với Bhaktapur, có thể dành nguyên ngày hoặc 2 tiếng tuỳ vào quỹ thời gian hoặc mục đích viếng thăm của du khách.

NAGARKOT THANH BÌNH

Sẽ thật nhàm chán và mệt mỏi nếu hàng ngày phải chứng kiến nạn kẹt xe và bụi bẩn ở nội đô Kathmandu nên nếu không đủ thời gian đi Pokhara thì Nagarkot là một lựa chọn khá ổn cho những ai muốn hưởng thụ không khí trong lành và mát mẻ. Ngôi làng Nagarkot nổi tiếng vì nó nằm ở rìa phía bắc của thung lũng Kathmandu, lại ở trên độ cao trên 2,175 mét nên từ đây có thể ngắm trọn vẹn 8 trên 13 đỉnh núi của dãy Himalaya. Đây cũng là lựa chọn của nhiều du khách muốn ngắm hoàng hôn và bình minh kỳ vĩ của núi rừng nơi đây trong những ngày trời trong nắng đẹp.

Để tiết kiệm thời gian cho di chuyển, sau khi ghé thăm Bhaktapur Durbur Square, lái xe sẽ đưa bạn tới Nagarkot. Nếu muốn trải nghiệm xe bus công cộng của Nepal thì cũng có tuyến đi Nagarkot từ Kathmandu nhưng rất không an toàn, chật chội và bụi bẩn. Từ Bhaktapur đi Nargakot chỉ còn khoảng 19kms nhưng đường không tốt lại đèo dốc quanh co nên mất ít nhất 1 tiếng mới tới nơi. Giữa đường có trạm soát vé, tất cả du khách phải đóng phí du lịch 339R, tương đương 70k VND.

Tiếng gọi là làng nhưng ở đây cũng có những khách sạn, resort 4 sao trở xuống với dịch vụ khá đầy đủ. Country Villa Hotel được lựa chọn với view đẹp, phòng view núi thì mắc hơn chút xíu, 90$/đêm có ăn sáng và tất cả thuế phí. Nhận phòng trong sự phấn khích bởi nắng nhẹ và đẹp, không khí mát mẻ trong lành. Từ cửa sổ và ban công phòng ngủ, dãy núi Himalaya phía xa hiện ra lúc mờ lúc rõ vì vẫn còn khá nhiều mây. Nhìn xuống thung lũng phía dưới rất đẹp khi mọi thứ long lanh và thanh thản trong nắng chiều.

Tuy nhiên khách sạn chưa phải là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất. Cách khách sạn 10 phút đi bộ có một quán cafe (không kịp nhớ tên!) có điểm ngắm khá ổn, còn cầu kỳ hơn thì đi xe tới Nagarkot Tower cách đó 5km để ngắm tốt hơn.

Mọi thứ sẽ khó diễn tả bằng lời khi chứng kiến những những tia nắng cuối ngày như rót xuống rừng thông, những ngôi nhà xinh xắn nép mình trên sườn đồi hay ven cánh rừng… Trong không gian trong lành đó, cảm nhận mọi thứ trôi đi nhẹ nhàng, chầm chậm, tinh khiết…

Nếu may mắn vào một ngày thời tiết đẹp, từ cửa sổ phòng ngủ khách sạn, bạn có thể ngắm bình minh trên dãy Himalaya vào sáng hôm sau. Tôi còn phải sống tốt hơn nữa mới có thêm được chút may mắn đó vì sáng nay, Nagarkot mưa nhẹ và toàn bộ dãy Himalaya nhoè đi trong mây mù vần vũ. Lại hy vọng vào một trải nghiệm khác, vào sáng sớm ngày hôm sau…

BAY TRÊN HY MÃ LẠP SƠN

Thamel chiều qua mưa rả rích. Thấy tình hình có vẻ không khả quan cho chuyến bay Everest Experience Flight vào sáng sớm mai, lúc 6.30 vì nếu thời tiết xấu, không ngắm được núi tuyết thì chuyến bay sẽ bị huỷ nên đã chủ động liên lạc với phòng vé Buddha Air hướng xử lý trong tình huống đó.

Cũng may buổi chiều cuối cùng chỉ dành cho lượn lờ những con phố nhỏ trong khu trung tâm, trái tim của Kathmandu và khám phá những khu chợ cóc như bên nhà mình nên những cơn mưa nhỏ không ảnh hưởng nhiều tới việc ngó nghiêng, trả giá và mua sắm.

Tận cho tới lúc quay về khách sạn, cũng gần 9h tối, mưa vẫn không có dấu hiệu ngưng rơi. Trong lòng chắc mẩm sáng mai chuyến bay chắc bị huỷ vì mây mù giăng khắp lối. Tuy nhiên, lòng vẫn không thôi cầu nguyện, kể cả trong giấc ngủ.

Thức dậy lúc 4.30 sáng. Không còn nghe tiếng mưa, lòng đã thấy khấp khởi. Vệ sinh cá nhân xong xuôi, trả phòng lúc 5.00 sáng để chuẩn bị ra sân bay. Mở cửa khách sạn bước ra ngoài, đường khô reng, ngước lên trời thấy nguyên một vầng trăng khuyết. Có trăng tức trời quang mây tạnh, có nghĩa là tầm nhìn sẽ tốt. Chưa bao giờ thấy yêu một mảnh trăng gầy cuối tháng đến vậy, một thứ không tròn trịa nhiều khi mang lại cảm xúc tràn đầy. Từ lúc đó trong đầu chỉ còn nghĩ tới Himalaya-Everest/Hy Mã Lạp Sơn-Chô Mô Lung Ma.

Sáng sớm nên không có kẹt xe, taxi ra sân bay rất nhanh, chỉ khoảng 15 phút và hết 700R (140k VND). Thủ tục nhanh chóng đơn giản, nhận được nụ cười tươi rói của nhân viên Buddha Air thông báo thời tiết thuận lợi, chuyến bay Mountain cất cánh đúng giờ. Nhìn ra phía ngoài sân bay, mặt trời đỏ ối và rạng rỡ lấp ló sau đám mây trắng. Hành lý mang theo được gửi lại quầy Buddha Air Office chứ không cần mang lên máy bay làm gì.

Chỉ có khoảng 6-8 chuyến bay khác nhau, của các hãng khác nhau đi ngắm Himalaya trong cùng một khung giờ 6.30-7.30 sáng, số ghế mỗi chuyến hạn chế 19 người nên phải book sớm. Buddha Air được đánh giá là máy bay mới hơn nên giá cao hơn các hãng còn lại. Giá trên mạng là 195$/người còn book qua travel agent rẻ được 5$.

Máy bay nhỏ, chỉ có 2 hàng ghế 2 bên để đảm bảo ai cũng có view cửa sổ. Duy nhất ghế 19 cuối cùng là phải ở giữa hai người. Để có view tốt nhất nên xin chỗ số 1,2 hoặc 8,9 chứ những chỗ còn lại thế nào cũng dính cánh và động cơ máy bay. Mình ngồi số 6, hơi vướng tí tẹo.

Sau khoảng 5 phút rời đường băng, máy bay xuyên qua đám mây để vượt hẳn lên trên tầng không. Tổ bay gồm 2 phi công và 1 tiếp viên. Mỗi hành khách được đưa một bản đồ Himalaya để so sánh và cảm nhận xem máy bay đang ngang qua ngọn núi nào. Càng lên cao, view càng rõ. Một điều không như ý là độ ẩm quá cao, hơi nước bám vào ô cửa sổ nên rất khó quay phim hay chụp hình từ chỗ ngồi. Tuy nhiên, đừng vội lo, tất cả hành khách sẽ được lần lượt mời lên buồng lái để ngắm view đẹp nhất, quay phim, chụp hình cảnh Himalaya và trò chuyện ngắn với phi công. Nếu biết cười duyên với tiếp viên, bạn có thể quay lại thêm lần nữa, riêng tôi, mần được 3 lần để ngắm trọn vẹn Hy Mã Lạp Sơn ở khoảng cách gần nhất… Năm ngoái khi ở Tibet, tôi đã vỡ oà khi ngắm Everest thật gần từ EBC, cũng vào một ngày trời đẹp. Năm nay, cảm giác ngắm Everest từ trên cao vẫn mang lại vẹn nguyên những gì háo hức trước sự kỳ vỹ của thiên nhiên nơi này.

Himalya nhìn từ cửa sổ máy bay

Một điều đặc biệt, nếu vào những hôm trời mưa hay mây mù, tổ bay phải bay lên thám thính trước để xem có nhìn rõ núi non hay không? Họ đợi cho bằng được thời tiết tốt hơn để đảm bảo quyền lợi khách hàng, nếu không, hoặc sẽ bay ngày hôm sau, hoặc hoàn lại tiền cho khách. Tôi là một trong những du khách may mắn nhất khi tới Nepal.

Everest Mount

Sau 45 phút bay xuôi và ngược để đảm bảo hành khách nào cũng có thể xem trọn vẹn dãy, máy bay giảm độ cao để hạ cánh. Trước khi ra khỏi sân bay, mỗi hành khách được phát một tấm giấy chứng nhận, ghi rõ “Tuy bạn không thể trèo lên đỉnh Everest nhưng bạn đã chạm nó với tất cả trái tim!”. Giá như Buddha Air chịu khó ghi tên hành khách và ngày giờ vào mảnh giấy thì có lẽ mọi thứ hoàn hảo hơn nữa! Vâng, đó là trải nghiệm một lần trong đời mà bất kỳ du khách nào tới Nepal cũng muốn được tận hưởng!

Ra khỏi sân bay chưa tới 8.00 sáng, di chuyển bộ sang sân bay quốc tế TIA để tiếp tục hành trình ở một miền đất mới… để lại sau lưng một Lumbini thấm đượm Phật giáo, một Kathmandu bụi bặm nhưng nhiều di sản, một Nagarkot yên bình thoáng đãng, và một Himalaya hùng vĩ đến nao lòng…

May 2018

KCT Travel

Một chàng trai người Sài Gòn ra Hà Nội lập nghiệp được hơn mười năm. Phượt là một trong những đam mê lúc nhàn rỗi và đã gặp nhiều khó khăn, thời gian lúc tìm thông tin. Với những trải nghiệm của bản thân và những người bạn, Hắn muốn gửi gắm chút kinh nghiệm cho những người cùng chí hướng qua website này.

View stories

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *