• Menu
  • Menu

TIBET – MỘT LẦN CHO MÃI MÃI

Nguồn: ThaiDzuy

CHẠM VÀO TÂY TẠNG

Điều hiển nhiên khỏi cần chứng minh, Tây Tạng – nóc nhà của thế giới – luôn thôi thúc hàng triệu người muốn một lần trong đời được đặt chân tới. Tây Tạng là lãnh thổ đặc biệt, xứ sở Phật giáo Kim Cương Thừa với những địa danh nổi tiếng với quá nhiều truyền thuyết, những câu chuyện hư ảo như vô tận qua nhiều thế kỷ.

Do tính nhạy cảm về chính trị nên để vào được Tây Tạng, bắt buộc bạn phải đi theo nhóm. Không những vậy, sau khi có visa Trung Quốc rồi, cũng không đồng nghĩa với việc bạn có thể đàng hoàng ra vào Tây Tạng, bởi còn phải cần một giấy phép đặc biệt nữa. Do đó, việc đầu tiên là phải tìm kiếm cơ hội có thể đi cùng nhau, và nên để tour du lịch chuyên Tây Tạng họ lo các thủ tục. Tài chính chỉ là một yếu tố nhỏ cho hành trình, quan trọng hơn cả là thể lực và sức chịu đựng trong những điều kiện hạn chế về sinh hoạt cũng như di chuyển.

Nhóm chúng tôi ban đầu có sự hăm hở của chừng 20 người trong khi giới hạn cho phép một nhóm chỉ được 16 người. Sau khi được cảnh báo về tình trạng sốc độ cao ở mức bình quân 4,000 mét thì một số thành viên có dính líu tới các vấn đề tim mạch xin tình nguyện ở nhà. Cuối cùng 14 con người quyết tâm tới Tây Tạng, tất cả đều là lần đầu tiên trong đời.Nhiều khi việc tìm hiểu quá kỹ một vấn đề nào đó khiến chúng ta bị hoang mang. Trên mạng vô vàn thông tin kinh nghiệm đi Tây Tạng, có nhiều cái cực hữu ích và bổ ích nhưng có những cái trớt quớt luôn. Chính vì vậy phải chắt lọc thông tin và tự lên kế hoạch cho bản thân.Đầu tiên là vấn đề sức khoẻ. Mối nguy lớn nhất là sốc độ cao, khó thở và thậm chí không thở nổi trong môi trường không khí cực loãng. Nếu bạn nào leo vài bậc cầu thang bộ đã thở dốc, hàng ngày không biết vận động là gì thì nên cân nhắc để đứng vào hàng hoặc chấp nhận bên lề xã hội. Như đã nói ở trên, những ai có tiền sử tim mạch phải hết sức thận trọng vì đã có rất nhiều ca cấp cứu tại Tây Tạng vì trường hợp sốc độ cao. Vì vậy an toàn và bền vững nhất là tập luyện. Bản thân là đứa hàng ngày lê la ở phòng tập nhưng trước khi khởi hành một tháng đã tự đưa ra chương trình luyện cardio (chạy trên máy, đạp máy) ít nhất 30 phút/ngày để cơ thể quen với tình trạng tim đập nhanh. Còn không thì chạy bộ hàng ngày cũng là giải pháp rất tốt. Việc di chuyển thì từ Việt Nam qua không có đường bay thẳng Lhasa nên thường quá cảnh ở hoặc là Chengdu (Thành Đô) hoặc là Kunming (Côn Minh) tuỳ vào lịch bay. Sau một hồi tính toán nhóm quyết định sử dụng toàn bộ dịch vụ của China Eastern Airlines (trong Skyteam nên còn cộng điểm) và qua ngả Kunming, sẽ mất một đêm ở Kunming. Từ Hanoi sang Kunming mất hơn tiếng còn từ Kunming đi Lhasa mất 3 tiếng. Tiếp theo là chuẩn bị các loại thuốc cho chuyến đi. Nói chung đủ các loại, từ thuốc kích thích não tăng thông khí cho tới các loại giảm đau hạ sốt, giảm phù nề, bù nước, tiêu chảy, nước muối xịt muỗi cho tới thuốc bổ… Cẩn thận vẫn hơn vì có quá nhiều trường hợp sốc độ cao rồi. Việc chuẩn bị quần áo lạnh để đi trong gió tuyết cũng nhiêu khê khi thời tiết Tây Tạng thay đổi khủng khiếp trong ngày, từ âm 5-10 độ cho tới 25 độ nên phải lo đủ đồ từ vừa đến dày, rồi găng tay mũ len… Thú thật chưa bao giờ đi chơi mà hoang mang như chuyến này, chuẩn bị kiểu gì cũng thấy thiếu thiếu…Rồi ngày khởi hành cũng đến. Hành trình Hanoi – Kunming nhạt nhẽo đến vô cảm, đã thế nhập cảnh ở sân bay Kunming lại lâu dã man, gần tiếng rưỡi mới chui ra khỏi sân bay. Trời cũng vừa tối lại kèm theo mưa se se lạnh. Nản luôn. Trưa hôm sau trước khi ra sân bay để lên Lhasa được vớt vát bởi bữa lẩu nấm ngon tuyệt, đặc sản của Kunming.

Từ trên cao nhìn xuống, hành trình Kunming – Lhasa thú vị vô cùng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những đám mây trắng như bông bay lơ lửng trên những dãy núi mà tuyết phủ trắng đỉnh núi. Phía xa tít dưới chân núi là lác đác các cụm nhà dân nằm ven các con sông rất đặc trưng cho vùng Tây Tạng. Rồi máy bay cũng nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Tây Tạng nằm gọn trong một thung lũng nơi có con sông lớn nhất Tây Tạng chảy qua, tên là Mother River. Lúc đó cũng gần 7h tối mà ánh nắng vẫn còn chói chang, trời sáng trưng. Hoá ra Tung Của áp dụng duy nhất một múi giờ cho cả quốc gia rộng lớn, chứ thực ra, Tây Tạng gần Nepal đến vậy thì nó phải ít nhất sau Việt Nam tận 2h đồng hồ. Bên ngoài trời trong xanh, nhiệt độ 25 độ C quá hoàn hảo. Do uống thuốc từ trước nên chỉ cảm nhận hơi thở hơi gấp gáp hơn một chút.

Thủ phủ Lhasa cách sân bay chừng 1 tiếng xe hơi. Gần 9h tối trời vẫn còn sáng lắm. Nằm ở độ cao 3,650 mét so với mặt nước biển, Lhasa hiện đại hơn trí tưởng tượng, nhiều khối nhà tầng, tuy không cao chọc trời vì vốn dĩ họ đã là nóc nhà thế giới, đường xá cực rộng, lại chủ yếu là ô tô nên khá quy củ và trật tự. Tây Tạng có ngôn ngữ riêng, giống tiếng Hindu của Ấn Độ nên các bảng hiệu thường đề song ngừ Tạng – Trung rất hay. Trên đường về khách sạn ghé ăn tối luôn. Sau khi nhận phòng, chỉ dám rửa mặt lau người rồi nghỉ ngơi vì lời khuyên cho tất cả du khách là tuyệt đối không được tắm và hoạt động mạnh trong ngày đầu tiên tới Tây Tạng.Và cuối cùng, giấc mơ đặt chân tới vùng đất linh thiêng và huyền bí đã thành sự thật!

LHASA – THÀNH PHỐ LINH THIÊNG

Không biết có phải do sự rèn luyện thể lực, sự hỗ trợ của thuốc, sự phò trợ của Bề Trên mà đêm qua mọi việc diễn ra với tôi rất ổn, không có triệu chứng của sốc độ cao, ngoại trừ giấc ngủ có chút chập chờn vì tiếng ồn ngoài đường và ánh đèn màu nhấp nháy của biển hiệu khách sạn. Qua những thông tin, những cuốn tiểu thuyết hoặc những ký sự về Tây Tạng, tôi được biết từ vài thế kỷ trước đã có hành trăm ngàn người mỗi năm bất chấp cả mưa bão, gió tuyết, bùn lầy băng đèo núi cả ngàn cây số để đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Đối với các tín đồ Phật giáo, Lhasa có một vị trí không thể thay thế trong tim họ. Tuy không phải là một Phật tử nhưng tôi cũng đã tự ý thức cho mình những điều nên làm khi ở Lhasa. Đó là việc tắm rửa sạch sẽ trước khi đi thăm bất kỳ một di tích, một thắng cảnh nào cho dù người hướng dẫn viên địa phương vẫn bảo toàn ý kiến, không nên tắm sau khi đến Tây Tạng, kể cả vào sáng hôm sau khi đã qua một đêm ngủ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, giữ thân thể mình sạch sẽ như bao người hành hương tắm gội cắt tóc trước khi vào diện kiến đức Phật, cũng là cách tỏ lòng tôn kính. Tuy có chút lo lắng thoảng qua, nhỡ đâu vừa tắm xong lại trúng gió thì sao. Lần đầu tiên, tôi vừa tắm vừa cầu nguyện… Và không hiểu vô tình hay cố ý mà bữa sáng tại khách sạn phục vụ toàn đồ chay, tôi lại nghĩ đó cũng là cái duyên…Vì sao Lhasa lại linh thiêng đến vậy? Phải chăng nó tự khoác lên mình danh xưng đó hay bản thân nó chứa đựng những điều đặc biệt mà các tín đồ Phật giáo từ đời này qua đời khác không lung lay niềm tin đó. Thời gian có hạn chứ không như Heinrich Harrer, một vận động viên leo núi người Áo đã có đến 7 năm sống trên đất Tây Tạng, nên tôi chỉ có thể theo chân người bản địa đưa tới những nơi đặc sắc nhất tại Lhasa.

DREPUNG – TU VIỆN LỚN NHẤT

Sau khi rời khách sạn, điểm đến đầu tiên là Tu viện Drepung. Tu viện này nằm trọn trên ngọn núi Gebeiwoze hùng vĩ và rộng mênh mông, người địa phương gọi là “đụn gạo”, với hàm ý vùng đất an lành, mang lại sự no đủ cho người Tạng. Tu viện Drepung được xây dựng từ năm 1416 bởi một môn đệ của Đại sư Tsongkhapa (Tống Khách Ba – người sáng lập ra trường phái Phật giáo Kim Cương Thừa mà tồn tại cho đến ngày nay như một tôn giáo chính thức và lớn nhất Tây Tạng.

Trước khi vào thăm quan, như nhiều người hành hương khác, tôi dừng lại phía sau cổng soát vé để mua một bó lá đỗ quyên với mong muốn khói của nó sau khi được đốt sẽ chuyển những lời thỉnh cầu lên các đức Phật. Những chiếc luân xa bằng đồng có ở khắp nơi trên đường đi lên những khu chính của tu viện, cái thì chạy bằng sức người, cái thì chạy bằng sức nước. Hãy cầu nguyện như người Tây Tạng đích thực bằng việc chạm tay vào đáy luân xa và quay theo chiều kim đồng hồ.

Ở Tây Tạng, Drepung là tu viện linh thiêng bậc nhất bởi lẽ nó là nơi tu học của hầu hết các vị Dalai Lama của xứ này. Tu viện này cũng là nơi hơn 10,000 tu sỹ Tây Tạng học tập. Tu viện được xây uốn lượn trên các sườn núi với diện tích trải dài lên tới 200 ngàn mét vuông nên nếu tham quan hết chắc cũng phải mấy ngày. Khắp nơi trưng bày các loại tượng Phật ở các triều đại khác nhau, thực tế cũng có mà hư cấu cũng có nên với vốn kiến thức Phật giáo hạn hẹp thì không tài nào hiểu nổi chỉ trong một lần tới đây. Nơi đây những điểm chính nên ghé thăm là đại sảnh, nơi có nhiều tượng Phật lớn và cũng là nơi hàng trăm các tu sĩ chung một màu áo choàng đỏ thẫm ngồi tụng kinh dưới ánh sáng có phần khiêm tốn trong không gian chật chội những cột là cột. Ngoài ra, các khu vực khác còn có nơi ở và làm việc của các vị Dalai Lama khi còn học trong tu viện cũng rất nhỏ bé, khiêm tốn và linh thiêng. Nếu yêu hội hoạ thì những bức tranh Thangka sẽ làm thoả mãn bởi những màu sắc hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên đều không phai màu sau 3-4 thế kỷ. Ngoài ra Drepung còn là nơi cất giữ lăng mộ của Dalai Lama thứ 2,3 và 4 của Tây Tạng.

Trên đường đi từ khu này qua khu khác cũng rất dễ bắt gặp những bức điêu khắc rất lớn trên sườn núi… Chỉ tiếc một chút vào buổi sáng, trời Lhasa còn nhiều mây (vì trong ngày có 4 mùa) nên những bức tranh này chưa được lung linh cho lắm, nếu không, nó sẽ tuyệt đẹp trong ánh nắng rực rỡ của mùa hè…

CUNG ĐIỆN POTALA – KỲ QUAN THẾ GIỚI

Điểm đến thứ hai và cũng là điểm quan trọng nhất mà bất cứ ai khi tới Lhasa đều muốn đến cho bằng được đó là Cung điện Potala. Nó nổi tiếng nhất Tây Tạng và được coi là kỳ quan kiến trúc của thế giới nên UNESCO đã công nhận là một di sản thế giới. Không phải muốn vào thăm Potala giờ nào cũng được mà tuỳ thuộc vào các hoạt động trong ngày mà các nhà chức trách mới cho du khách ghé thăm vào khung giờ nhất định. Ví dụ như hôm nay, chúng tôi được phép thăm từ 14.10 nên ngay từ 13.30 đã phải có mặt tại quảng trường phía trước cung điện để tranh thủ chụp hình. Lúc này, bầu trời Lhasa còn rất nhiều mây, lại lác đác một vài hạt mưa nhỏ nên lòng tôi không thể không lo lắng bởi đi chơi sợ nhất gặp mưa. Lại lầm rầm cầu nguyện như một thói quen trong mỗi chuyến đi, hết lắc rắc mưa và mặt trời bắt đầu ló ra sau những đám mây. Tranh thủ chụp hình trước khi vào cửa kiểm tra an ninh, cũng nghiêm ngặt y như các chuyến bay quốc tế vậy, không cho mang các loại mỹ phẩm và chất lỏng, bật lửa…

Ngay khi qua cửa an ninh thì trời hừng hực nắng, mây tan đi rất nhanh trả lại nền trời xanh ngát trong veo cho Potala. Đây mới đúng là thời điểm mùa hè trong ngày. Potala lấy lại sự kiêu hãnh vốn có của nó…

Ấn tượng đầu tiên là kiến trúc. Tiền thân của Potala là một cung điện nhỏ dưới sự trị vì của vua Songtsan Gambo (Tùng Tán Cán Bố) thế kỷ thứ 7. Sau đó đến đời Dalai Lama thứ 5 đã cho xây dựng lại ở Thế kỷ 17. Việc xây dựng cung điện này cũng có nhiều biến cố, khi đang xây dựng dở dang, Dalai Lama 5 lâm trọng bệnh. Biết trước rằng nếu ông mất, công trình có thể vĩnh viễn không hoàn thành. Chính vì vậy ông đã bàn bạc với một vị Lama thân cận nhất của ông tìm người đóng thế ông sau khi ông mất và giữ bí mật này để việc xây dựng cung điện được diễn ra bình thường. Mười hai năm sau, Potala hoàn thành và khi đó toàn thể dân Tây Tạng mới biết vị Dalai Lama 5 đã băng hà từ trước đó. Vì những công lớn như vậy nên trong lịch sử Tây Tạng, Dalai Lama 5 được ghi nhận công lao lớn nhất. Toàn bộ cung điện trải dài trên ngọn núi thấp, với chiều cao 117 m với 13 tầng tất cả. Cung điện có hai khối chính Bạch cung dành cho các hoạt động chính trị, Hồng cung dành cho tôn giáo nơi các vị Dalai Lama và Lama sinh hoạt. Còn lại khu nhà nhỏ màu vàng thì dành làm nơi học tập.

Điều đáng ngạc nhiên là cách đây cả 4 thế kỷ nên nguyên vật liệu xây dựng chỉ là đá, gỗ, bùn, đất… mà dựng nên cả 13 tầng uy nghi với hàng nghìn phòng trường tồn cho tới ngày hôm nay. Tôi đã từng kinh ngạc trước công trình Angkor Wat, từng trầm trồ không hiểu nổi hoàng cung được xây dựng trên Lion Rock, Sigiriya của Sri Lanka và giờ đây lại một lần ngả mũ bái phục các bậc tiền nhân Tây Tạng. Điều thú vị là các bức tường của cung điện được kết hợp bởi hai nguyên liệu, đá bên trong và vô vàn thân bụi cây thánh liễu lèn chặt vào nhau và sơn màu nâu đỏ. Chính những thân thánh liễu này còn làm nhiệm vụ chống sét cho cung điện, mà chưa hiểu cơ chế vật lý nào ở đây. Nền các sàn nhà được làm bằng đất và đá được nện rất chặt, không biết có pha trộn thêm nguyên liệu nào không mà rất chắc và không thấm nước, mùa đông ấm, mùa hè mát. Công việc nện đất và đá này chủ yếu lại do phụ nữ làm. Tất nhiên dưới mỗi sàn đất đá này đều có các xà gỗ bên dưới đỡ, mới có thể chịu đựng được lực rất lớn bên trên.Leo hết 13 tầng của cung điện dưới ánh nắng chói chang ở độ cao gần 3,700 mét quả là không dễ dàng chút nào. Đúng như một nhà văn nào đó đã nói, ở Tây Tạng, chỉ hít thở thôi cũng là một thử thách. Tuy nhiên, với một lòng tôn kính Phật, mọi người đều động viên nhau leo hết bậc thềm này tới tầng lầu khác và không ai bỏ cuộc. Có thể nói mỗi một căn phòng nơi đây là một viện bảo tàng thu nhỏ về lịch sử Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo và văn hoá Phật giáo. Trong cuốn tự truyện của mình, bà Niema Ash đã dành ra cả tháng trời chỉ để tìm hiểu từng căn phòng ở Potala thôi đó. Có một chi tiết buồn cười theo thói quen lâu nay, khi niệm Phật tôi luôn “Nam Mô A Di Đà Phật” nhưng ở Tây Tạng nói chung hay Lhasa nói riêng thì phải chuyển sang câu niệm chú “Om mani padme hum” mới phải. Đi một ngày đàng cũng lọt xuống sàng được tí cập nhật.

Một cơ hội hiếm có là chúng tôi được bái vọng trước lăng mộ của 8 đức Dalai Lama, bao gồm các vị 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13. Đức Dalai Lama thứ 6 có cuộc sống khác biệt nhất (ban ngày ở Potala nhưng đêm xuống là ông lượn về khu Bakhor để đàm đạo thơ phú với người đẹp), và không hiểu sao không tìm thấy xác ông sau khi ông mất. Còn đức Dalai Lama 14 thì hiện đang sống lưu vong bên Ấn Độ từ 1959 và rất có thể ông là vị Dalai Lama cuối cùng của xứ sở huyền bí này. Ở Tây Tạng, Dalai Lama không do chính quyền hay dân bầu như các thể chế chính trị khác mà được đầu thai từ đời Dalai Lama này qua đời sau để có Dalai Lama cho đời kế tiếp để trở thành vị lãnh tụ tinh thần cho dân tộc Tây Tạng. Nghe đồn, đức Dalai Lama nói ông sẽ không đầu thai nữa… Mộ của đức Dalai Lama 5, do có công lớn nhất nên nó cũng hoành tráng bề thế nhất và được đúc bởi 3,721 kg vàng. Đã thế còn được gắn rất nhiều ngọc quý, trong đó có một viên bạch ngọc, tương truyền viên này được lấy ra từ não của một con voi đặc biệt!Sau khi qua hết lăng mộ của 8 đức Dalai Lama kể trên được đặt ở vị trí tầng khá cao, hình như tầng 12 (?), chúng tôi được đưa tới một căn phòng đặc biệt, nơi mọi người gửi lại chiếc khăn trắng mà những ai quàng vào cổ từ khi vào cổng, cùng với những lời cầu nguyện. Như mọi người dân Tây Tạng, tôi chỉ cầu sức khoẻ, bình an, hạnh phúc và may mắn đến cho gia đình, người thân, và những bạn bè gần gũi…Lững thững qua hết những gian phòng chính, quan trọng nhất của Cung điện, tôi thấy mình trở nên vô cùng bé nhỏ trước những gì tiền nhân để lại cho Tây Tạng nói riêng và thế giới Phật pháp nói chung. Ước mơ một đời đặt chân trên từng bậc đá, được chạm vào từng cột gỗ, được thành kính trước những tượng Phật nhân từ, những đức Dalai Lama trí đức như trời biển đã thành hiện thực. Sẽ trọn vẹn hơn nếu không phải chứng kiến hàng núi tiền lẻ được tuỳ tiện gắn xếp xung quanh các bức tượng, bức tranh trong các tu viện hay cung điện. Tôi nghĩ đây là điểm trừ đáng tiếc của Tây Tạng…

JOKHANG – ĐẠI CHIÊU TỰ

Trong cái nắng gay gắt của buồi chiều Lhasa, chúng tôi quyết định thưởng thức món đồ uống trứ danh Trà Bơ (Butter Tea), một trong những “quốc trà” của Tây Tạng, bên cạnh trà sữa. Nó đơn giản chỉ là trà bình thường được cho thêm bơ từ con bò Yak, giống bò Tây Tạng. Loại bơ này có phẩm cấp cao hơn loại bơ dùng để thắp sáng trong tất cả các tu viện, đền chùa hay cung điện tại Tây Tạng vì ở đây người ta không dùng nến tuy đều chung nguồn gốc từ bò Yak. Trà Bơ màu đục đục, mùi ngái ngái ngây ngây, sẽ gây khó cho đa phần những người lần đầu tiên thưởng thức. Nó thực sự hữu ích với người dân Tây Tạng vì cung cấp lượng năng lượng khá cao, giúp người dân giữ ấm và di chuyển tốt trong điều kiện khắc nghiệt của Tây Tạng. Để tỏ lòng hiếu khách, đa phần nhóm chúng tôi uống được 2/3 ly trà to vật vã nóng hổi với giá 10 tệ/ly. Sau khi nạp năng lượng như người Tạng, chúng tôi “hành hương” qua điểm tiếp theo…Điểm hành hương quan trọng với người dân Tây Tạng nói riêng và các tín đồ Phật giáo trên thế giới nói chung là Chùa Jokhang – Đại Chiêu Tự. Cứ nhìn từng đoàn người hành hương cứ nhất bộ nhất bái hoặc tam bộ nhất bái từ khắp các nẻo đường nườm nượp đổ về Đại Chiêu Tự thì đủ biết nó linh thiêng nhường nào. Jokhang được xây dựng vào thế kỷ 7 dưới sự trị vì của vua Tùng Tán Cán Bố, thời điểm đức vua muốn đẩy mạnh thực hành Phật pháp ở Tây Tạng.

Toạ lạc tại khu vực Barkhor sầm uất, chùa Jokhang được xây dựng và thờ cúng theo xu hướng Phật giáo Mật Tông, một nhánh của Phật giáo Kim Cương Thừa. Ban đầu Đại Chiêu Tự thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni do công chúa Xích Tôn (người vợ Nepal của Tùng Cát Cán Bố) đem sang Tây Tạng khi được gả làm vợ vua, còn bức tượng Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng do công chúa Văn Thành (cháu gái của Đường Thái Tông) mang từ Trung Quốc sang khi được gả cho Tùng Tán Cán Bố lại được thờ ở một ngôi chùa khác. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá, bức tượng Phật do công chúa Xích Tôn mamg sang bị phá huỷ, chính vì thế, bức tượng Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng được chuyển về Đại Chiêu Tự.

Ngoài bức tượng Phật trứ danh hiếm có nói trên, Đại Chiêu Tự còn thờ hàng ngàn bức tượng Phật lớn nhỏ khác như Địa Tạng Vương Phổ Thồn, vị Đại sư Tông Khách Ba lẫy lừng… Ngoài ra tương truyền toàn bộ tượng khắc gỗ ở tầng trệt, tầng 2 và trên nóc chùa đều do Tùng Cát Cán Bố lúc sinh thời thực hiện vào thế kỷ thứ 7. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được chiếc đôn đá mà công chúa Văn Thành thường ngồi. Những vật dụng này được coi như báu vật của Tây Tạng. Trong Đại Chiêu Tự vẫn còn duy trì hoạt động tranh luận (debate) hàng tuần giữa các nhà sư về các vấn đề của Phật pháp. Có thể là nhóm 3 nhà sư gồm một trọng tài và hai người còn lại sẽ đưa ra câu hỏi và người kia phân tích trả lời. Hoặc có thể chỉ có hai người hỏi và đáp mà không cần trọng tài. Không gian buổi tranh luận thật vui và nghiêm túc, không hề diễn bởi tầng lớp sư sãi ở Tây Tạng gần như tuyệt đối chuyên tâm với Phật pháp như là lẽ sống của họ vậy. Người dân Lhasa còn lưu truyền, trước có Đại Chiêu sau mới có thành Lhasa để thấy vai trò lịch sử của ngôi chùa này đối với sự phát triển của Lhasa nói riêng và tín ngưỡng của các Phật tử Tây Tạng.Khu phố sầm uất Barkhor dài chừng 400m bao quanh Đại Chiêu Tự với rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đá quý nhưng đa phần là hàng Tàu khựa. Ngay góc phố có một cửa hàng rất đẹp, tên Maykye Ame, tiếng Anh nghĩa là Pretty Woman – Người Đàn Bà Đẹp – nơi mà sinh thời, đức Dalai Lama 6 hàng đêm vẫn xuống đàm đạo văn chương thơ phú với nàng.

Tất cả dường như đã thấm mệt với việc 11 tiếng đi bộ suốt từ sáng cho quãng đường tổng cộng 12kms khiến cho những bước chân cuối ngày trở nên nặng nề. Không ai còn hứng thú mua sắm nữa…

TU VIỆN SERA

Đêm qua tính lượn một chút để trải nghiệm Lhasa by night mà ăn tối xong trễ quá, lại gặp cơn mưa rào bất chợt trên cao nguyên nên cũng phải dè chừng, dừng cái ham muốn đó ngay. Trong đoàn một số bạn sức khoẻ không được tốt. 14 bạn thì có 11 bạn chịu khó nghe lời “lang băm” uống thuốc chống sốc độ cao Acetazolamide 250mg ngày 1v để tăng thông khí, tăng oxygen lên não, 2 bạn uống Hồng Cảnh Thiên của China, 1 bạn đi quá nhiều đã từng leo núi cao Nam Mỹ nên không cần thuốc gì. Kết quả hai bạn Hồng Cảnh Thiên đau đầu, một bạn trong đêm phải gọi bác sỹ tới cấp cứu cho thở oxygen gấp vì nồng độ trong máu tụt thảm. Chị lớn tuổi nhất đoàn có vẻ ít vận động nhất thì cũng dính chưởng khật khừ, được bác sỹ hỏi thăm. Bạn không dùng thuốc thì đau đầu dữ dội dưới ánh nắng chát chúa của Lhasa nhưng may về uống Paracetamol+Cafein thì ổn. Bạn còn lại hoang mang giữa dòng, bị dư luận vùi dập nên quay sang uống Acetazolamid 250mg thế rồi cũng ổn. Lại tiếp tục hành hương…

Sera là một trong những tu viện lớn ở Lhasa cũng như Tây Tạng. Sở dĩ nó được biết đến gần đây nhiều hơn cũng vì những biến cố lịch sử. Theo người dân Tây Tạng, trước đây tu viện Drepung là nổi tiếng và đông đúc nhất nhưng về sau tu viện này phần nào bị ảnh hưởng bởi chính trị nên tu sĩ dần dần chuyển sang Sera để tu. Có thể nói tu viện Sera được giới tu hành bình dân ưa chuộng. Về lịch sử hình thành, tu viện Sira như một người em của tu viện Drepung nói trên vì người xây dựng Sira là Thích ca Dã Hiệp (Jamchen Choije Shakya Yesh) cũng là một đại môn đệ được yêu thích của Tsongkhapa (Tống Khách Ba). Tu viện Sera được xây dựng vào năm 1419, chỉ sau 3 năm so với thời điểm xây Drepung. Quy mô của người em này tất nhiên nhỏ hơn, với diện tích chỉ là 114,964 mét vuông. Nó cũng hãnh diện là tu viện lớn thứ 2 ở Tây Tạng.Thích ca Dã Hiệp là một nhân vật rất nổi tiếng trong cộng đồng Phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa. Ông đã từng được hoàng đế Trung Hoa mời sang làm cố vấn thay mặt cho Đại sư Tông Khách Ba rồi sau đó trở thành người truyền bá Phật pháp rộng rãi khắp Trung Hoa. Chính vì những công lao đó mà khi quay về Lhasa, ông được Hoàng đế Minh Thành Tổ tặng nhiều vật phẩm quý báu như bộ kinh Tangyur và tượng của 18 vị La Hán cùng với tượng Phật bằng gỗ đàn hương… những báu vật này hiện vẫn còn lưu giữ tại Sera.Một trong những bức tượng được thờ tại đây là Thần Hộ Pháp Phật Mã Thủ (Horse Head Protecting Budda). Phật giáo Tây Tạng rất hay thờ các thần hộ pháp mang ý nghĩa bảo vệ cho sư sãi, cho người dân. Truyền thuyết kể lại rằng khi xây tu viện này, Thích ca Dã Hiệp nửa đêm nghe tiếng hú của một bầy ngựa bay về Trời nên ông quyết định thờ thần này. Không biết còn truyền thuyết nào khác nữa không?Trong tu viện có những bức tượng song thân Phật, gồm tượng một Phật nam lớn và tượng Phật nữ nhỏ như kiểu đang được người nam bồng trên tay. Thoạt nhìn, mọi người đều lầm tưởng và diễn giải theo suy nghĩ trần tục rằng, người tu hành không bị cám dỗ bởi nhục dục. Nhưng thực ra hoàn toàn không phải thế, người Nam tượng trưng cho phần Trí Tuệ (Widsom), người Nữ tượng trưng cho Từ Bi (Kind-Hearted). Có nghĩa là trong một con người luôn có Trí Tuệ và Từ Bi Bác Ái, như một sự cân bằng âm dương. Phật pháp luôn muốn con người dù khôn ngoan tài giỏi đến đâu cũng cần sống thiện, sống tử tế!

Đằng sau tu viện có rất nhiều khối đá lớn giống như tám biểu tượng cát tường của Phật giáo. Nơi đó hiện nay được làm nơi thực hiện nghi lễ Thiên Táng, ở đó con người chết đi sẽ được băm nhỏ xác gồm cả xương và thịt cho bầy kền kền và quạ ăn. Quan niệm của người Tây Tạng, khi không giữ được linh hồn nữa thì thân xác chẳng để làm gì. Cách nhanh nhất được về với Trời là để lũ chim kia mang lên. Trước đây người nước ngoài được xem nghi lễ này nhưng về sau chính quyền Tây Tạng đã cấm. (Đọc thêm các tác phẩm Thiên Táng, Đến Với Tây Tạng, Vùng Đất Thiêng Tây Tạng… để biết sự thật địa táng, hoả táng, thiên táng, thuỷ táng… còn duy trì cho đến tận hôm nay, thế kỷ 21!)Trong các đại tu viện ở Lhasa thì Sera ở gần Cung điện Potala nhất, đứng ở sân sảnh chính của Sera cũng đã thấy Potala trắng đỏ dưới nền trời xanh ngát của xứ này.

NORBULINGKA – CUNG ĐIỆN MÙA HÈ

Thoạt nghe, cái tên Norbulingka có nghĩa là khu vườn bé nhỏ sẽ làm cho du khách những cảm nhận chủ quan, có gì đâu mà phải ghé thăm. Trên thực tế, nó lại là một quần thể cung điện mùa hè rộng tới 36 héc ta, là nơi ở và làm việc của các Dalai Lama trong mùa hè, kéo dài từ tháng Tư tới tháng Mười hàng năm.Dưới thời Dalai Lama thứ 7, cung điện đầu tiên Takten Migyur Podrang được xây dựng vào năm 1755 và hoàn thành sau 28 năm với sự hỗ trợ tài chính từ vương triều nhà Thanh Tung Của. Các đời Dalai Lama thứ 7,8,9,10,11,12 đều đã sử dụng cung điện này trong suốt thời gian trị vì của mình.

Cho mãi tới năm 1922, cung điện mới được mở rộng bằng việc xây thêm Chensel Palace cho đức Dalai Lama 13. Cung điện này trở thành nơi ở và làm việc của Dalai Lama 13 và sau này là Dalai Lama 14. Cho tới năm 1954, Dalai Lama 14 mới cho xây dựng Dadan Mingur Palace, còn được gọi là Cung điện Mới, hoàn thành năm 1956. Cung điện này hiện đại nhất có hai tầng với các lối đi và cầu thang rộng rãi, có phòng nghe nhạc, bồn tắm hiện đại… Tuy nhiên, việc xây dựng cung điện này vẫn sử dụng những nguyên liệu từ ngàn xưa như nền và sàn vẫn làm từ hoàng thổ và đá nện chặt để đảm bảo mát mẻ mùa hè ấm áp mùa đông.

Trong các cung điện vẫn thờ các tượng Phật, trưng bày những bức tranh Thangka, thảm Tây Tạng… Bên ngoài khuôn viên cung điện có những vườn hoa khá đẹp. Cùng với các cung điện, các khu vườn đã tạo nên Norbulingka như một Vườn bách thảo trên cao nguyên Tây Tạng. Thực ra so với các vườn bách thảo khác trên thế giới thì độ đẹp và tươi mát nơi này khó mà so sánh được, tuy nhiên, như đã nói, người Tây Tạng rất tôn kính các đức Dalai Lama nên bất cứ những gì liên quan tới các ngài đều trở nên linh thiêng. Lưu ý để có thể đi thăm hết các cung điện chính trong quần thể này, chúng ta nên lên xe điện với giá 20 tệ/người. Lhasa đã tạm lùi lại phía sau lưng, nhóm chúng tôi đi theo con đường 318 dài hơn 5,000 mét kéo dài từ Thượng Hải cho tới Nepal, trở thành con đường dài nhất và cao nhất thế giới để di chuyển về Shigatse, thành phố lớn thứ 2 của Tây Tạng với 600,000 dân để đến gần hơn với đỉnh Everest. Quãng đường khoảng 300km nhưng sẽ phải mất tới 6 tiếng mới tới nơi. Tây Tạng là lãnh thổ rất rộng lớn, hơn 1,2 triệu km vuông nhưng dân số chỉ có khoảng 3 triệu người. Toàn Tây Tạng chỉ có 7 thành phố thị trấn lớn nhỏ còn lại dân cư sống du mục rải rác khắp cao nguyên rộng lớn. Shigatse cũng khá sầm uất, nằm ở độ cao 3,800 mét nên cũng không có tác động lớn nào đối với sức khoẻ so với Lhasa, tuy nhiên nguyên tắc sống còn vẫn là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên để đảm bảo sức lực cho những hành trình dài sắp tới. Những thú vị nhất của Shigatse sẽ chào đón vào ngày hôm sau…

TU VIỆN TASHI LHUNPO –
THẾ GIỚI BAN THIỀN LẠT MA

Nếu như Lhasa là thành phố của các Đạt Lai Lạt Ma (Dala Lama) thì Shigatse lại là thành phố của những Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama). Vai trò của các Ban Thiền Lạt Ma rất quan trọng trong sự phát triển của Tây Tạng bởi chính họ là những người thầy trong các tu viện, là thầy của các Đạt Lai Lạt Ma lúc còn nhỏ và đồng thời cũng là những người chịu trách nhiệm tìm kiếm các đức Đạt Lai được đầu thai trong nhân gian. Giữa hai đời Đạt Lai Lạt Ma thường có một khoảng trống nên thời gian đó việc cai quản đất đước sẽ do Ban Thiền Lạt Ma phụ trách. Cho đến nay, Tây Tạng có 11 vị Ban Thiền Lạt Ma, trong đó vị thứ 11 còn rất trẻ mới 27 tuổi và đang theo học tại Bắc Kinh nên vẫn đi về giữa hai thành phố.Khi các Đạt Lai và Ban Thiền viên tịch, sự khác biệt lớn nhất chính là lăng tháp của Dalai Lama được làm bằng vàng, còn lăng tháp Panchen Lama được làm bằng bạc bởi trong Phật giáo Tây Tạng, các đức Dalai Lama có phẩm cấp cao nhất.

Tashi Lhunpo là một trong sáu tu viện lớn nhất trường phái Gelugpa (Cách Lỗ) của Phật giáo Tây Tạng. Được xây dựng vào năm 1447 bởi Dalai Lama thứ nhất, vừa là cháu vừa là đại đồ đệ thân tín nhất của đại sư Tsongkapa (Tống Khách Ba) và Dalai Lama thứ nhất. Trải dài trên diện tích 700,000 mét vuông trên đỉnh đồi Drolmari thuộc dãy Tara, Tashi Lhunpo là điểm bắt buộc phải tới khi hành hương về Shigatse với hơn 1000 phòng và hơn 100 điện thờ. Sau khi hoàn thành, Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) thứ 4 được mời về đây làm trụ trì. Không có cách nào đi hết các điện thờ trong một thời gian ngắn nên chỉ có thể ghé những nơi quan trọng nhất trong quần thể kiến trúc đẹp vô cùng, chủ quan mà nói, chỉ sau cung điện Potala.Đầu tiên phải tới Maitreya Temple, là nơi quan trọng và thiêng liêng nhất tu viện. Trước đền có treo cái chuông nhỏ để bất kỳ ai cũng có thể rung chuông cầu nguyện. Đây là nơi thờ tự bức tượng Đức Phật Di Lặc đồng mạ vàng lớn nhất thế giới được đúc vào năm 1914 bởi Ban Thiền Lạt Ma đời 9. Tính cả đế, tượng cao gần 30 mét được đúc hoàn toàn bằng thủ công bởi gần ngàn thợ trong 9 năm từ 230 tấn đồng và mạ bằng gần 280kg vàng. Tượng hiền từ và đẹp vô cùng, theo chân khách hành hương đi một vòng quanh chân tượng Đức Phật Di Lặc và cầu bình an. Tiếc là không được phép chụp hình trong các điện thờ.

Tiếp theo là Kundun Lhakhang, lăng tháp của vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 4, người đầu tiên trụ trì tu viện này đồng thời cũng là thầy dạy của Đức Dalai Lama đời thứ 5 lừng lẫy. Ông là người có cống hiến lớn nhất trong trường phái Cách Lỗ nên sau khi ông viên tịch (93 tuổi – rất thọ), người ta dựng tháp rất trang trọng vào giữa thế kỷ 17. Tượng ông trên đầu có mũ gồm 5 cánh tượng trưng cho sự thống nhất của 5 trường phái Phật giáo. Ngoài ra tháp còn được trang trí hơn 7,000 viên đá quý. Đây là lăng tháp cổ nhất trong tu viện. Bên ngoài đền có bức tranh cổ nhất, trong Cách mạng Văn hoá 1949, bức tranh đã bị cộng sản TQ xoá đi gần hết và viết đè lên chữ Mao Trạch Đông vĩ đại. Cũng may trong thời kỳ này lăng tháp của ông không bị phá huỷ.

Tiếp theo là lăng tháp Sisum Namgyel, nơi thờ tượng và đặt nhục thân của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Ông được coi là người có công nhiều nhất nhưng cũng có những vấn đề nhạy cảm về chính trị mà người dân Tây Tạng rất e dè khi nhắc tới. Sau khi Dalai Lama 14 lưu vong, ông được coi là người nắm quyền hành ở Tây Tạng. Ông viên tịch khi ông mới 51 tuổi, tài liệu chính thống ghi ông bị nhồi máu cơ tim nhưng có nguồn tin ông bị đầu độc. Lăng tháp của ông được chính quyền xây dựng năm 1990 và hoàn thành năm 1993. Khác với các vị Ban Thiền Lạt Ma khác, lăng tháp ông được mạ vàng giống như lăng tháp của các đức Dalai Lama. Người ta kể lại, trong quá trình ướp xác ông ba năm trước khi đưa vào tháp, điều kỳ lạ là tóc và móng của ông vẫn mọc. Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân chứng kiến sự kỳ diệu này. Tiếp theo là khu tổ hợp xá lợi của các Ban Thiền Lạt Ma khác. Tại sao gọi là xá lợi mà không phải là nhục thân? Trong CMVH TQ, toàn bộ lăng tháp của các Ban Thiền từ đời 5 đến 9 bị đập phá và nhục thân các ngài bị vứt xuống sông. Người dân mộ đạo dưới sự hướng dẫn của Ban Thiền Lạt Ma 10 đã đi vớt xương của các Ban Thiền Lạt Ma kia và gom lại đưa vào thờ tự tại lăng tháp chung này vào năm 1989. Sau vụ này, Ban Thiền Lạt Ma 10 cũng viên tịch.

Cuối cùng là Phòng đọc kinh (Assembly Hall) và điện Kelsang có thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – là điện được xây đầu tiên. Lưu ý trong khu vực này có một lối đi giống như phải khom lưng chui dưới gầm bàn, với ý nghĩa trừ tà và tăng trí tuệ.

Trong tu viện có rất nhiều các bức tường với vô số những bức vẽ thủ ấn của Mật Tông. Ngoài ra, các lối đi trong cung điện đẹp và độc đáo vô cùng, rất phù hợp cho những tín đồ mê chụp hình…

EVEREST CLOSE-UP – GIẤC MƠ CÓ THẬT

Từ bé đã luôn đặt ra câu hỏi không biết bao giờ mới được tận mắt nhìn thấy đỉnh Everest kiêu hùng, cái thời mà sách giáo khoa cứ bắt gọi là Chô Mô Lung Ma í… Nói ra có người động viên, sao không mơ chinh phục ngọn núi đó luôn đi, chứ nhìn nó thì có gì phải ước! Mỗi người một số phận nên giấc mơ cũng sẽ khác, có điều tận hưởng giấc mơ ấy như thế nào.Sau khoảng 6 tiếng rời Shigatse men theo con đường 318 trứ danh, chúng tôi đến thị trấn Old Tingri, nằm ở độ cao 4300 mét. Nơi này cách điểm tham quan sáng mai Everest Base Camp (Điểm cắm trại cho các đoàn leo núi Everest) chừng 100km. Lúc này độ cao chênh lệch thấy rõ so với Shigatse, lại trải qua nhiều đoạn đường đang sửa chữa nên ai nấy đều khá oải, đa phần không có cảm giác thèm ăn, chỉ muốn nhăm nhăm về ngủ. Khách sạn Qo Mo Lang Ma tốt nhất thị trấn Tingri. Ít nhất là chúng tôi được ở trong một khách sạn khá đầy đủ, có bồn tắm, nước nóng và điều hoà nóng chứ không như một số nhà nghỉ khác phải xài toilet chung, nửa đêm đi bộ giữa tiết trời lạnh cóng đi toilet thì quả là một cực hình. Thị trấn bé xíu và bụi bặm nên cũng chẳng có gì để khám phá, tất cả thu xếp đi ngủ sớm để sáng mai khởi hành lúc 5.30 sáng.Một điểm cần lưu ý, muốn đi vào khu vực Everest thì bắt buộc phải có giấy phép của chính quyền dựa trên Giấy Thông Hành vào Tibet của khách. Việc này phải làm trước một ngày và tất nhiên, bạn HDV nội địa đã lo việc này vào sáng hôm trước ở Shigatse. Qua một đêm, hầu hết mọi người có phần lại sức và tương đối quen dần với cao độ trên 4,000 mét. Duy chỉ có một thành viên là vẫn có biểu hiện mệt mỏi nhức đầu chán ăn, có lẽ bị ảnh hưởng nặng nhất của sốc độ cao. Còn lại tất thảy đều háo hức và cầu nguyện cho giấc mơ trong đời được nhìn thấy Everest ở cự ly gần nhất được diễn ra suôn sẻ trong điều kiện thời tiết đẹp.Hơn 5.30 ra khỏi khách sạn, trời vẫn còn tối thui (vì thực ra nó xứng đáng là 3.30 sáng mới phải do chính sách múi giờ cứng nhắc của Tàu Khựa). Không mưa là đã thấy thêm một chút an tâm rồi. Đi được chừng 15 phút là xe phải ghé điểm kiểm tra hộ chiếu xem có khớp với giấy phép được cấp không, và liệu có quá số người đăng ký không. Tất cả đều phải qua kiểm tra, kể cả dân địa phương. Sáng sớm tinh mơ dòng người xếp hàng tương đối dài nhưng chỉ có duy nhất một nhân viên kiểm tra hộ chiếu/CMND. Đi khỏi trạm kiểm soát chừng 45 phút, hừng đông bắt đầu sáng. Cả nhóm như mở cờ trong bụng vì hứa hẹn một ngày đẹp trời. Từ xa đã nhìn thấy rõ em Everest cao 8,848 mét kiêu hãnh trắng ngần nổi bật trên nền trời dù lúc đó còn tờ mờ sáng. Đến đoạn đường vắng, tài xế và HDV quyết định cho chúng tôi dừng lại chụp hình và còn nói thêm, chúng mày rất hên vì chỉ có 10% cơ hội được nhìn thấy đỉnh Everest quang mây như thế này. Dường như bọn họ cũng sợ thời tiết đỏng đảnh, thay đổi bất chợt rồi những khoảnh khắc đẹp sẽ nhanh chóng tan biến vào hư không. Chúng tôi như một lũ sống gấp, lăn lê bò toài các kiểu ra giữa đường để ghi lại những tấm hình với em nó dù ở xa tít mù, cỡ chừng 20-30 kms nữa. Kệ, sống là không chờ đợi. Cứ hết mình với những gì đang nắm trong tay.

Xe tiếp tục lên đường. Quãng đường còn lại chúng tôi chỉ có một mối quan tâm duy nhất – liệu đám mây mắc dịch kia có chịu bay qua hay lại kéo theo bạn bè về chung vui để che lấp giấc mơ của lũ chúng tôi. Cứ thế những lời lo lắng xen kẽ với tiếng khích lệ lẫn xuýt xoa đầy ắp trong xe khiến chúng tôi quên hẳn những vô vàn dốc cua tay áo. Dường như sự háo hức lấn át hết thảy những mệt mỏi.

Đúng 8.30 sáng, chúng tôi đến bến trung chuyển để đi một loại xe nhỏ hơn leo dốc tới cột mốc Qo Mo Lang Ma 5,200 mét. HDV thông báo ngoài trời tầm 8-10 độ nên phải chuẩn bị áo ấm, khăn quàng và găng tay. Ra khỏi xe, ai nấy đều nhận xét tuy cao hơn nhưng lại thấy dễ chịu hơn. Thực ra không phải vậy, phấn khích quá nó thế thôi! Lúc này những tia nắng đầu tiên trong ngày bắt đầu rọi xuống (lưu ý là Tibet có 4 mùa trong ngày, buổi sáng sương và mây mù cực nhiều, thường đến trưa mới nắng), lũ mây cũng không thuộc dạng cứng đầu, ngoan ngoãn bay đi hoặc chui tọt xuống các thung lũng giữa hai khe núi. Cả lũ háo hức thiếu điều chỉ muốn nhảy cẫng lên gào thét nhưng kịp nhận ra đang ở 5,200 mét chứ không phải giữa bãi biển. Tiếp tục phải leo bộ lên một quả đồi nữa, chừng 10 phút thôi. Tuy chỉ có vậy nhưng một thành viên đã không thể vượt qua thử thách này và phải ở lại xe thở ô xy. Còn lại mấy chị em khác cũng phải vất vả nghỉ mấy chặng, mặt nhợt nhạt khi lên tới điểm ngắm Everest đẹp nhất thế giới! Với tất cả 13 người còn lại trong đoàn, đây đều là giấc mơ trong đời nên hết thảy đều muốn sống trọn với giấc mơ đó. Rất nhiều HDV của các đoàn đều phải kinh ngạc thốt lên, hôm nay là một ngày cực kỳ may mắn cho tất cả vì ngày hôm qua, mây mù giăng kín, không cách nào nhìn thấy đỉnh Everest dù khoảng cách gần đến như vậy.

Thật khó diễn tả bằng lời vẻ đẹp của Everest nói riêng và dãy Himalya nói chung. Nó có sức cuốn hút kỳ lạ khiến từ bao đời nay biết bao nhà leo núi chuyên nghiệp tham vọng chinh phục và cũng không ít trong số đó vĩnh viễn nằm lại nơi đây. May mắn tiếp nối may mắn, trong suốt thời gian dài, trời quang mây đến khó tin. Dường như có một thế lực siêu nhiên nào đó cột chặt các đám mây lại không cho chúng phá đám bữa tiệc sống ảo của lũ chúng tôi.

Trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, với đa phần khó có cơ hội quay lại lần thứ hai, tất cả quên đi cái giá lạnh, mối nguy hiểm của sốc độ cao. Cười nói rần rần, nhảy tung toé, tạo dáng các kiểu, các lớp xiêm y dần dần cũng được trút bỏ để dâng lên em Everest những hình ảnh đẹp nhất như đáp lại lòng hiếu khách của ẻm. Hai tiếng lên đỉnh trôi qua nhanh như một khúc hát đầy kỷ niệm. Có nhọc nhằn trên những chuyến xe, những đêm giấc ngủ không trọn vẹn, những cơn khó thở, những lúc nhức đầu chóng mặt tất cả cũng vỡ oà và hoà quyện trong niềm hân hoan như con trẻ. Vẫy chào Everest như chia tay một người đặc biệt, sống mũi ai bỗng cay cay…

Trên đường xuống bãi xe, chúng tôi mới dừng lại cột mốc Qo Mo Lang Ma 5,200 mét để chụp hình và cũng không ngần ngại chi 2 tệ để được làm một vài nhu cầu thiết yếu trong cái toilet cao nhất thế giới này…Chia tay Everest, trước mắt chúng tôi là hành trình hơn 8 tiếng về lại Shigatse để lại tiếp tục đắm chìm trong không gian văn hoá và con người Tây Tạng…Kết thúc một ngày dài suốt từ 5.30 sáng cho tới 8.30 tối với 2 tiếng trên EBC và 12 tiếng ngồi xe cho tổng đoạn đường 570 kms. Đó là cái giá của sự đam mê chinh phục miền đất mới và biến ước mơ thành hiện thực.

HỒ THIÊNG YAMDROK

Trên đường về lại Lhasa từ Shigatse, dọc đường sẽ gặp một địa danh rất nổi tiếng không thể bỏ qua đó là đèo Karuola. Nó nổi tiếng vì đây là điểm gần nhất với núi băng nhất có thể quan sát bằng mắt thường, cảm giác chạm tay vào được. Qua thời gian, cùng với biến đổi khí hậu, những lớp băng phía chân núi đã tan dần chứ nguyên thuỷ cách đây hàng triệu năm toàn bộ dãy núi trước mặt phủ kín băng tuyết. Điểm dừng chân nằm ở cao độ 5,020 mét, còn đỉnh núi ở cao độ 7,191 mét. Gặp khi thời tiết nắng đẹp, ngọn núi băng hiện ra rất lung linh trong nền trời trong không gian huyền bí của Tây Tạng.

Đi xe khoảng hơn 1 tiếng nữa là tới hồ Yamdrok, một trong bốn hồ thiêng nhất toàn Tây Tạng. Nằm cách thủ phủ Lhasa chừng 100km về phía đông bắc, Yamdrok có chu vi 72km, diện tích 638km vuông và ở cao độ 4,441 mét. Yamdrok có hình tựa như con bọ cạp, bao quanh là các ngọn núi. Theo truyền thuyết, Yamdrok do một nữ thần biến thành. Hồ còn được biết đến với tên gọi khác là Coral Lake – Hồ San Hô, có lẽ được đặt tên do màu nước xanh huyền bí của nó. Hồ đẹp nhất khi nhìn từ trên cao xuống. Tuy nhiên, khi leo xuống gần mặt hồ lại mang cho du khách một cảm giác rất thư thái, nhẹ nhàng và thanh khiết mặc dù góc nhìn có thể không rộng như khi ở trên cao. Đừng quên bỏ ra 10 tệ để chụp hình với các em chó ngao hoặc bò yak tại khu vực ven hồ nhé, sẽ là kỷ niệm độc đáo đấy! Vào mùa đông Yamdrok đóng băng hoàn toàn nhé, nên muốn hưởng trọn vẻ đẹp của em nó bắt buộc phải đi vào mùa hè.

Cũng trên cung đường về lại Lhasa, khung cảnh núi non hùng vĩ hai bên đường trong nền trời xanh thẳm lác đác những đám mây trắng bồng bềnh trôi, thiên nhiên Tây Tạng lại khuyến mãi thêm những cánh đồng hoa đủ màu sắc dưới chân núi hay ven các con sông từ màu vàng của hoa cải, hồng đỏ hay tím của các loài hoa dại. Nếu dừng lại để ngắm và chụp hình thì không biết bao giờ mới đến điểm cần đến. Tây Tạng là vậy đó, níu chân người từ những thứ nhỏ nhất, chẳng mất xu nào mà mang lại những thứ vô giá về mặt tinh thần. Trong một ngày với hành trình tương đối dài thì không có cách nào đi thăm cả hai hồ thiêng được. Chúng tôi quay về lại thủ phủ Lhasa, ngủ một đêm để sáng hôm sau đi thăm một hồ nổi tiếng linh thiêng khác là Namtso.Mà nào có ngủ ngay được đâu. Cũng phải đi ăn. Sau một tuần liên tục ăn uống kham khổ đạm bạc, chúng tôi quyết định tưởng thưởng cho mình bằng một bữa ăn khá sang chảnh, cũng là chúc mừng cho việc chịu đựng được hành trình gian nan ghé thăm đỉnh Everest ở cao độ 5.,200 mét, tại nhà hàng chuyên đồ nướng đặc sắc chuẩn vị Tây Tạng. Giá không hề rẻ, 200 tệ/người ăn thoải mái bò yak nướng, gà, dê, heo sữa nướng đến cả tsampa loại thức ăn thường nhật của sư sãi và người dân Tây Tạng. Khuya, một số trong chúng tôi đi xem show Văn Thành Công Chúa của đạo diện nổi tiếng Trương Nghệ Mưu với giá rẻ nhất cũng là 380 tệ vào lúc 9.30 tối. Nói chung là hoành tráng, công nghệ ánh sáng hiện đại và hoàn hảo nhưng nội dung thì không đặc sắc. Nếu tò mò thì nên đi, còn không xem thì cũng không ảnh hưởng tới giá trị tinh thần mà Tây Tạng mang lại. (Thật lòng, không hay bằng show Tống Thành Cửu Trại Câu xem năm ngoái ở Cửu Trại)

THÁNH HỒ NAMTSO

Lúc xưa đọc Tây Du Ký, cứ thắc mắc sao Thầy trò Đường Tăng gặp nhiều hạn trên đường thỉnh kinh vậy. Sau này lớn lên, hiểu đời chút thì nhận ra rằng, cái gì hoàn hảo quá cũng sẽ nhàm chán. Và hành trình Tây Tạng của chúng tôi cũng có một chút không như kỳ vọng tại Thánh Hồ Namtso – như một chút gam màu xám trong một không gian xanh mát đẹp rực rỡ của mảnh đất linh thiêng huyền bí này.Thánh Hồ Namtso còn có nghĩa là Hồ Thiên Đường, Hồ Trên Trời là một trong bốn hồ thiêng nhất ở Tây Tạng mà trong bất kỳ hành trình hành hương nào cũng phải có. Nằm cách thủ phủ Lhasa 240km tương đương gần 5 tiếng lái xe, Namtso có diện tích 1,920km vuông ở độ cao 4,718 mét. Namtso là hồ nước mặn lớn thứ 2 ở Trung Quốc, sau hồ Thanh Hải nhưng lại là hồ nước mặn có cao độ cao nhất thế giới. Lý do vì sao nước trong thánh hồ Namtso lại mặn bởi vì hàng triệu năm trước, Tây Tạng chính là đại dương. Những sự dịch chuyển của vỏ trái đất, những vết nứt đã vô tình đẩy đại dương lên trên cao độ như vậy. Điều này cũng lý giải tại sao trên Tây Tạng còn rất nhiều hoá thạch từ vỏ ốc, san hô hàng triệu năm. Nước trong hồ Namtso được bổ sung từ các dòng nước chảy từ núi băng Nyianchentangula cao 7,162 mét bên cạnh để bù cho lượng nước bốc hơi mỗi ngày nên nước trobg hồ rất tinh khiết. Có người cho rằng, do sự linh thiêng của Namtso nên ở đây cũng diễn ra lễ thuỷ táng (người chết được vứt xuống hồ để được phân huỷ) – thông tin này chưa được kiểm chứng! Theo truyền thuyết, hồ Namtso và núi Nyianchentangula là một cặp tình nhân, nằm cạnh nhau để cùng bảo vệ con người, gia súc và đồng cỏ nơi đây. Namtso có ba hòn đảo nhỏ không có người ở, chỉ có nhà sư ở vào mùa đông khi mặt hồ đóng băng và quay về đất liền vào mùa đông năm sau. Đảo xa nhất cách bờ hơn 5km. Trước đây là vậy, hiện nay chính quyền không cho nhà sư ở lại trên các đảo nhỏ này nữa.

Khi chúng tôi tới, trời tuy nắng nhưng phía bên kia hồ bắt đầu xuất hiện mây đen báo hiệu một cơn mưa sắp tới. Nơi đây tập trung rất đông du khách khiến mọi thứ trở nên lộn xộn và bẩn thỉu khác xa hoàn toàn với trí tưởng tượng. Quá nhiều bò yak trắng và ngựa được làm dịch vụ chụp hình với du khách môi trường nơi mép hồ không còn sạch sẽ, nhiều rác lẫn phân động vật bị sóng đánh trôi dạt. Có lẽ Namtso cần phải làm lại một số việc để kiểm soát tình hình như hiện nay, bởi không sớm thì muộn nó sẽ đánh mất sự linh thiêng bậc nhất. Dù sao cũng chỉ là cảm nhận của cá nhân trong một ngày thời tiết không được hoàn hảo cho lắm…

Chia tay Namtso trong một cơn mưa lạnh ở độ cao 5,100 mét và thật nhanh chóng, nhiệt độ bỗng chốc quay về không và tuyết bắt đầu rơi. Và cũng chính sự bất lợi của thời tiết đã khiến chúng tôi không có cơ hội ngắm nhìn Namtso từ trên cao như đã từng làm với Yamdrok.Quan điểm của người Tây Tạng là mưa mang đến điềm lành, sự sung túc bởi khí hậu cao nguyên quanh năm khô hanh. Điều này khiến chúng tôi được an ủi rất nhiều trước cơn mưa bất ngờ. Qua khỏi cao độ đó, trời tạnh mưa, trả lại cho Tây Tạng một không gian thoáng đãng và mát mẻ, thanh bình với những đàn cừu, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ…Namtso cũng chính là thắng cảnh cuối cùng trong hành trình gian nan nhưng đầy trải nghiệm mới mẻ của chúng tôi. Tây Tạng sẽ mãi luôn trong ký ức của mỗi người cho dù phía trước còn nhiều vùng đất mới…

TÂY TẠNG – KINH NGHIỆM BẢN THÂN

Khi Văn Thành Công Chúa chấp nhận về Tây Tạng để làm vợ Tùng Tán Cán Bố, nàng đã phải thốt lên, sao tất cả các dòng sông đều chảy về đông cớ sao chỉ có mình nàng đi ngược lên phía tây. Nói vậy cũng đủ biết những muôn vàn khó khăn khi thực hiện một chuyến đi Tây Tạng.Những bất lợi bạn phải lường trước chuyến đi:

1. Sức khoẻ:

Một điều không thể tránh khỏi là căn bệnh sốc độ cao và những hệ luỵ của thời tiết thay đổi trong ngày.

Những thuốc tối thiểu mang đi:Acetazolamide 250mg: Ngày 2 viên chưa 2 lần. Uống trước khi lên Lhasa 24 tiếng. Uống trong vòng 5 ngày liên tục. Thuốc rẻ rề, chưa tới 10k/vỉ ở nhà thuốc (hơi khó mua vì không thông dụng)Paracetamol 500mg hoặc Ibuprofen 400mg khi đau đầu Dung dịch nước biển xịt mũi Thuốc cảm cúm (Ameflu, Decolgen)Miếng dán giữ nhiệtCác loại vitamin thuốc bổBản thân có thể lực khá ổn, luyện tập thường xuyên mà vẫn bị thở dốc khi leo trèo, ngủ không sâu, cảm giác không thèm ăn, chảy máu mũi sau ngày thứ 4 ở Tây Tạng do quên xịt nước biển trong vòng 2 tiếng ở cao độ 5,200 mét.

2. Thức ăn:

Đồ ăn Tây Tạng khá nhiều hương liệu, tuy không cay như Tứ Xuyên, không dầu mỡ như đồ ăn Tàu nhưng cũng không hề dễ ăn. Cộng với việc di chuyển nhiều, ảnh hưởng của sốc độ cao, thiếu ngủ nên hiếm có cảm giác ngon miệng. Ăn sáng ở những khách sạn bình dân đi theo tour thì cực kỳ tệ, thường xuyên chỉ có cháo trắng ăn với chút đồ chua, trứng gà luộc (một người/quả), màn thầu. Khá hơn chút thì có thêm chút sữa bò yak.

Trái cây là thứ xa xỉ.Những ai muốn giảm cân, đi Tây Tạng đảm bảo giảm ít nhất 1-2kg.

3. Thời tiết:

Bốn mùa trong ngày. Đi vào mùa hè thì thường sau 11h trời nắng chói chang, khi đó chỉ cần mặc trang phục mùa hè. Chiều về bắt đầu có gió lạnh, rồi khi đêm xuống thì có thể rất lạnh, phải mặc áo trùm đầu, áo phao dầy. Còn sáng sớm cũng chỉ cần áo lông vũ khoác ngoài, có khăn quàng cổ là ổn.

Nếu đi Tây Tạng vào các mùa khác thì nhất định phải kiểm tra tình hình thời tiết kỹ để chuẩn bị quần áo phù hợp.Mùa cao điểm ở Tây Tạng là từ tháng 4 đến tháng 10. Trong đó tháng 8-9 là đẹp nhất khi có nhiều nắng, mưa hay xuất hiện về đêm và sáng cũng khiến cho không khí tươi mát, cây cỏ hoa lá xanh tươi tuyệt đẹp.Đừng quên dưỡng ẩm da bất kể ngày hay đêm. Kem chống nắng, kính mát và mũ rộng vành nhất định phải có. Nước cũng phải uống nhiều!

4. Di chuyển:

Toàn Tây Tạng chỉ có sân bay thương mại lớn nhất ở Lhasa trong khi các điểm đến trong hành trình của chúng tôi không có sân bay nên muốn đi các thành phố khác, các điểm tham quan như các hồ thiêng đều phải di chuyển bằng xe bus du lịch. Thời gian di chuyển rất nhiều, địa hình đèo núi, nhiều đoạn còn sửa chữa nên rất mệt mỏi. Có hành trình tới 11h trên xe.

Đi bộ khá nhiều nên phải mang giày đế mềm và đã đi quen chân.

5. Những khó khăn khác:

Ngôn ngữ – Gần như không thể giao tiếp bằng tiếng Anh với các nhân viên khách sạn.

Khách sạn – Ở các thành phố lớn như Lhasa và Shigatse là có nhiều lựa chọn chứ đi về tỉnh lẻ hoặc thị trấn chỉ có thề ở các nhà nghỉ thiếu thốn tiện nghi

Internet yếu, rất khó kết nối. Facebook, gmail bị chặn nên phải sử dụng phần mềm vượt tường lửa nhưng cũng rất chập chờn. (Betternet, VPN Master)

Một điều không thể không nhắc tới là hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Có lẽ đây là thứ tệ nhất thế giới. Nhà vệ sinh hôi thối kinh khủng khiếp hoảng hốt, họ thu tiền nhưng không dọn vệ sinh thường xuyên và cứ để kệ như vậy với lý do khan hiếm nước. Đừng mơ có nhà xí bệt ở trên các cung đường di chuyển, thật khó mô tả vì nó còn không được như cái xí xổm ở vùng quê Việt Nam. Nói chung là vạn bất đắc dĩ mới phải chui vào sau khi tẩm ướp chiếc khẩu trang bằng dầu gió hoặc nước hoa đi kèm với tờ giấy A4 để che mặt.

Vượt qua những khó khăn đó, Tây Tạng mang đến cho chúng ta những gì?

1. Không gian đượm chất Phật giáo huyền bí

Lạc trôi ở Tây Tạng có nghĩa là bạn tìm đến với chốn vô thường, không còn thấy bất cứ thứ gì quan trọng hơn hiện tại của bạn. Những thứ khác đều là phù du và bạn thấy chẳng có gì phải sợ những bất trắc trong đời, kể cả cái chết. Tâm bạn sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn rất nhiều!

2. Khung cảnh Tây Tạng:

Tây Tạng không chỉ đẹp ở các điểm đến mà đẹp trên từng hành trình, từng con đường… Không gian và kiến trúc Tây Tạng đẹp, độc và lạ không giống bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

3. Bạn được thoát ra khỏi cuộc sống thường nhật

được thử thách sức chịu đựng dẻo dai của mình, được tự kiểm tra sức khoẻ của mình qua từng giờ từng ngày ở Tây Tạng.

4. Shopping

Ở các điểm du lịch vui vô cùng tận, trả giá thoải mái, người bán người mua đều hài lòng vui vẻ.

5. Và điều hiển nhiên khiến bạn phải tự hào:

Bạn là một trong số không nhiều người trên thế giới được đặt chân tới mảnh đất linh thiêng này. Thế cũng là quá đủ cho một hành trình trong cuộc sống vô thường của mỗi chúng ta!

KCT Travel

Một chàng trai người Sài Gòn ra Hà Nội lập nghiệp được hơn mười năm. Phượt là một trong những đam mê lúc nhàn rỗi và đã gặp nhiều khó khăn, thời gian lúc tìm thông tin. Với những trải nghiệm của bản thân và những người bạn, Hắn muốn gửi gắm chút kinh nghiệm cho những người cùng chí hướng qua website này.

View stories

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *