• Menu
  • Menu

Kinh nghiệm du lịch Bhutan – Đất nước hạnh phúc nhất thế giới

Ở Bhutan, nơi mà chúng ta được nhìn thấy con người đối xử với nhau bằng lòng tử tế, chân thành và từ bi hỉ xả như một điều hiển nhiên mỗi ngày.

Tháng 08/2018
Nguồn: KCT Travel

Vương Quốc Bhutan nằm trên dãy Himalaya, giữa Trung Quốc và Ấn Độ- một quốc gia Phật Giáo được bao phủ bởi những ngọn núi cao, những thung lũng sâu. Nơi mà lòng trắc ẩn và trí huệ là thước đo cho mọi sự việc trong cuộc sống, và nơi mà nhà Vua quy định sự phát triển đất nước bởi ” Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia”.

Ở Bhutan, nơi mà chúng ta được nhìn thấy con người đối xử với nhau bằng lòng tử tế, chân thành và từ bi hỉ xả như một điều hiển nhiên mỗi ngày.

Chuyến đi đến Bhutan sẽ là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và trân quý không chỉ giúp chúng ta biết thêm, hiểu thêm về một vùng đất, mà quan trọng hơn là tìm về Hạnh phúc nội tại, Hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống của mỗi con người…

Những thông tin cần biết

  • Thủ tục Visa – Mọi du khách tới Bhutan – ngoại trừ du khách từ Ấn Độ, Maldives, Bangladesh đều phải xin Visa trước khi khởi hành. Bạn không tự xin được mà phải thông qua một công ty du lịch địa phương có giấy phép hoạt động ở Bhutan. Mức phí để được cấp visa là $40. Visa sẽ là visa online.
  • Liên lạc – Bhutan có Wifi, tuy nhiên Wifi ở đây khá đắt, hơi yếu và chậm. Nhóm được phát 1 sim 3G trị giá 100 Nu. Sau đó có thể nạp thêm 99Nu để được 840MB
Thẻ nạp thêm cho 3G
  • Tiền tệ – Đôla Mỹ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Tiền Bhutan chỉ cần khi bạn mua một số đồ lưu niệm. Ngultrum (Nu) là đơn vị tiền tệ của Bhutan 1$ = 64,4 Nu. Nếu các bạn có nhu cầu mua nhiều sản phẩm organic, đông trùng hạ thảo, hàng dệt may ở Bhutan với số lượng lớn thì có thể mang trên $400. Lưu ý: sân bay rate đc là $1=69.05 
  • Ngôn ngữ – Dzongkha là ngôn ngữ chính thức của đất nước Bhutan. Tiếng Anh và tiếng Hindi là hai ngôn ngữ được sử dụng bởi hầu hết mọi người trong khu vực đô thị.
  • Điện – Ở Bhutan sử dụng nguồn điện 230V với tần số 50Hz. Một số ổ điện sử dụng tại Bhutan.

Các loai ổ cắm điện ở Bhutan
  • Có một số điểm tham quan sẽ không cho quay phim, chụp hình, bạn nên chú ý và tuân thủ quy định.
  • Các điểm tham quan hầu hết là tu viện, đền chùa, chốn cửa Phật nên bạn cần chú ý ăn mặc trang phục phù hợp, cởi bỏ dép, nón trước khi bước vào trong và giữ thái độ lịch sự. Tốt nhất là mặc quần dài có thêm áo khoác dài tay trong suốt hành trình là tốt nhất
  • Không mang các loại thuốc lá vào Bhutan vì thuốc lá bị cấm và bạn có thể sẽ bị phạt.
  • Không bẻ cây, hái hoa, giết thú vì sẽ làm phiền lòng người dân bản địa và bạn có thể sẽ bị phạt bởi chính quyền.
  • Một số công ty Tour có thể tự liên lạc được:
  • Nếu bạn muốn tự đi:

    • Kiểm tra xem coi đầu Hà Nội/ Hồ Chí Minh có chuyến bay thẳng của hãng Bhutan Airlines ko? Nếu không thì mình thấy hãng này bay transit bên Bangkok và một số nơi của Ấn độ.
    • Vì mình mới sử dụng dịch vụ của Rainbowbhutan và cảm thấy hài lòng nên mình nghĩ bạn có thể email và làm việc trực tiếp với bên tour đó, họ có thể hỗ trợ visa, hotel và chương trình tour cho bạn.

    Tổn thất:

    • Mình đặt tour của triip.me với giá là 35 triệu toàn tour
    • Tip thêm cho hướng dẫn và lái xe 10 đô 1 ngày.
    • Thêm 150USD mua đồ linh tinh.

    Lịch trình

    Khám phá văn hoá Bhutan 5N4Đ

    Ngày 1 (25/08/2018): Hà Nội – Paro (Bhutan)

    5.55 sáng thứ 7: Đợt này triip.me có một chương trình giá tốt đi Bhutan nên chộp ngay và suy nghĩ trong 1 đêm thứ 4… chốt thứ 5… balo lên đường sáng sớm thứ 7…. 3h lọ mọ ra khỏi nhà… gặp các bạn triip.me ở sân bay… mấy bạn in mọi thứ cho nhóm nên ko lo gì hết… dịch vụ tốt… có nhiều người từ saigon và các vùng khác ra… chia làm 6 nhóm… nhóm mình 11 người…

    Nếu bạn muốn nhìn định núi Everest trước khi hạ cánh xuống Paro thì hãy nói với mấy bạn check in cho bạn ngồi dãy ghế cửa sổ A.

    Paro (Độ cao 2200m/7218ft): Paro là thị trấn duy nhất ở Bhutan có sân bay quốc tế với một đường băng duy nhất và chuyến bay tới Paro được xem là một trong những trải nghiệm rất tuyệt vời và ngoạn mục nhất trên thế giới.

    Sân bay quốc tế Paro

    Trong khi bay vào và ra khỏi Bhutan, bạn có thể được nhìn thấy ngọn núi Everest, Kanchenjunga, Makula, và những đỉnh núi cao khác như Jomolhari, Jichu Drakey and Tsrim Gang. Bạn sẽ được chào đón bởi HDV người Bhutan và tới khách sạn làm thủ tục nhận phòng.

    Vẻ đẹp của thung lũng Paro được gói gọn trong sự đa dạng văn hóa, khung cảnh tuyệt đẹp và hàng trăm câu chuyện thần thoại. Nó là nơi tọa lạc của nhiều ngôi chùa cổ ở Bhutan và Thiền Viện, Bảo tàng quốc gia và nơi có sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan.

    Khi tới Paro chúng ta sẽ ghé thăm những nơi sau:

    Rinpung Dzong: Cung điện là công trình quan trọng và quyền quý nhất Bhutan. Cung điện này là trụ sở của quận Paro, là nơi làm việc của những viên chức hàng đầu và các nhân viên, cũng như là nơi thiền viện của khoảng 200 nhà sư. Từ cung điện này đi bộ xuống cầu và lái xe một đoạn ngắn là ta có thể khám phá cả thị trấn Paro.

    Tu viện Rinpung – Paro

    Kyichu Lhakhang: Đây là một trong những đền thờ cổ xưa nhất và thiêng liêng nhất của Vương quốc có niên đại từ thế kỷ thứ 7 (cùng thời với Jambey Lhakahng ở Bumthang). Tương truyền có một con quỷ khổng lồ nằm dài trên khắp vùng Tây Tạng và dãy núi Himalaya để ngăn chặn sự truyền bá của đạo Phật. Để đánh bại con quỷ, đức vua Songtsen Gampo đã quyết định xây 108 ngôi đền, để đặt rải rác trên người nó. Vì thế, khoảng năm 659 sau Công nguyên, ngôi đền được xây ở ngay bàn chân trái của con quỷ. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất của quận Paro. Người ta tin rằng hai cây cam được trồng ở Kyichu Lhakhang ra trái quanh năm.

    Kyichu Lhakhang ở Paro

    Bảo tàng quốc gia: Ta Dzong (Tháp đồng hồ) được xây dựng từ trong thế kỷ thứ 17 để bảo vệ pháo đài Paro Rimpong phía dưới. Có câu chuyện kể rằng vị vua đầu tiên đã bị giam giữ 1 tù nhân trong tháp này khoảng 1 tuần. Sau đó vị vua đời thứ 3 đã sửa chữa lại Ta-Dzong và chuyển mục đích sang làm Bảo tàng Quốc gia. Khách tham quan tới Bảo tàng sẽ làm quen với cách sống của người Bhutan và tìm hiểu với lịch sử tự nhiên và văn hóa.

    Bảo tàng quốc gia ở Paro

    Tối ngủ tại Naksel Resort 5 sao

    Naksel Boutique Hotel & SPA
    Phòng ngủ của Naksel Boutique Hotel & SPA

    Ngày 2 (26/08/2018): Đi bộ đến tu viện Taktsang (Tiger’s Nest), khoảng 5 tiếng hai chiều

    Biểu tượng quan trọng nhất của Bhutan, Tiger’s Nest của thiền viện Taktshang nằm cheo leo trên một vách núi dốc đứng, 300 mét phía trên thung lũng Paro. Tổ hợp thiền viện được khởi công vào năm 1692, xung quanh hang động Taktsang Senge Samdup, nơi tương truyền rằng Guru Padmasambhava (Guru Rinpoche) đã ngồi thiền trong 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày, và 3 giờ vào thế kỉ thứ 8. Guru Rinpoche có công truyền bá đạo Phật vào Bhutan, và là vị thần bảo hộ của đất nước.

    Taktsang trong tiếng Tây Tạng nghĩa là “nơi nghỉ chân của hổ”. Theo truyền thuyết, Guru Rinpoche đã bay tới nơi đây từ Tây Tạng trên lưng một con hổ cái. Nơi này được dùng để thuần hoá con hổ ma quỷ. Một phiên bản khác của truyền thuyết kể rằng, một người vợ cũ của một đế vương, tên là Yeshe Tsogyal, sẵn lòng trở thành đồ đệ của Guru Rinpoche ở Tây Tạng. Bà biến thành một con hổ cái, mang Guru Rinpoche trên lưng và bay từ Tây Tạng đến nơi đặt Taktsang hiện giờ ở Bhutan. Tại một trong những hang động ở đây, vị Guru đã ngồi thiền và hoá thân thành 8 hình dạng. Địa điểm này bắt đầu mang màu sắc linh thiêng và được biết đến cái tên “Tiger’s Nest”.

    Thiền viện Taktshang được coi là nơi thờ đạo Phật thiêng liêng thứ 10 trên thế giới. Du khách có thể thăm quan ba ngôi đền khác nhau trong tổ hợp chính của Taktshang. Tổng cộng chuyến đi khoảng 3-4 tiếng, bạn có thể yêu cầu dịch vụ cưỡi ngựa ở chân núi.

    Lưu ý:

    • Bạn cũng có thể bỏ ra 1000 Nu để đi xe ngựa đề dành năng lượng cho nữa phần còn lại.
    • Nếu vẫn quyết tâm leo núi thì hãy chọn gậy leo bộ sao cho nhẹ và chắc chứ đừng ham to.
    • Hãy chính phục bản thân mình với việc leo 3.5 km đi và về để đến được ngôi đền ẩn mình bên vách đá. leo tầm 2km để đến được điểm dừng chân là quán cafe. Đoàn mình xuất phát từ 8.30 thì 10h30 là đến được quán cafe. Sau khi uống trà cafe nghỉ ngơi thì tiếp tục leo lên đền. Ko cho mang máy ảnh và điện thoại vào đền, cảnh sát sẽ kiểm tra. Hãy đích thân thắp một ngọn nến để cầu sức khỏe cho gia đình và mọi người với giá 50 Nu. Qua về lại ăn trưa ở quán cafe lúc 2h. Chiều về có mưa nên đườnh cũng hơi trơn tí. Giờ mới thấy lợi ích của cây gậy chống. Ken tìm được hạnh phúc bằng việc leo lên đền 3000m so với mặt nước biển. Xuống tới chân núi lúc 15.30… hỏng còn cảm giác ở hai chân…
    • Mua đồ lưu niệm dưới chân Tiger nest là rẻ nhất;
    Tiger Nest Bhutan – Takstang Palphug Monastery
    Tiger Nest Bhutan – Takstang Palphug Monastery
    Tiger Nest Bhutan – Takstang Palphug Monastery
    Tiger Nest Bhutan – Takstang Palphug Monastery

    Buổi chiều: Tắm đá nóng và nước từ cây cỏ. Trong đoàn mình có vài người bị ngứa, mình thì không sao. Tắm đá nóng với giá 1500 Nu. Rất đáng để thử. Đá được đun nóng bên ngoài và bỏ vào ở phía sau thêm vào lá thảo dược… ngâm cũng khỏe khỏe…

    Bên trong Tắm đá nóng ở Paro
    Bên ngoài phòng Tắm đá nóng ở Paro

    Ngày 3 (27/08/2018): Paro – Punakha (130km / 4-5 tiếng)

    Punakha: (Độ cao 1300m). Punakha đã từng là thủ đô của Bhutan trong suốt thời đại của Zhabdrun Ngawang Namkgyal, người sáng lập ra Bhutan. Ngày nay, nó là trung tâm hành chính và tín ngưỡng của quận và nhà mùa đông của Thiền viện trung tâm Bhutan. Nơi đây được phù hộ với khí hậu ôn hòa và bởi vì hệ thống thoát nước tự nhiên từ sông Pho (Nam) và Sông Mo (Nữ), thung lũng Punakha cung cấp một lượng phong phú các loại cây trồng và hoa quả.

    Bắt đầu buổi sáng của bạn bằng việc tham quan và chụp hình cổng trời Dochula (Cao 3150m) với góc nhìn toàn cảnh của dãy Hymalayas. Dochula được trang trí với 108 ngồi đền tưởng niệm Druk Wangel Chroten, xây dựng để kỷ niệm sự ổn định và phát triển, đã mang tới cho Bhutan do nhà Vua Jigme Singye Wangchuck, vị vua đời thứ tư.

    Cổng trời Dochula Chorten

    Tham quan những địa điểm sau ở Punakha:

    Chimmi Lhakhang: Đi dạo qua đồng lúa để đến Chimmi Lhakhang, tu viện được xây vào năm 1499, bởi Lama Ngawang Chogyal tại nơi mà anh họ của ông – Lama Drukpa Kuenley – đã đánh bại một con quỷ hùng mạnh và ban phước cho vùng đất. Tu viện này cũng được ví như là “Niềm tin của sự sinh nở” và được tin tưởng bởi nhiều cặp đôi ghé thăm và cầu nguyện để có một mụn con vào năm sau.

    cửa hàng bán hàng lưu niệm

    Punakha Dzong: Cái tên có nghĩa là Cung điện của niềm hạnh phúc lớn. Pháo đài này đứng đó nguy nga trong vùng đất nới mà hai con sông (Sông Pho và Sông Mo) gặp nhau. Pháo đài Punakha có một nét đặc biệt trong lịch sử của Bhutan như là nơi mà Vị vua Bhutan đầu tiên, Ugyen Whangcheck, lên ngôi năm 1907. Nó cũng là nơi cư trú mùa đông của Je Khenpo (Thủ lĩnh tinh thần) và toàn bộ thầy sư.

    Punakha Dzong

    Cầu treo Punakha: Đây là một cây cầu thú vị cho những ai đam mê chụp ảnh. Vì trời mưa nên đoàn mình đã bỏ qua chổ này.

    Qua đêm ở Zingkham Resort ở Punakha nằm trên một vách đá, có thể nhìn ra Punakha Dzong và dòng sông tuyệt đẹp ngay bên cạnh Dzong. Đây là một trong những nơi tốt nhất để nghỉ lại ở Punakha, khi xét đến giá cả và vị trí đắc địa của nó.

    Zingkham Resort ở Punakha
    View từ Zingkham Resort ở Punakha

    Ngày 4 (28/08/2018): Punakha – Thimphu (77km / 2.5-3 tiếng)

    Sau bữa sáng tại khách sạn, lên đường đi đến thủ đô Thimphu. Trên đường đi ghé thăm Cổng trời Dochula. Cổng trời với 108 chorten tưởng niệm, nằm ở độ cao 3,100m và ở cạnh vườn bách thảo đầu tiên của đất nước. Thời tiết ở đây nhìn chung là nhiều sương mù và hơi lạnh. Tuy nhiên khi bầu trời quang đãng, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của dãy núi Bhutan từ trên này.

    Thimphu (độ cao của Thimphu là 2320m so với mực nước biển) là một thành phố nhỏ mang nhiều nét đặc trưng nằm trong trái tim của dãy Hymalaya với dân số khoảng 100,000 người.

    Thimphu là thủ đô của Bhutan là trung tâm của chính phủ, tôn giáo và thương mại.

    Đi bộ khoảng 2 tiếng đến Thiền viện Tango:

    Thiền viện này có một vị trí tôn giáo quan trọng từ thế kỉ 12, khi đây là nhà của vị Lama đã đưa trường Drukpa Kagyupa của Phật giáo tới Bhutan. Tu viện được xây vào thế kỉ 15 bởi Drukpa Kunley (Phật Điên). Tango là trung tâm học thuật về Phật giáo ở mức cao nhất ở Bhutan. Gần như mọi Je Khenpo (đại sư đứng đầu tôn giáo của Bhutan) đều đã hoàn thành chương trình học 9 năm ở đây. Sau khi kết thúc kì học, các nhà sư thường dành 3 năm, 3 tháng, và 3 ngày ngồi thiền ở thiền viện Cheri gần đó.

    Nhóm mình đã không đi Thiền viện Tango mà xuống phía dưới chân thiền viện có cây cầu và dòng sông. Nghe nói là dòng sông này là nơi để người ta rải tro người chết phí đầu nguồn.

    Cầu vượt qua suối dưới chân đại học Tango

    Bưu điện thị trấn Thimphu: Bưu điện của thị trấn có lưu giữ một bộ sưu tập phong phú các loại tem. Điểm đặc biệt của bưu điện này là du khách có thể làm một con tem từ bức ảnh của chính mình và những con tem này có thể được dùng để dán trên phong bì và gửi đi như bình thường. (Cũng không có gì đặc biệt)

    Tashichho Dzong: Đây là tòa nhà chính của ban thư ký, nơi các bộ chính phủ, các cơ quan của Nhà vua, ngai vàng, các văn phòng và khu nhà ở của các cơ quan nhà sư được đặt. Các pháo đài khổng lồ, hay còn có tên gọi là pháo đài vinh quang của tôn giáo, ban đầu là một công trình kiến trúc nhỏ nhưng đã được Vua Jigme Dorji Wangchuck cho mở rộng vào năm 1965. Công trình dzong tuyệt đẹp này nằm ở rìa phía Bắc của Thimphu và bên bở Tây của sông Wang Chhu, hoà hợp một cách hoàn hảo với phong cảnh của thung lũng, tạo cho thành phố Thimphu đường nét vừa quyền quý vừa vương giả. Dzong này cũng là nơi nhà vua thứ năm – vị vua hiện tại của Bhutan, làm lễ đăng quang vào năm 2008. (nhóm mình đã bỏ qua chổ này do trời mưa)

    Lễ làm phép: 17h thay đồ truyền thống của Bhutan rồi sau đó cả đoàn đến ngồi chùa có vị La Ma H.E Sangay Dorji Rinpoche. Buổi lễ diễn ra tầm 1 tiếng, sau khi dạy mọi người đọc vài loại chú cho sức khỏe, may mắn thì La Ma sẽ làm chú riêng cho từng người.

    Buổi tối cả đoàn ăn tối và xem các điệu nhảy truyền thống của Bhutan tại Simply Bhutan

    Đừng ngạc nhiên khi thấy con quỉ cầm theo Linga 🙂

    Qua đêm tại khách sạn Namgay Heritage (4*) tại Thimphu. Khách sạn vừa cung cấp đầy đủ các tiện nghi vừa thể hiện được văn hóa và truyền thống của Bhutan.

    Ngày 5 (29/08/2018): Thimphu – Paro (65km / 1.5 tiếng)

    Buổi sáng ở một ngôi đền ngắm thành phố đang ngủ yên… con người ở đây hiền hòa quá… trong ngôi đền có tượng phật 4 mặt… có tiếng trống làm lễ của mấy thầy… ngôi chùa 700 tuổi này là nơi làm lễ và đặt tên cho nhiều em bé của bệnh viện phụ sản phía dưới… người dân thường ở đây ko có họ, chỉ có tên 2 âm. Chỉ có hoàng gia mới có họ. “Gay” có ý nghĩa là chiến thắng. KS mình ở tên Namgay Hotel doesn’t mean hotel for gay.

    Changangkha Lhakhang
    Các sư thầy tại đền Changangkha Lhakhang

    Dùng bữa sáng sớm ở Thimphu, rồi tham quan các điểm sau:

    Tượng phật ngồi: Tham quan tượng Phật ngồi lớn nhất trên thế giới. Nơi đây cũng là tu viện cho các thiền sư và là nơi nghỉ chân cho khách tham quan. Hãy tận hưởng quang cảnh kì vĩ của thành phố Thimphu từ điểm này.

    Nam mô a di đà phật… hạnh phúc là nơi này… kho tượng phật ngồi lớn nhất thế giới… bên trong có tượng phật 4 mặt và 57 cây trụ… con số 57 x 2=108 số mày người bên này lấy làm mốc gì đấy… để tìm hiểu thêm. Bên trong dự định đặt 100000 tượng phật với giá 1000 usd 1 tượng

    Lưu ý: đi sớm để ít khách du lịch.

    Tượng phật ngồi ở Thimpu
    Tượng phật ngồi ở Thimpu

    Bảo tháp tưởng niệm: Được xây vào năm 1974 để tưởng nhớ nhà vua thứ III của Bhutan, Jigme  Dorji Wangchuck. Công trình kiến trúc tôn giáo này chỉ xoay quanh theo một chiều duy nhất – chiều kim đồng hồ.

    Bảo tháp tưởng niệm

    Trường học 13 môn nghệ thuật: Đây là trung tâm giáo dục sơ cấp để học về các nghệ sĩ Bhutan – có tên gọi là Học Viện Quốc Gia Zorig Chosum (Zorig Chosum nghĩa là mười ba môn thủ công, mỹ nghệ của Bhutan). Dựa trên hứng thú của mình mà người học có thể chọn một trong 13 môn nghệ thuật và mỹ nghệ bao gồm hội họa, đan lát, điêu khắc, rèn, thêu vv. Học sinh theo học ở đây trong bốn đến sáu năm sau khi tốt nghiệp phổ thông. Bạn có thể thấy khắp nơi ở Bhutan, các toà nhà đều được trang trí với những bức hoạ, tranh ảnh về Phật giáo, và các đồ thủ công. (Đoàn mình đã không đi đến đây)

    Sau đó lên xe quay trở lại Paro để bay về Hà Nội.

    Ẩm Thực

    Nói chung là đồ Bhutan rất khó ăn. Thường thì buffet ở các nơi ăn thường bao gồm 4 đến 6 món bằng rau và 1 đến 2 món mặn. Mình cũng ỷ y không mang theo đồ ăn vì mình ăn chay. Tuy nhiên, lời khuyên chân thành là nên mang theo mỳ ly, ruốc, hoặc mắm chưng. Hoa quả bên này cũng ít ngoại trừ quả táo (apple) do mùa này đi đâu cũng thấy cây táo.

    Ăn sáng ở Namgay Hotel – Thimpu
    Ăn tối ở Naksel Resort – Paro – Bhutan
    Ăn tối ở Naksey Resort 02
    Ăn tối ở Zhingkham Resort
    Ăn trưa ở Chimi Lhakhang Cafeteria
    Ăn trưa ở quán Cafeteria- trạm dừng chân núi Tiger Nest – Bhutan
    Ăn trưa ở trạm dừng chân Tiger Nest
    Cơm tối ở Thimpu

    Các hình ảnh khác

    KCT Travel

    Một chàng trai người Sài Gòn ra Hà Nội lập nghiệp được hơn mười năm. Phượt là một trong những đam mê lúc nhàn rỗi và đã gặp nhiều khó khăn, thời gian lúc tìm thông tin. Với những trải nghiệm của bản thân và những người bạn, Hắn muốn gửi gắm chút kinh nghiệm cho những người cùng chí hướng qua website này.

    View stories

    Leave a reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *