Nguồn: ThaiDzuy
Vị Trí: Tasmania – Úc
LAUNCESTON MẶC TRẦM & CỔ KÍNH
Sáng thức dậy rất sớm để kịp chuyến bay 6.35 đi Launceston, thành phố nằm phía bắc của Tasmania. Lý do đơn giản vì chuyến sớm nhất bao giờ cũng có giá rẻ nhất. Sau khi so sánh với hãng Virgin, Tiger thì Jetstar được chọn với chi phí $73.5 AUD bao gồm tuốt tuột các loại phí và thuế cho hành trình Melb đi Launceston. Sáng đường vắng không lo kẹt xe nên 5.10 mới rời Maribyrnong và tranh thủ làm online check-in luôn trên xe vì nếu check-in ở quầy sẽ không kịp giờ, hơn nữa chỉ có hành lý xách tay gọn nhẹ 7kg cho 4 ngày 3 đêm tung tăng. Jetstar nội địa khởi hành ở nhà ga T4, phải lộn từ tầng 2 xuống vì nó lại nằm ở tầng trệt. In boarding pass xong và đợi hệ thống màn hình lớn thông báo cửa ra máy bay (trước chuyến bay có 10 phút à). Đi Launceston cửa 52, tận cùng luôn. Bảng thông tin cho biết hiện tại Launceston là 9 độ C và sẽ tăng lên 18 độ vào buổi trưa, như vậy cũng khá lạnh, rất may kịp mang theo áo len mỏng. Tuy giá rẻ nhưng chuyến bay rất đúng giờ, chuẩn 6.35 cất cánh. Hạ cánh khoảng 7.30 và ngồi đợi chuyến bay của chú và anh chị từ Sydney qua chơi luôn. Launceston là một trong những thành phố xưa nhất nước Úc, dân số hơn 100,000 người và đứng thứ 17 trên toàn quốc. Càng xuống phía nam, trời càng lạnh mặc dù vẫn nắng chói chang. Mọi người gặp nhau tại sân bay Launceston, đến quầy thuê xe để nhận xe với chi phí $483 cho 4 ngày 3 đêm tại Tasmania bao gồm cả bảo hiểm trong trường hợp xe có bị va quệt. Xe vào thành phố, việc đầu tiên là tìm chỗ ăn sáng vì tất cả đều rời nhà ra sân bay rất sớm. Cảm nhận đầu tiên về thành phố này là nét cổ kính và trầm mặc, do thừa hưởng kiến trúc Anh từ thế kỷ 19, và có rất nhiều nhà thờ nhỏ và đẹp.
Ăn sáng xong, việc đầu tiên là gọi điện tới Bridestowe Lavender Estate nơi có vườn oải hương nổi tiếng đẹp nhất Úc châu. Nhưng hỡi ôi, hoa đã tàn và vườn đã đóng cửa vào cuối tháng 1 vừa rồi. Thời điểm mở cửa ngắm lavender chỉ trong hai tháng, tháng 12 và tháng 1 hàng năm mà thôi. Đây là điều đáng tiếc thứ nhất!Điều đáng tiếc thứ 2 là thời tiết. Trời đang nắng đẹp bỗng chuyển mây mù và gió thổi mạnh. Mưa bắt đầu lắc rắc. Sự thất vọng bắt đầu được dịp trỗi dậy vì hơn tuần qua ngày nào cũng nắng đẹp nhưng rồi cũng tự an ủi có nắng có mưa mới tạo nên chuyến đi nhiều ý nghĩa. Dù thời tiết không tốt như kỳ vọng, Cataract Gorge Reserve được lựa chọn theo như khuyến nghị điểm đến số 1 tại Launceston của TripAdvisor. Xe qua mấy con dốc và đường đèo cũng tới vì không xa trung tâm thành phố. Mưa nặng hạt và lên cao gió thổi càng lạnh.
Bắt đầu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, khi con người thấy bé nhỏ trước thiên nhiên và bất lực, niềm tin còn lại trao hết cho các vị Bồ Tát và Thần Linh. Thề luôn là chỉ dám vừa đi vừa lẩm nhẩm xin cho mưa tạnh. Ai ngờ khoảng 10 phút sau, bầu trời phía đỉnh đầu bừng sáng, mưa thôi rơi và thấy ánh mặt trời. Tin hay không thì tuỳ nhưng sự thực có những thứ không giải thích được. Trời lại nắng đẹp tuy không trong xanh như Sydney hay Melb nhưng như vậy là quá may mắn. Tranh thủ đi “cáp treo”, thực ra là chairlift (không có cabin, chỉ là chiếc ghế cho 2 người móc vào cáp và chạy từ đầu này sang đầu kia), được mệnh danh là chairlift dài nhất thế giới. Khung cảnh khá đẹp dần hiện ra trong không gian có phần u tịch khi một bên là cây cầu treo Alexandra, một bên là dòng suối chảy giữa những phiến đá hai bên bờ, giữa khu vực là một con đập nhỏ thơ mộng. Cảm giác rất thích thú khi ngắm nhìn từ trên cao. Sau khi tiếp đất, tiếp tục đi lượn trở lại theo lối đi bộ qua cây cầu dây văng Alexandra nối hai vách núi rồi men theo lối đi xuống đập nước nghe tiếng suối róc rách và hít căng lồng ngực. Nếu đi vào mùa thu khi cây đổi màu lá (tháng 4 & 5) thì chắc chắn còn đẹp nữa.
Thật lạ, vừa thoát khỏi khu này thì trời lại nổi gió và mưa. Tiếp tục xuyên mưa gió đi về phía thung lũng sông Tamar (Tamar Valley) mà TripAdvisor khuyến nghị là điểm đến hay thứ 3 tại Launceston. Nghĩ mưa gió thế này mà đi Cruise đâu có vui. Vì lưu lại nơi này chỉ một đêm mà bỏ lỡ Tamar Cruise cũng uổng quá. Vẫn quyết định mua vé dù không hề rẻ, $29/người cho 50 phút du thuyền trên sông Tamar để ngắm cảnh vật hai bờ cũng là một góc trung tâm thành phố. Trong lúc đợi lên thuyền, mưa vẫn không ngớt, lòng vẫn không thôi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Không biết trùng hợp hay linh ứng mà lên thuyền ổn định chỗ ngồi là mưa ngừng và nắng lại hửng lên. Vậy mới có cơ hội ngắm những ngôi nhà có view sông, những cây cầu nhỏ và xưa cũ bắc qua sông, những vách núi thẳng đứng đã từng là nơi tập luyện của các vận động viên leo núi… Nếu kỳ vọng một dòng sông đẹp, nước trong vắt thì Tamar không phải là lựa chọn bởi nước sông đục ngàu do nước chảy từ trên đồi núi xuống.
Chiều muộn, lang thang ra City Park nhưng do mấy hôm trước có festival nên trong công viên còn ngổn ngang đồ đạc, khách chưa được vào xem. Vì vậy nên mới có thêm cơ hội lang thang những con phố chính, ngắm nhà thờ Holy Trinity Anglican, bưu điện thành phố đối diện quảng trường Civic, và những toà nhà xưa được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ 19. Phố vắng, nhẹ nhàng và thanh bình… Những ngôi nhà bên đường cũng nhỏ và thấp với những khu vườn hoa cây cảnh rất nhiều. Ghé siêu thị Coles ngay cạnh khách sạn, phát hiện điều đáng tiếc thứ 3 là cherry Tasmania nổi tiếng cũng đã hết mùa. Cũng may mấy ngày ở Sydney đã kịp thưởng thức những trái cuối cùng năm nay. Phần vì lạnh, phần vì đi bộ nhiều lại bỏ qua bữa trưa nên ai nấy đói cồn cào nên quyết định đi ăn tối ở nhà hàng Mekong, nhà hàng Việt ít ỏi tại thành phố trong khu quảng trường Yorktown. Thèm một tô canh chua nhưng không có, đành phải gọi Tom Yum thay thế. Được cái nhà hàng biết nghe nhạc Việt, mở nhạc Trịnh du dương. “Trong khi ta về lại nhớ ta đi…” – ừ, cuộc đời là những chuyến đi, dù đang ở một hành trình này nhưng đã lo nhớ tới hành trình khác.
EAST COAST TASMANIA – CUNG ĐƯỜNG THẦN TIÊN
Đêm qua ngủ sớm, không mộng mị! Quất một giấc tới tận 7h sáng, cùng chú và anh chị chuẩn bị bữa sáng tại phòng. Xong xuôi mới hơn 8.30 chút, bên ngoài tưng bừng nắng nhưng xem nhiệt độ thấy báo 7 độ C. Lạnh dữ! Nhưng không sao, có ánh nắng có bầu trời xanh mây giăng bay là có thiên đàng rồi. Không thể bỏ qua cơ hội đẹp trời này để ghé City Park ngay góc đường Tamar và Cimitiere. Thực ra nó cũng không có gì đặc sắc lắm, cũng những khóm hoa, hồ nước, hàng cây như bao công viên khác, có chăng nó nằm ngay trung tâm thành phố nên thu hút nhiều du khách, người dân địa phương tới vui chơi và cắm trại hội hè. Gần cổng ra vào lối Tamar có một khu nuôi khỉ, chắc tụi nhóc sẽ thích thú hơn.
Từ Launceston xuống Hobart nếu đi theo đường ngắn nhất chỉ khoảng 2,5 tiếng lái xe (200kms) nhưng không đẹp, cả nhà muốn vừa đi vừa ngắm cảnh nên chọn cung đường biển theo lối đi tới Conara rồi quẹo trái theo highway A4, chạy tiếp cho tới biển phía đông Tasmania thì quẹo phải theo highway A3 và cứ thế men theo đường biển. Từ đây chuẩn bị lồng ngực rộng mở để đón không khí tươi mát từ biển Tasman thổi vi vu suốt 200kms. Đừng quên dừng chân tại Denison beach, nơi có bãi cát trắng mịn tuyệt đẹp như Phú Quốc vậy. Biển vắng và sạch, chỉ có những khách qua đường dừng chân chứ không ai tắm nổi ở nhiệt độ tầm 10 độ C như lúc này. Gần đó có NationWorld nổi tiếng với vườn thú đa dạng chim muông, nếu chưa có cơ hội xem các loài chim thú Australia thì nên ghé thăm.
Cứ theo Tasman Highway sẽ đến Bicheno, một thị trấn chưa đầy 1000 dân nhưng là một địa danh nổi tiếng với bãi đá ánh lên màu đỏ nâu, thoạt nhìn tưởng đám rêu cháy nắng biến thành màu đó nhưng không phải, do giống địa y (lychen) màu đỏ, hãy chiêm ngưỡng và tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng vì không chắc nơi nào trên con đường bạn đi cũng gặp được.
Chạy xe một đoạn, lúc này cung đường tạm thời đi sâu vào phía đất liền, bên phải đường sẽ gặp một cánh đồng thật lớn hoa vàng, loại hoa nổi tiếng tạo nên thung lũng hoa vàng ở San Jose hay gần đây là Phú Yên nhưng quả thật, chưa thấy nơi nào tạo thành thảm vàng tươi như vậy. Ký ức tuổi thơ ùa về với lăn lê bò trườn chạy nhảy trên cánh đồng trải vàng hoa dại.
Hai bên đường vô vàn trang trại nho, những đồng cỏ xanh với đàn cừu cần mẫn. Hiểu thêm một đặc tính của cừu, rất dát người, đi lại gần là chúng nó chạy mất tiêu luôn.
Thị trấn Swansea nhỏ xinh, nằm đúng trung tâm cung đường biển đông Tasmania với dân số chừng 600 người. Cũng đã quá trưa, ghé Fish&Chips Restaurant để thưởng thức seafood của khu vực này. Nguyên tắc đi chơi là không ăn nhiều, nặng bụng, chỉ đơn giản chút chút gì cho có hương vị và cầm cự đến chiều. Prawn Laksa rất ngon, chút mỳ nâu nấu với tôm Tasmania với nước sốt giống như món tom yum của Thai nhưng không cay và ít nước dừa hơn. Trang trại các loại dâu Kates Berry Farm nằm cách nhà hàng khoảng 2km, nơi sản xuất rất nhiều loại mứt dâu, ít nhất 6-7 loại. Ở đây được thoải mái thưởng thức miễn phí các loại mứt và đừng quên ăn món sữa chua blueberry ($5.5/ly) ngon bá chấy luôn, chưa tính tới dâu tây organic, không cần rửa ăn luôn khi vừa hái tại ruộng ($6.5/hộp nhỏ xinh khoảng 20 trái)Rong ruổi suốt mấy tiếng đồng hồ rồi cũng tới Hobart, thành phố lớn nhất Tasmania cũng là trung tâm hành chính. Cảm nhận đầu tiên về Hobart là sự sầm uất với hàng ngàn chiếc du thuyền lấp ló khi nhìn từ con đường chính Sandy Bay Street. Phố xá nơi này đông hơn Launceston nhiều, dù sao dân số hơn 200,000 người lại toàn ô tô nên kẹt xe nhẹ tại những con phố chính cũng là điều dễ hiểu.
Lượn phố và mua trái cây một hồi rồi đi ăn tối tại Nhà hàng Việt -Sapa Restaurant số 77 Harrington, khá nổi tiếng và ngon miệng. Đêm, ngủ trên sườn đồi tại Apartment on the Star, rất đầy đủ tiện nghi cho gia đình đi chơi, nhìn xuống Sandy Bay và xa xa là những ngôi nhà bên kia đồi lung linh trong cái lạnh 9 độ C của mùa hè Hobart, thành phố cực nam của Úc châu.
PORT ARTHUR & HUONVILLE – “ĐỊA NGỤC” & THIÊN ĐƯỜNG
Hôm nay Hobart ấm hơn chút, 12 độ lúc 7h. Hai điểm phải ghé cho ngày thứ 12 ở Úc là Port Arthur và Huonville. Cách Hobart 95 kms về phía đông nam là một địa danh nổi tiếng không chỉ ở Tasmania mà còn trên toàn Úc châu – Port Arthur nơi có nhà tù nổi tiếng cùng tên. Đường tới Port Arthur tốt nhưng hơi hẹp, mỗi bên chỉ có 1 làn xe vì dân cư thưa thớt nên đường rất thoáng.Trên đường đi có ghé ngang Pirates Bay cũng khá đẹp với bãi biển hình vòng cung. Đất ven biển khu vực này dường như đã được bán hết vì thấy chia lô như ở bãi biển Mỹ Khê vậy. Port Arthur Lavender Farm nhỏ xinh ven đường, cũng kịp có mấy hàng lavender tím xinh thơm dịu nhẹ trong buổi sáng tinh khiết. Nhà tù Port Arthur được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2010 nhưng nó có lịch sử phát triển khá dày và nhiều tranh cãi. Từ năm 1833 đến 1853, nơi đây là chốn lưu đày của tội phạm Anh, Ireland và những kẻ nổi loạn sau khi tới Úc. Nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt, canh dữ cẩn mật, có lối ra duy nhất nối với đất liền và được gác bởi dàn lính gác đông đúc và đàn chó bị bỏ đói. Được mệnh danh là nhà tù không thể trốn thoát (sau một nhà tù ở Mỹ) nhưng vẫn có 3 người trốn thoát!
Nhà tù hoạt động cho tới năm 1877 thì ngừng, sau đó có những phiên bán đấu giá tài sản nhưng không thành. Sau đó nhà tù xuống cấp nghiêm trọng, cho đến 1889, chính quyền mới tính đến việc biến nơi đây thành điểm du lịch. Ngày nay những tàn tích được phục dựng khá tốt, còn tương đối đủ các khu vực trong nhà tù. Hàng năm nơi này đón khoảng 250,000 khách, vé vào cửa $37 cho người lớn cũng đủ biết nó mang lại nguồn thu lớn cho Hobart nói riêng và Tasmania nói chung như thế nào.
Trong quần thể di tích nhà tù còn có bảo tàng, nơi hiện đang trưng bày những bức hình của những người con cháu hàng mấy đời của các tù nhân xưa mô phỏng lại tội phạm ngày xưa cụ kỵ của họ phạm tội theo cách nhìn mới đầy tính nghệ thuật. Có những tội rất đơn giản, ăn cắp một cái ly uống nước bằng bạc, ăn cắp vài cuộn len, ăn cắp 2 cuốn sách luật, ăn cắp một cái khăn quàng cổ… mà bị đày tới Tasmania với mức án đều như nhau 7 năm tù. Họ phạm tội ở đủ lứa tuổi, hầu hết là rất trẻ, có cả lứa tuổi lên 10, 11 luôn, rất nhiều trường hợp bị bắt từ những năm cuối thế kỷ 18. Xét về một khía cạnh nào đó, nhà tù chính là nơi dưỡng dục những con người này và họ trưởng thành từ đây thay vì lêu lổng vật vờ đầu đường xó chợ. Sau khi mãn hạn tù, họ lập nghiệp trên mảng đất Úc châu này và giờ đây, con cháu chắt chút chít hoàn toàn có thể tự hào về họ.
Giá vé $37 đã bao gồm 20 phút du thuyền chạy quanh đảo để ngắm nhà tù từ bên ngoài, cũng như có cơ hội ngắm Dead Island – Đảo Chết nơi chôn những tù nhân và những người phục vụ cho nhà tù này. Cũng không có gì đặc biệt ngoài việc được lênh đênh trên sóng nước trong cái gió lạnh của biển khơi thổi vào mới hình dung mùa đông nơi này sẽ khắc nghiệt thế nào.Rời Port Arthur, muốn đi Huonville phải vòng về Hobart vì không có đường nối giữa hai nơi. Huonville cách trung tâm Hobart nửa tiếng lái xe về phía nam, thủ phủ của các trang trại trái cây, đặc biệt là cherry và táo. Ghé Willie Smith Cider House để biết có hàng trăm loại táo ở Australia. Gia đình Smith đã có 4 thế hệ trồng táo tại Huonville rất nổi tiếng trên toàn Tasmania. Đây cũng là nơi chế biến các loại rượu táo ngon nức tiếng trong vùng, có thể thưởng thức 4 ly các loại với nhau giá $12. Bánh táo nơi này rất khác biệt, táo để lát to chứ không cắt nhỏ, tuy nhiên ai không thích ngọt có lẽ không mê loại bánh này.
Do đã hết mùa nên các trang trại cherry chỉ còn các cây đâm chồi nẩy lộc đón mùa mới vào tận tháng 11, nhưng bù lại có vô vàn trang trại táo tại Huonville, nhất là trên đường Nichollis Rivulet. Thật khó cưỡng trước những trang trại táo lúc lỉu quả chín đỏ hấp dẫn vô cùng. Táo chín rụng rải rác khắp vườn. Cứ thoải mái hái một trái chín đỏ trên cây, chùi nhẹ vào vạt áo cho sạch bụi đường, đưa lên miệng để hưởng trọn vị giòn tươi mà thiên nhiên và chủ vườn ban tặng. Đúng là thiên đường trái cây!
Về lại Hobart khi hoàng hôn sắp buông trên khu vực Hobour Front. Phố xá nhộn nhịp hơn người qua lại, đặc biệt khu Salamanca Square, nổi tiếng không kém khu vực vịnh tại Hobart. Đi dạo tại con phố đông đúc sau đó quay ra khu vực Elizabeth St Pier để ăn tối tại bên bến cảng là một happy ending cho một ngày rong ruổi trên những cung đường quanh các bán đảo của các vùng lân cận Hobart.
HOBART – MOUNT WELLINGTON MỜ MỊT VÀ MONA NỔI LOẠN
Ngày cuối cùng ở Tasmania, cũng đã trải qua những cung đường đẹp, những con phố đẹp cổ kính và bận rộn của Hobart vì dù sao nó cũng là thành phố lâu đời thứ 2 ở Úc, sau Sydney. Hôm nay dự báo một ngày thời tiết không đẹp lắm, tuy không mưa nhưng mây mù che kín cả bầu trời Hobart, khả năng đến 3h chiều mới có nắng.Để hành trình thuận lợi nhất và tiết kiệm thời gian đến phi trường Hobart kèm theo việc trả xe cho bên dịch vụ cho thuê xe, vẫn quyết định buổi sáng đi Mount Wellington trước mặc dù biết khả năng trời mù mịt là 95%, sẽ không nhìn thấy gì. Từ trung tâm Hobart lái xe lên Mt. Wellington chừng hơn 30 phút, giữa đường mây mù đã che kín lối nhưng vẫn cho xe lên vì nếu có nguy hiểm gì thì đường đã bị đóng. Đám mây mù thoắt ẩn hiện tuỳ thuộc từng khúc quanh, có lúc sáng bừng có lúc không thấy gì luôn. Cuối cùng cũng lên tới đỉnh núi – sự lựa chọn số 1 của Tripadvisor. Đúng như đã lường trước, gió rít từng hồi, những đám mây nặng trĩu nước tạt vào kính xe, cả bầu trời màu trắng đục, đặc sệt. Lên tới đây mà không chạy ra ngoài check-in thì thật uổng. Lại lẩm nhẩm Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Không đùa nhé, rất thành tâm. Và không ai ngờ tới là mặt trời ló lên được 2 lần giữa những cơn gió giật liên hồi và mây mù kín bưng khắp lối, tuy rất ngắn ngủi nhưng cũng kịp làm cho không gian bớt đi màu u ám. Vậy cũng là may mắn lắm cho việc chạy ra ngoài xe trong cái lạnh 2-3 độ thốc vào người. Nhiệt độ trên Mt. Wellington bao giờ cũng thấp hơn dưới Hobart 10 độ, mùa đông trên đỉnh này thường từ -2 đến 4 độ còn mùa hè từ 4 đến 12 độ tuỳ ngày.
Lang thang khu vực đỉnh núi khoảng 15 phút, cảm thấy mười ngón tay như bị cước nên phải chui lại vào xe rồi xuống núi. Giữa đường trời mới bắt đầu hửng nắng nhưng nhìn ngược lên trên đỉnh mây vẫn trắng xoá một vùng. Một vài điểm dừng chân có lối đi bộ vào rừng, trong không gian thơm ngát mùi khuynh diệp nhưng tịnh không thấy em koala nào cả, từ đây có thể nhìn thấy thành phố Hobart phía dưới.
Chạy tới một nơi khác, MONA viết tắt của Museum of Old and New Art – Bảo tàng Nghệ thuật Xưa và Đương đại, điểm đến cũng được Tripadvisor khuyến nghị. Nằm trên một bán đảo khá đẹp, MONA là bảo tàng tư nhân lớn nhất nước Úc và nhờ tính táo bạo và nổi loạn mà MONA trở thành một trong những bảo tàng được nói tới nhiều nhất trên thế giới. Không theo những thiết kế và chỉ dẫn thông thường, khách tham quan được phát một màn hình cảm ứng nhỏ như Iphone kèm tai nghe, đi đến điểm nào thì màn hình hiện ra điểm đó và cung cấp thông tin về hiện vật/ tranh trưng bày. Dịp này, chương trình đinh của bảo tàng là không gian trưng bày nghệ thuật của cặp đôi nghệ sỹ Gilbert & George kéo dài từ 28/11/2015 cho tới tận 28/02/2016. Nét độc đáo ở chỗ hai nghệ sỹ hàng đầu Úc châu tuy tuổi đã già nhưng vẫn dũng cảm khoả thân khoe trym cò để đưa ra 97 bức tranh khổ lớn với những ý tưởng kỳ quái, cao siêu nhưng không dung tục. Mọi người đùa hai ông già này sướng nhất thế giới “tụt quần xuống là có tiền”, không những có tiền mà lại còn rất nhiều tiền.
Một nét gây shock nữa là trên tầng 2 nơi trưng bày cận cảnh bộ sưu tập (hình như của nghệ sỹ trẻ Julia Deville) cả trăm cái bím khác nhau, ai đi qua cũng không khỏi tò mò dán mắt nhìn và cười khúc khích với những câu nhận xét “they are not the same/chúng đâu có giống nhau”. Các đợt triển lãm đều gây sốc và táo bạo kiểu như vậy nên MONA còn được mệnh danh là “Disney cho người lớn”.
Cũng sắp tới giờ ra sân bay. Trên đường đi có ghé ngang nhà máy chocolate Cudbury nhưng tiếc là họ đóng cửa không cho du khách vào, không giống như nhà máy trên đảo Philip ở Mornington, Victoria. Quay về sân bay trả xe và check-in. Chú và anh chị bay Jetstar về Sydney còn lại một mình đợi chuyến bay Tiger TT504 quay về Melbourne lúc 5.45. Cảm xúc bịn rịn khó tả, biết bao giờ mới lại cùng nhau rong ruổi một chuyến như vậy nữa trong đời…
TẠM BIỆT ÚC CHÂU
Chuyến bay MEL-SGN khởi hành lúc 11.25 nhưng vẫn thu xếp đi sớm để phòng bất trắc và còn mua mấy thứ ở sân bay mọi người gửi gắm. Rời nhà cô em tầm 8h, đường rất thoáng phần vì ngày chủ nhật, phần vì đêm qua Melb có White Night – một đêm ăn chơi thâu đêm để tạm biệt mùa hè, chào đón mùa thu, sáng ra bà con mới đi ngủ. Check-in VNA ở hàng G nhưng thực ra khỏi cần xem bảng thông tin cũng biết vì nơi nào ồn ào hỗn loạn nhất thì nơi đó là counters của quê nhà. Đang loay hoay tìm bảng Priority để xếp hàng vì bị dòng người lố nhố chặn hết thì một ả nhắc khéo mình, anh phải xuống xếp dưới cùng. Ờ, đây biết chứ không phải không biết nhá, đang thắc mắc sao hạng ưu tiên nay đông và nhốn nháo thế. Một nhân viên sân bay lại gần hàng và hỏi từng người hạng vé là gì. Lúc đó mới ồ à thì ra là vậy, pà kon cứ vô tư xếp và tiến vô quầy ưu tiên, thảo nào tắc nghẽn. Sau vô duyên phần một lại tiếp đến vô duyên lần hai khi gặp phải nhóm check-in group, chẳng hiểu sao họ được check-in khu này, hay thằng cu HDV lại dúi tiền cho tụi làm thủ tục (nghi lắm, VN mà!). Sự hỗn độn thấy rõ khi tiếng í ới gọi nhau như ở làng, “tháo dây ra và chen vào, có ai đâu toàn nhà mình cả mà” làm cho hai bạn Tây ngao ngán lắc đầu và nhường hết cho nhóm lộn xộn đó. Chưa hết, tiếng băng keo xoẹt xoẹt thi nhau tra tấn tai những người xếp hàng xen lẫn tiếng cằn nhằn của chồng “chằng gì mà kỹ thế” với tiếng lầu bầu của vợ “quấn cho hết băng dính, cho chắc ăn”… Đến lượt, em làm thủ tục đen đen, hình như gốc Ấn hoặc Sri Lanka, nói hành lý của mày xuống Saigon lấy ra check-in tiếp nhé. Chẳng cãi vì cái này quy định rồi, một cái không chịu cải tiến của VNA trong khi cùng hãng bay mà hành lý không được chuyển đến điểm cuối. Hai thùng carton và một vali, tổng 51kgs, vượt 6kgs mà em í vẫn tươi cười…Thủ tục xuất cảnh Úc rất đơn giản và nhanh chóng. Khai báo vào form để sẵn, đưa hộ chiếu vào máy quét, máy nhận dạng xong, lấy hộ chiếu ra và bước tới nơi chụp hình, nhìn thẳng vào camera và cười tươi cho đến khi có tín hiệu xong, chỉ trong vòng 2-3 phút, chả hỏi han mắc dịch gì… Thêm điểm cộng cho nước Úc là mọi thứ áp dụng công nghệ hiện đại nên tiết kiệm tối đa thời gian cho mọi người.Lượn lờ mua thêm rượu, chocolate, nước hoa/dầu thơm mọi người nhờ. Lưu ý khi dùng thẻ thanh toán tại đây là mất thêm phí hơn 1%, trong khi xài tiền mặt thì không sao. Cái này có lẽ là điểm trừ của Úc. Xong xuôi, thấy bản thân không còn nhu cầu gì thêm, thời gian còn nhiều ghé phòng chờ Qantas Business Lounge. Thật xứng đáng hãng hàng không 5 sao, đồ ăn thức uống phong phú, đặc biệt có luôn cái máy ép trái cây to vật. Nhịn không được, làm hai ly lo tổ bố táo và cần tây sau đó là carot và táo… ngon hết chỗ nói! Chuyến bay dự kiến 8h và 10 phút, cũng không thành vấn đề. Ông bạn cơ trưởng hẹn ngồi dưới một lúc rồi lên chơi. Tiếc là hôm nay 24 chỗ hạng C kín nên không có cơ hội để bạn nâng hạng cho mình. Ngồi dưới khoảng hai tiếng, mới rón rén xin phép lên gặp cơ trưởng cơ phó để có dịp chứng kiến công việc của các bạn trên một chuyến bay. Gần 2 tiếng học cũng được khối thứ về logistics, tiêu hao nhiên liệu, nhiễu động, tăng giảm độ cao, quét radar, khi nào thì phải bay vòng vòng, các bảng điều khiển chằng chịt… Quan trọng nhất là ngộ ra rằng bay từ Saigon đi Sydney lại dài hơn đi Melb mặc dù Melb nằm tít dưới, trái với logic của mình lâu nay. Chị tiếp viên xinh đẹp mà có dịp ăn tối cùng nhau ngày hôm trước rất tận tình hỏi han thích ăn gì uống gì chị lấy. Nể quá, mới xin chị dĩa trái cây gồm nho, dâu tây, chà là…tuyền những thứ tốt cho chuyến bay dài. Có chộp vài tấm với cơ trưởng nhưng vì lý do an ninh nhạy cảm nên sẽ đợi khi nào ông bạn về hưu thì mới post lên FB
🙂 Chuyến bay quốc tế chuẩn giờ bao nhiêu thì chuyến quốc nội lại thê thảm bấy nhiêu. Đúng giờ là 5.45 chiều cất cánh từ SGN về HAN nhưng cứ bị delay hoài, 7h tối mới lăn bánh trên đường băng. Đã thế hành lý đến SGN phải lấy từ bang chuyền ra, qua hải quan soi xong rồi mới được đội chuyên hành lý chuyến sang ga quốc nội. May mắn nhất là hơn 50kg hành lý vẫn nguyên vẹn hình hài, không rách rời chắp vá. Về tới nhà là 10h tối, mệt rũ và buồn ngủ không chịu nổi vì lúc này là 2h sang Úc châu. Vậy là 16 ngày rong ruổi miền đông và nam nước Úc cũng đã trở thành hoài niệm. Bỏ lại sau lưng những ngày hoa mộng để lại đối mặt với những bộn bề cuộc sống…
Du lịch Châu Úc
Leave a reply