Bạn muốn kiếm một món ăn của người miền bắc, dễ ợt; quán mì quảng, quá trời; một nồi lẩu mắm, có rất nhiều. Ken muốn giới thiệu đến mọi người một số món ăn ưa thích của Ken mà cứ đi đâu là thèm là nhớ:
Người Sài Gòn, dường như được định nghĩa dễ lắm, cứ được sinh ra, hoặc lớn lên, hoặc lập nghiệp và yêu Sài Gòn thì được gọi là người Sài Gòn.
Sài Gòn nói nôm na như một nồi “lẩu thập cẩm” vì nơi đó có dân di cư từ những vùng miền khác đến như miền tây lên, miền bắc miền trung vào. Chính vì vậy ẩm thực sài gòn rất ư là phong phú.
CƠM TẤM
Nếu nói phở là đặc sản của Hà Nội, người Sài thành cũng tự hào vì có món cơm tấm ai đi xa đều nhớ. Cơm tấm là một trong những món ăn đặc biệt ưa thích của người miền Nam, nhất là ở Sài Gòn. Được nấu từ những hạt gạo thứ phẩm, đó là loại gạo có giá thành thấp và trước đây chỉ những gia đình khó khăn mới ăn mà thôi, nhưng trong khoảng thời gian trở lại đây, cơm tấm đã dần trở nên quen thuộc và là một đặc sản của người Sài Gòn.
Miếng sườn khá lớn, ướp nước tương, khi nướng lên có màu vàng đều đẹp mắt và khá thấm vị. Chén nước mắm ớt chua ngọt được phục vụ kèm để thực khách rưới lên theo khẩu vị. Bên cạnh cơm tấm sườn bì chả đã quá quen thuộc, bạn có thể lựa chọn kết hợp cùng các món ăn khác như chả trứng, canh khổ qua.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Cơm tấm 74 Nguyễn Văn Cừ, Quận 1 kế bên KFC bán từ 7h đến 15h
- Nếu muốn ăn đêm thì ăn cơm tấm Tứ Quí ở chợ đêm Tân Định, đường Hai Bà Trưng, Quận 1.
BỘT CHIÊN
Bột chiên là món ăn đơn giản có nguồn gốc từ Trung Hoa, được du nhập vào Việt Nam và là món ăn chơi, ăn sáng hoặc ăn khuya quen thuộc ở khu vực Sài Gòn cũng như một số nơi khác. Để chiên bột, người ta sử dụng chảo gang to cỡ cái nia và đặt trên bếp với lửa rất lớn (gọi nôm na là “bếp khè”) để bột đạt đủ độ giòn và vẫn mềm bên trong, chất lượng bột sau khi chiên sẽ không đảm bảo khi dùng chảo thường và bếp ga gia đình. Khi chảo thật nóng, cho vào lượng mỡ nước vừa đủ cho bột không dính chảo, không nhiều, cho 10 – 12 miếng bột vào chiên vàng mặt, sau đó đập vào 1 quả trứng gà, tán đều ra, rắc thêm một ít hành lá, rồi lật úp lại cho vàng mặt kia. Một mảng bột chiên lớn sau khi chiên thường dùng kèm với đu đủ hoặc cà rốt ngâm chua và tương ớt hoặc sa tế và một loại nước tương pha thật nhạt, công thức nước chấm tùy theo kinh nghiệm người bán.
Ken hay kêu bột chiên giòn hai trứng.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Bột chiên vỉa hè ngay ngã ba Phùng Khắc Khoang và Điện Biên Phủ do một cặp vợ chồng già bán lúc chiều tối.
- Bột chiên Đạt Thành 227 Võ Văn Tần, Quận 3
BÁNH MÌ Ổ
Không nơi nào ở Việt Nam có bánh mì ngon như ở Sài gòn. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều nơi bán, từ nhà hàng sang trọng cho tới những quầy hàng rong dọc đường. Từ dòng bánh mì thịt này, Sài Gòn đã dần phát triển ra hàng chục loại bánh mì vô cùng phong phú, với các nhánh bánh mì xuất phát từ Hà Nội, bánh mì thịt đỏ luộc, bánh mì phá lấu, heo quay, xíu mại của người Hoa, bánh mì bì của người Sài Gòn ảnh hưởng từ cơm tấm, bánh mì chả lụa các loại của người Bắc. Gần chục năm nay thì có thêm các loại bánh mì biến tấu vô cùng độc đáo lạ miệng như bánh mì chả cá, bánh mì khô bò, bánh mì thịt nướng, bánh mì cá kho…
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Bánh mì Huỳnh Hoa – 26 Lê Thị Riêng, Quận 1
- Bánh mì Bảy Hổ, 19 Huỳnh Khương Ninh, quận 1
- Bánh mì phá lấu Tâm Ký, 823 Nguyễn Trãi, quận 5
BÚN THỊT NƯỚNG CHẢ GIÒ
Sự kết hợp của rau sống, thịt nướng, đồ chua, nước mắm, tạo nên hương vị lạ miệng cho bún thịt nướng. Thịt nướng quyết định chính sự ngon miệng của món ăn. Thịt muốn được ngon phải được tẩm ướp đủ đầy. Rồi thơm lừng mùi sả vừng mới chuẩn. Dừng chân ghé lại quán bún thịt nướng là thể nào cũng thấy chiếc lò nướng thịt than cháy hồng rực một mảng. Tí tách từng vụn lửa mỏng tang nổ bôm bốp rồi tắt vội trong không trung. Miếng thịt được kẹp trong hai chiếc nẹp gỗ nho nhỏ. Nướng mặt này rồi lại nướng mặt kia. Nặt nào tiếp xúc với lửa là mùi mỡ được cháy vang lên thơm lừng, miếng thịt bắt đầu đổi màu nom đẹp đã mắt.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Bún thịt nướng vỉa hè số 1 đường Nguyễn Trung Trực, Quận 1
- Bún Thịt Nướng Chị Tuyền 175C Cô Giang, Phường Cô Giang, Quận 1
PHÁ LẤU
Phá lấu là một món ngon được làm từ nội tạng bò hoặc heo như tai, lòng non, bao tử, phèo… Cách nấu thực chất không có nhiều quy trình phức tạp, song ở bước sơ chế nội tạng heo thì phải cực kì kỹ lưỡng vì nếu để lòng heo còn mùi hôi thì sẽ không thể ăn được nữa. Ngoài ra, bạn cần có thời gian khoảng 1,5 – 2 tiếng nấu và ướp trước đó 2 tiếng để hoàn thành món ăn này.
Phá lấu đúng chất và “đúng tác quyền” nhất phải là từ lòng bò. Thế nhưng, ngày nay, lòng heo cũng đã được sử dụng phổ biến để tạo nên một chén phá lấu ngon hấp dẫn. Nhiều người thường nói vui rằng, ai mê ăn vặt, đặc biệt là ở Sài Gòn mà chưa biết đến phá lấu thì chưa phải là “sành”. Bởi lẽ, phá lấu là món ăn vặt được bán ở khắp các quán xá nhỏ, làm món nhậu ăn chơi cũng rất tuyệt vời.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Cô Thảo – Phá Lấu Bò 243/29G Tôn Đản, P. 15, Quận 4
HỦ TÍU NAM VANG
Sài Gòn được xem là thiên đường của món hủ tiếu. Từ những gánh hủ tíu gõ tới từng ngõ ngách, tới những nhà hàng sang trọng. Hủ tiếu cũng có lắm loại, nào hủ tiếu cá, hủ tiếu bò kho,.. tuy nhiên nổi danh nhất là món hủ tiếu Nam Vang.
Hủ tiếu Nam Vang là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, do người Hoa chế biến. Về cơ bản, nó cũng có nhiều nét tương đồng với món mì vằn thắn hay phở trộn của người Việt. Nguyên liệu chính nấu món hủ tiếu Nam Vang bao gồm sợi hủ tiếu khô, nước dùng gồm thịt băm nấu với lòng heo. Phần nhân gồm có tôm, thịt băm, thịt luộc, gan luộc,…Người ta sẽ đem trụng sơ mì với nước dùng, sau đó, thêm các loại rau sống như giá hẹ cùng thịt bằm và lòng heo vào. Một vài nơi còn cho thơm hành phi vàng, bông cải để món ăn thêm phần thu hút. Điểm đặc biệt của món hủ tiếu Nam Vang chính là món nước lèo. Có hàng trăm quán hủ tiếu ở Sài Gòn, nhưng không phải quán nào cũng nấu cho ra được vị nước lèo béo, thơm, đượm mùi xì dầu mà ăn vẫn không hề bị gắt.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Hủ Tiếu Nam Vang Quỳnh – A65 Đ. Nguyễn Trãi, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
BÚN MẮM
Bún mắm là loại món ăn dân dã, nước lèo được chế biến từ mắm cá linh, cá sặc. Món ăn kèm với nhiều loại rau sống, mang hương vị đậm đà khó quên.
Thưởng thức một tô bún thơm phức mùi mắm, dùng kèm các loại rau “hương đồng gió nội” như cảm nhận trọn vẹn cái tình, cái nghĩa ngọt ngào của miệt sông nước miền Tây. Nước lèo được nấu chỉ lấy cốt từ cá linh, cá sặc đồng có mùi vị đặc biệt; và lấy chất ngọt từ con cá lóc hay xương lợn… Nồi nước lèo sôi thơm phưng phức được chan vào tô bún cho ngập nước. Để cọng bún mềm và nóng, bạn có thể chần bún qua một lần rồi đổ nước lèo trở lại nồi. Sau đó, bạn xếp miếng cá hấp, lát thịt ba rọi (hay lợn quay), tôm, mực, cà tím, chả nhồi ớt đỏ bên trên, kèm theo rau thơm… Món ăn nhờ vậy sẽ thêm phần hấp dẫn, đẹp mắt và ngon miệng.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
BÚN RIÊU CUA
Gánh bún riêu thơm phức, nghi ngút khói sẽ làm bạn choáng ngợp thực sự. Nồi bún riêu “cực hoành tráng” lúc nào cũng tràn ngập các loại topping nào là: riêu cua, đậu hủ, huyết, cà,…lúc nào cũng nóng hổi. Chỉ nhìn thôi là cũng thấy thèm!
Tô bún riêu đúng kiểu miền Nam đầy ắp các loại từ chả cây, huyết, đậu hũ, gạch cua có luôn cả giò heo. Vị ngọt từ xương thịt, vị đậm đà từ mắm tôm, vị thanh của riêu cua tất cả hòa quyện mang đến bạn một hương vị “chất đến ngây ngất”.
Địa chỉ ưu thích của KCT:
- Bún riêu Gánh – 4 Đường Phan Bội Châu, Phường Bến Thành, Quận 1
Lời nhắn nhủ:
Đôi khi khó có thể viết hết hoặc chia sẻ hết những gì Ken biết. Nếu trong trường hợp bạn cần thêm thông tin gì thì đừng ngần ngại liên lạc với Ken. Không hứa là giải đáp được tất cả thắc mắc nhưng biết gì sẽ nói nấy:
- Email: kinhnghiemdulichkct@gmail.com
- Fanpage: https://www.facebook.com/kct.Phuot
Leave a reply