• Menu
  • Menu

AZERBAIJAN – MIỀN ĐẤT CỦA LỬA

Nguồn: ThaiDzuy

Một trong những trở ngại của con cháu Lạc Hồng khi đi ra nước ngoài là việc xin visa, khó khăn và nhiều thủ tục. Vì vậy ngay sau khi tìm hiểu Azerbaijan và Georgia là hai quốc gia láng giềng lại chỉ cần e-visa thì quyết định lên đường được đưa ra trong phút mốt, thay vì đi Egypt vừa trải qua khủng bố.

Từ quê nhà muốn đi tới những nơi này cũng có nhiều lựa chọn. Vì từng là một phần của Liên Xô cũ nên luôn có đường bay trung chuyển qua Moscow bằng Aeroflot hoặc qua các sân bay Trung Quốc bởi China Southern Airlines. Cũng có thể qua Bangkok. Nói chung tuỳ thời gian đi và ngân quỹ mà lựa chọn hãng bay và hành trình. Sau khi so sánh, cân nhắc các phương án, bay qua Dubai là hợp lý nhất, tuy không phải rẻ nhất nhưng giờ bay thuận lợi cho dân công sở. Rời Hanoi lúc 11.20 khuya, hạ cánh Dubai rạng sáng và từ đó nối chuyến đi Baku, thủ đô Azerbaijan. Chiều về thì đi từ Tbilisi, thủ đô của Georgia tới Dubai rồi lại nối chuyến về Hanoi ngày hôm sau.

E-visa Azerbaijan rất đơn giản, điền thông tin theo đường link https://evisa.gov.az/en/ nhớ chuẩn bị sẵn bản chụp mặt hộ chiếu và hình hộ chiếu để upload, trả tiền online 24$. Nếu không có lỗi gì thì sẽ nhận được email chấp thuận sau 3 ngày làm việc.

Mua vé xong, e-visa xong và đợi tới ngày lên đường. Chuyến bay Hanoi – Dubai bằng Emirates diễn ra theo đúng tiêu chuẩn 5 sao, nhưng chẳng có miếng che mắt cho dễ ngủ và tất chân cho ấm đâu, chuẩn bị trước sẽ tốt hơn. Chuyến tiếp nối từ Dubai đi Baku được vận hành bởi FlyDubai, một hãng con giá rẻ của Emirates. Vì giá rẻ nên phải chấp nhận vài thiệt thòi. Hạ cánh Dubai ở Terminal 3, phải tìm đường qua Terminal 2 khá lắt léo và xa, đi cả train cả bus mới tới nên phải lưu ý thời gian trung chuyển ít nhất 3 tiếng mới an tâm, nếu không là sẽ phải chạy tụt dép!

Chỉ khoảng gần 3 tiếng bay qua địa phận Iran là hạ cánh xuống Baku. Sân bay quốc tế Baku không lớn lắm, xinh xắn, gọn gàng và sạch sẽ. Khá vắng nên thủ tục nhập cảnh cũng nhanh, chắc do ít khách Việt Nam qua nên nhân viên hải quan có vẻ phấn khích khi thấy hộ chiếu VN và được yêu cầu xem xét hộ chiếu kỹ hơn, soi bằng kính lúp mấy lần để xem có làm giả hay không.

Sân bay Quốc tế Baku Heydar Aliyev International Airport nhỏ xinh và sạch đẹp
Cuối tháng 4, nắng tưng bừng nhưng rất mát, chỉ khoảng 20 độ C

BAKU – THÀNH PHỐ CỦA GIÓ

Thời tiết cuối xuân đẹp vô cùng. Nắng chan hoà nhưng rất mát mẻ chỉ tầm 17-18 độ, cực thuận tiện cho các hoạt động ngoài trời. Chạy về trung tâm Baku khoảng 35-40 phút, đường thoáng và đẹp. Cuối cùng, sau 16 tiếng bay và trung chuyển, con cháu Lạc Hồng cũng đặt chân tới Azerbaijan, miền đất của Lửa!

Baku, thủ đô và là thành phố lớn nhất Azerbaijan, cũng là thành phố lớn nhất quanh biển Caspi. Baku có nghĩa là thành phố của gió bởi quanh năm gió thổi. Có hai loại gió phổ biến ở Baku – Khazri lạnh và thô, và Gilavar nhẹ nhàng và dịu dàng. Khazri gắn với sự tiêu cực, trong khi Gilavar gắn liền với sự tử tế, giống như sự đan xen của Thiện và Ác.

Baku tương đối đắt đỏ, phòng khách sạn 3-4 sao cũng tầm khoảng 100$/đêm. Chúng tôi chọn thuê một căn hộ trong một chung cư cũ ngay trên trục đường chính Seyx Samil 45, trong khu phố trung tâm của Baku với đầy đủ phòng khách phòng ngủ và bếp để tiện nấu ăn nếu muốn. Từ nơi này dễ dàng đi bộ tới các điểm tham quan chính trong thành phố.

Tháp Maiden là địa danh đặc biệt ở Baku, là biểu tượng không chính thức của thành phố này suốt nhiều thế kỷ. Maiden là toà tháp hình trụ được xây dựng bằng gạch dày trên một mỏm đá nhô ra biển Caspi. Maiden cao đúng 28 mét, bằng độ thấp hơn của Caspi so với mực nước biển, có nghĩa đỉnh của Maiden bằng với mực nước biển. Người ta vẫn tranh cãi về niên đại xuất hiện toà tháp này, có thể nó được xây dựng vào thế kỷ 12. Mục đích sử dụng toà tháp này cũng không được xác định rõ, có thể chứa nước, có thể phòng thủ, hoặc có thể là nơi chứa xương người chết… Ngày nay Maiden nằm giữa một quảng trường đẹp, có những quán cafe shisa phong cách. Trong lòng Maiden là một bảo tàng nhỏ. Maiden được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2000.

Dưới chân Tháp Maiden

Cung điện Shirvanshah là nơi sinh sống của các Shirvanshah, những người cai trị khu vực Shirvan, được xây dựng từ thế kỷ 12-15. Đây là khu phức hợp được bao quanh bởi tường thành, bên trong có toà chính của cung điện, hầm mộ, nhà thờ Hồi giáo và nhà tắm. Trong chiến tranh 1918 tại Baku, phần lớn lâu đài bị phá huỷ, đồng thời những đồ gốm và các báu vật khác đã bị người Nga chiếm đoạt mang về bảo tàng ở Saint Peterburg vào những năm 1920. Phần thấp nhất của cung điện nằm sâu dưới lòng đất và bị lãng quên suốt một thời gian dài. Những đợt khai quật gần đây mới phát hiện ra những đoạn chữ viết bằng tiếng Arab được sử dụng để trang trí. Shirvanshah Palace được UNESCO công nhận là di sản văn hoá vào năm 2000.

Bài viết liên quan:  Ký sự Paris of Love - Đạp xe xuyên rừng ở Hà Lan
Bên hông Cung điện Shirvanshah
Phía trước cung điện là quảng trường khá rộng

Heydar Aliyev Center được đặt theo tên vị Tổng thống thứ 3 của Azerbaijan, hiện nay đã trở thành một biểu tượng mới của Baku. Được thiết kế bởi KTS Zaha Hadid người Anh gốc Iraq và hoàn thành vào năm 2012. Với kiến trúc khác biệt, độc đáo, khác hẳn với kiến trúc Baku dưới thời Liên bang Soviet, Heydar Aliyev Center được đồn thổi là một trong những công trình có chi phí đắt đỏ nhất Âu châu tính trên mét vuông. Trung tâm gồm một bảo tàng, phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và khán phòng. Các bức tường gấp, lỏng của toà nhà thể hiện mối quan hệ mật thiết với cảnh quan và văn hoá của Baku. Toàn bộ thiết kế mang ý nghĩa thể hiện sự mong muốn của Azerbaijan trong sự pha trộn giữa quá khứ và tương lai của dân tộc.

Biểu tượng mới của Azerbaijan
Con phố tĩnh lặng giữa lòng Baku. Lát đá đặc trưng.
“Totochan” bên cửa sổ
Một trong những khu phố đi bộ ở Baku
Biển Caspi giúp Baku trở thành Dubai thứ hai
Flame Towers rực rỡ về đêm

Ngoài ra Baku còn có khu phố cổ với những con phố lát đá cực thanh bình hay những khu trung tâm nhộn nhịp suốt ngày đêm. Tháp lửa là khối kiến trúc 3 toà nhà mang hình ngọn lửa cao nhất thành phố có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi nào tại Baku. Tháp về đêm rất lung linh với hiệu ứng ánh sáng huyền ảo. Bờ biển Caspi của Baku được điểm xuyết bởi những công trình kiến trúc đẹp, làm tôn lên vẻ hiện đại của một thành phố cảng. Baku còn được ví như Dubai của khu vực Kavkaz. Công viên Upland sáng trưng về đêm bởi hàng ngàn bóng đèn gắn trên các bậc thang lên đồi. Công viên được xây dựng như là một công trình chào mừng sự kiện Azerbaijan độc lập, tách khỏi Liên bang Soviet trước đây.

GOBUSTAN MUD VOLCANOES

Gần Công viên địa chất Gobustan có khu vực núi lửa bùn còn hoạt động. Cực kỳ thú vị khi chứng kiến cảnh tượng hiếm nơi nào có được, bùn vẫn đang được phun trào lên một cách nhẹ nhàng, từ từ và rất nghệ thuật. Hỗn hợp bùn có thể bao gồm đất, lưu huỳnh và dầu nên không biết có coi là bùn khoáng như vùng biển Chết được không. Người địa phương thì cho rằng họ vẫn sử dụng bùn khoáng này để làm đẹp da.

Núi lửa bùn vẫn còn hoạt động ở Gobustan
Bùn khoáng vẫn tuôn chảy hàng triệu năm nay…

Đường vào khu vực này khá xấu, xe lớn không vào được mà có đội quân taxi chủ yếu xe lada thần thánh đưa vào. Giá chung 10$ cho đoạn đường cả đi về hơn 10km. Rất đáng để ghé thăm!

GOBUSTAN NATIONAL PARK

Gobustan, công viên có diện tích 537 km2 bao gồm trong nhà và ngoài trời, nằm cách khoảng 70 km về phía tây nam của thủ đô Baku. Khu khảo cổ Gobustan được phát hiện vào năm 1930, năm 1966 trở thành công viên lịch sử quốc gia, đến 2007 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Toàn cảnh Công viên Gobustan nhìn từ xa
Cổng vào
Những lối đi rất điện ảnh
Khung cảnh 100% thiên nhiên
Một trong hơn 6,000 hình vẽ ký tự trên đá

Trên thực tế bạn không đủ thời gian và sự kiên nhẫn để đi xem hết 6.000 hình vẽ được tìm thấy trên vách đá các hang động bởi nó rộng lớn và đòi hỏi kiến thức về khảo cổ. Hình vẽ chủ yếu mô tả các hình người, hình thú, các trận đấu bò, các điệu nhảy trong các nghi lễ, hình các chiến binh trên tay cầm gươm giáo, các thương đoàn lạc đà, hình mặt trời và của các vì sao… Những hình vẽ phong phú này cùng với các dụng cụ bằng đá ở đây đã tiết lộ phần nào về đời sống của người tiền sử trong khoảng thời gian từ 6,000 cho đến 40,000 năm về trước.

BÁN ĐẢO ABSHERON

Tại Azerbaijan, người dân tin rằng các nguồn lửa là biểu hiện sức mạnh của thần thánh nên họ luôn tôn thờ và thần thánh hoá nó.

Ngọn lửa vĩnh cửu tại Yanardag

Núi Yanardag là điểm dừng chân độc đáo bởi nó được mang tên Ngọn lửa vĩnh cửu ở Azerbaijan. Yanardag thuộc làng Mehemmedi cách Baku chừng 25km về phía bắc, có tuyến bus nối hai địa điểm này. Yanardag thực ra là một ngọn đồi thấp, ngay từ thời cổ đại đã có khí đốt ngầm thoát ra từ các khe đá trên sườn đồi, và cứ như thế ngọn lửa vĩnh cửu được đốt suốt cả ngàn năm qua.

Đền Ateshgah

Cách Yanar Dag chừng 5km là đền Ateshgah, còn gọi là đền lửa nằm ở làng Surakhany. Từ thời xa xưa, đây là thánh địa của những người thờ phụng Thần Lửa theo giáo phái Zoroastrians hành hương từ Ấn Độ vượt qua hàng ngàn km tới đây. Trung tâm đền có toà tháp nhỏ lưu giữ ngọn lửa vĩnh hằng dành cho mọi người tới đây cầu nguyện. Xung quanh toà tháp là dãy nhà cấu trúc hình ngũ giác trong đó có có những gian phòng như các bảo tàng thu nhỏ, minh hoạ cho đời sống của các tín đồ thuộc giáo phái Zoroastrians.

Bài viết liên quan:  Six Senses

LĂNG DIRI BABA

Diri Baba là một lăng mộ hai tầng được xây dựng độc đáo như tạc vào đá từ năm 1402 tạo cảm giác khiến cả toà nhà như lơ lửng trong không trung. Nó được gắn với truyền thuyết thánh Diri Baba bất diệt đã được chôn tại nơi này. Cho tới tận thế kỷ 17, nó mới được nhiều người biết tới, chủ yếu là khách hành hương và những du khách tò mò, muốn tìm sự độc đáo như chúng tôi. Cảnh quan xung quanh cũng khá đẹp và ảo diệu, nhất là con đường mòn dẫn tới một số hang động phía bức tường phía bắc của toà lăng mộ.

This image has an empty alt attribute; its file name is 22.jpg
Diri Baba như được tạc vào trong lòng núi

JUMA MOSQUE

Juma Mosque là nhà thờ hồi giáo lớn nhất Azerbaijan tại Samakhi, với kích thước 46 mét dài và 28 mét rộng, cũng là vật chứng cho suốt một giai đoạn lịch sử chiến tranh liên miên với Georgia và Armenia. Juma được xây dựng vào khoảng năm 744 sau công nguyên. Chiến tranh và động đất đã khiến Juma bị hư hại và được xây dựng lại nhiều lần. Trong một đợt tấn công của Armenia vào năm 1918, có đến 17,000 dân Samakhi đã bị giết và đốt cháy khi họ cố gắng tới trú ẩn trong nhà thờ này. Điều này giải thích tại sao cho tới nay hai quốc gia Azerbaijan và Armenia vẫn còn nguyên mối hận thù…

This image has an empty alt attribute; its file name is 24.jpg
Toàn cảnh Juma Mosque ở Samakhi

Trong suốt thời gian chế độ cộng sản của Soviet, Nhà thờ Juma không được ngó ngàng tới nên vẫn bị tàn phá và huỷ hoại theo tháng năm. Mãi cho tới 2009 gần đây, Tổng thống IIham Aliyev mới ban hành lệnh khôi phục Juma, gia cố bằng bê tông để chống động đất. Một lần nữa Juma lại trở thành nơi linh thiêng của người dân Samakhi và trở thành một trong những nhà thờ lớn nhất vùng Kavkaz. Rời Juma, chúng tôi tiếp tục lên đường đi về phía làng cổ Lahic. Trên đường có một vài điểm dừng chân, nơi những người dân bày bán những loại hoa phơi khô làm trà, các loại hạt gia vị và đặc biệt có cả saffron địa phương giá siêu rẻ (khoảng 250k VND/cốc)

Saffron địa phương – 250k/cốc 🙂

LÀNG CỔ LAHIC

Trước khi đi thăm làng cổ, chúng tôi ghé vào một nhà hàng phía ngoài làng. Đồ ăn ngon, chủ yếu là các món truyền thống Azerbaijan và BBQ mà giá cả cực kỳ hợp lý (khoảng 100k VND/người), đặc biệt trong không gian mát mẻ và trong lành như resort.

Nhà hàng ở Lahic – Như resort
Bữa trưa khá ổn – ngon bổ rẻ!

Lahic hay còn gọi là Lahich, ngôi làng cổ được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên trên hẻm núi của sông Girdimanchai. Ngôi làng nhỏ, đặc trưng bởi những con đường lát đá, những ngôi nhà được làm bằng đá xen lẫn những thanh gỗ. Lahic là một trong những điểm đi qua của Con đường Tơ lụa huyền thoại với các đoàn lữ hành lớn từ Thổ, Georgia, Armenia, Ba Tư…để trao đổi thức ăn, đồng, vải vóc, thép, đồ lưu niệm. Trong làng còn nhiều gia đình sản xuất đồ đồng thủ công, thuộc da và thảm. Ngoài ra, nghề chế biến hương liệu làm trà từ các loại hoa và các thảo dược có tinh dầu.

Biển chỉ dẫn vào làng
Con đường chính vào làng
Một trong các sản phẩm đồng
Một trong những xưởng đúc đồng lâu đời nhất ở Lahic
Một quầy tạp hóa ở Lahic
Một góc sống ảo.
Một ngõ vắng

HỒ NOHUR VÀ THÁC NƯỚC YEDDI GOZEL

Nhìn chung Azerbaijan là quốc gia khá cằn cỗi, nên các bạn ấy nâng niu và giữ gìn từng hồ nước nhỏ từng thác nước nhỏ. Bạn làm du lịch bên này thuyết phục, chúng mày phải tới thăm mấy nơi này, đẹp lắm… Vì vậy trên cung đường từ thủ đô Baku đi Sheki, chúng tôi cũng ráng ghé vào thăm theo gợi ý.

Hồ Nohur mơ màng trong ráng chiều

Nohur Lake thực sự không lớn lắm, chắc cỡ 1/5 hồ Tây nhà mình nhưng được cái sạch đẹp và phong cảnh hữu tình vô cùng vì có tầm nhìn ra dãy núi Kavkaz huyền thoại. Đây cũng là hồ chứa và cung cấp nước sạch cho toàn khu vực Gabala. Buổi chiều, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, Nohur là nơi thư giãn lý tưởng của người dân địa phương và du khách với các hoạt động chèo thuyền, câu cá, BBQ hay đọc sách bên hồ.

Cảnh đẹp như phim

Cách đó không xa là một thác nước nhỏ (nếu so với VN) tên Yeddi Gozel, nghĩa là bảy cô gái đẹp, tượng trưng cho bảy tầng thác. Chẳng có gì đặc biệt bởi nó nhỏ xíu. Có chăng dưới chân tháp có một nhà hàng khá xinh xắn, thư giãn uống trà nơi này cũng được, mỗi tội giá đắt 10 manat cho 1 ấm trà, 5 manat cho một cây kem. (1USD = 2.7manat)

Thác Bảy cô gái đẹp 🙂
Trái cây bán dưới chân tháp. Khá đắt. 85k VND/cốc dâu tây

Gabala là một thị trấn nhỏ xinh xắn, nằm trên cao nên khí hậu trong lành và dịu mát vô cùng. Đứng chụp hình giữa thị trấn có thể nhìn thấy đằng sau là đỉnh núi Bazarduzu cao 4,466 mét, cũng là đỉnh núi cao nhất Azerbaijan. Nghỉ đêm tại Gabala là một sự lựa chọn tuyệt vời, tuy nhiên chúng tôi phải tiếp tục hành trình đi tới thị trấn Sheki nghỉ đêm ở đó để sáng hôm sau tiếp tục tham quan những địa danh xung quanh khu vực này. Đường khá xa, chạy tới thị trấn và ăn tối xong, nhận phòng nghỉ cũng đã hơn 10h đêm.

Bài viết liên quan:  Kinh nghiệm du lịch Chiang Mai & Chiang Rai (Thái Lan) từ A đến Z
Một góc Gabala

SHEKI KHANS PALACE

Công trình nổi bật và có giá trị lịch sử nhất tại Sheki chính là Cung điện Sheki Khans, được xây dựng từ năm 1752 với mục đích là nơi cư trú mùa hè của Hussein-khan Mushtad. Gọi là cung điện chứ thực ra nó chỉ là toà nhà 2 tầng gồm 6 phòng nên so sánh với các cung điện bên Nga hoặc Tây Tạng thì Sheki Khans Palace chỉ xứng đáng là một góc bé xíu. Chỉ có chút đặc biệt là việc xây dựng nó hoàn toàn từ gạch, đá và gỗ gắn kết và ghép vào với nhau tài tình mà không dùng bất kỳ một cái đinh hay keo dính gì hết. Cung điện mất 10 năm để xây dựng và hoàn thiện trang trí nội thất.

Hai cây đại thụ trước cung điện

Trước cung điện là hai cây cổ thụ cao 34 mét, chu vi gốc cây 11m và có tuổi thọ lên tới cả 500 năm như hai vệ sỹ khổng lồ che chắn bảo vệ cho cung điện. Vé vào thăm cung điện là 5 manat, tương đương 85k VND. Trên lối vào cung điện, phía tay phải có cái bảo tàng nho nhỏ, nhạt nhẽo và sơ sài, không thể chán hơn, trưng bày mấy trang phục cổ của người Azerbaijan và kỹ nghệ trang trí nội thất bằng các thanh gỗ gắn vào nhau… vậy mà cũng mất vé vào cửa, những 2 manat, tương đương 34k VND. Tuy nhiên ngay cạnh cung điện lại có nơi trưng bày gốm nghệ thuật gồm cả xưởng gốm và quầy bán hàng rất đẹp, tranh thủ cũng được những tấm hình lung linh tại đây.

KARVANSARAY

Tại Sheki có một khách sạn cực kỳ nổi tiếng, bắt nguồn từ chữ caravanserai là những ngôi nhà dành cho các đoàn lữ hành trên Con đường Tơ lụa huyền thoại. Trên thực tế, Karvansaray thực sự bề thế như một cung điện hoặc pháo đài. Bên trong ngoài các phòng nghỉ chắc chắn còn có nhà kho, chuồng ngựa. Với mục đích phòng thủ tránh bị cướp bóc nên nó được xây dựng vô cùng chắc chắn bằng đá, với bề dày của tường lên tới cả mét vừa mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Hành lang rộng và thiết kế mái vòm sâu hun hút rất nghệ thuật. Ngày nay nó được cải tạo thành khách sạn lưu trú 3 sao. Nơi đây mở cửa sau 11h sáng để du khách có thể tham quan và ăn trưa nếu muốn. Giá phòng dao động tuỳ thời điểm, xung quanh 70$/đêm.

Mặt tiền Karvansaray
Bên hông khách sạn
Hành lang hun hút trong khách sạn

Xong nơi này, chúng tôi ghé Piti House, m ột nhà hàng nổi tiếng nhất Sekhi ăn trưa theo những gợi ý của rất nhiều trang du lịch. Piti là món ăn quốc hồn quốc túy của Azerbaijan, thịt cừu nguyên một khúc lớn được hầm với các loại đậu và rất nhiều saffron. Kỳ vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu bởi mùi cừu vô cùng đậm đặc, khó phù hợp với người Việt. Đã thế lại còn bị nhân viên phục vụ ăn chia với tài xế để tính giá cao hơn bình thường. Nói chung đây là bữa ăn thất vọng nhất trên đất Azerbaijan.

Nhà hàng nổi tiếng nhất xứ Sekhi
Soup Piti – Quốc hồn quốc túy nhưng khó hạp khẩu vị người Việt
Điểm cộng lớn nhất là trái cây ở Sekhi rẻ. 1kg dâu tây tươi mọng kia có 120k VND.

KISH – NHÀ THỜ CỔ

Cho tới nay, Kish là một trong những ngôi làng lâu đời nhất ở Azerbaijan. Nó nổi tiếng nhờ có nhà thờ cổ Kish được hình thành tại đây trong thời kỳ của người da trắng Albania. Theo sử sách, nhà thờ Kish được xây dựng trên vị trí Thánh Elisha thành lập nhà thờ của riêng mình. Elisha là tộc trưởng đầu tiên của giáo hội Calia Albania và là một nhà lãnh đạo Kito giáo đầu tiên ở Caucasus. Đó là lý do vì sao nhà thờ cổ Kish được coi là một trong những trung tâm tâm linh lâu đời nhất ở Kavkaz. Toà nhà hiện tại được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12, mái vòm nhọn ngói đỏ và cửa sổ rất hẹp.

Bên trong nhà thờ có ngôi mộ với bộ xương người đàn ông có chiều cao bất thường, khoảng 2m. Một góc khác còn có ngôi mộ một con hươu hay nai gì đó còn nguyên sừng. Bên ngoài cũng có vài ngôi mộ người như vậy, thấy rõ bộ xương nhờ lớp kính bảo vệ bên trên. Không hiểu bằng cách nào mà các bộ xương này được bảo tồn cho dù hiện vẫn đang để mở tiếp xúc với không khí. Nhà thờ Kish được bảo tồn và tôn tạo với sự viện trợ của Chính phủ Na Uy – có nghiên cứu chỉ ra rằng những người cổ nơi đây, đặc biệt bộ xương người đàn ông khổng lồ kia, có nguồn gốc từ tộc người Na Uy cổ. Vé tham quan nhà thờ cổ Kish là 4 manat tương đương gần 70k VND.

Những ô cửa sổ hẹp – Đặc trưng của Kish
Xa xa vẫn là dãy Kavkaz huyền thoại…
Bên hông Nhà thờ Kish
Đường biên giới giữa Azerbaijan & Georgia

Kish là địa điểm cuối cùng chúng tôi tham quan trên đất Azerbaijan. Xe lại tiếp tục đưa chúng tôi đi về phía biên giới Azerbaijan-Georgia để nhập cảnh Georgia bằng đường bộ.

Admin KCT Travel

Tôi 1 chàng trai Thanh Hóa với niềm đam mê du lịch, bằng những trải nghiệm thực thế của bản thân và những người bạn. Nên tôi đã viết và chia sẽ kinh nghiệm cho mọi người cùng biết để chuẩn bị cho mình 1 hành trang tốt cho chuyến đi Du Lịch sắp tới nhé.

View stories

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *